COVID-19 tại Việt Nam ngày 7/12: Gần 14,000 ca nhiễm mới, Hà Nội thiết lập khẩn các khu điều trị, Sài Gòn có dừng việc đến trường của học sinh lớp 1?
Việt Nam ngày 7/12 ghi nhận gần 14,000 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 7,300 ca cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 217 ca tử vong, hơn 1,200 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Gần 14,000 ca nhiễm mới, F0 cộng đồng giảm hơn 900 ca
Tối 7/12, Bộ Y tế thông báo về 13,840 ca nhiễm mới gồm 5 ca nhập cảnh và 13,835 ca ghi nhận tại 59 tỉnh/thành, trong đó có 7,306 ca cộng đồng.
Có 10 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Sài Gòn (965), Cần Thơ (898), Tây Ninh (869), Sóc Trăng (746), Hà Nội (737), Đồng Tháp (697), Bình Dương (645), Bình Phước (640), Cà Mau (615), Vĩnh Long (529).
So với ngày 6/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 7/12 giảm 723 ca, trong đó, số ca cộng đồng giảm sâu với 921 ca. Bình Thuận giảm 315 ca, Bến Tre giảm 258 ca, Sài Gòn và Cần Thơ đều giảm. Có 3 tỉnh/thành tăng cao là Bình Dương tăng hơn 400 ca, Thừa Thiên Huế tăng 245 ca, Hà Nội tăng 150 ca.
Trong ngày, có 1,249 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 217 ca tử vong tại 20 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (57), Bình Dương (37), An Giang (19), Đồng Nai (18), nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 26,700 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7,019 ca, với 6,054 ca thở oxy, 965 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,337,523 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,332,216 ca. Tổng có 1,011,656 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội thêm 600 ca nhiễm, thiết lập khẩn các khu điều trị COVID-19
Tối 7/12, Hà Nội ghi nhận thêm 600 ca nhiễm mới, trong đó có 202 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 14,546 ca.
Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 29 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Đống Đa (168); Ba Đình (56), Hà Đông (52)…
Trước đó, hôm 6/12, thành phố ghi nhận kỷ lục 774 ca nhiễm mới, thêm gần 3,600 F1 và F2. Hiện 21 cơ sở y tế tại thành phố đang tiếp nhận và điều trị cho gần 6,000 F0.
Trước việc số F0 tăng cao, Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập thiết lập khẩn các khu điều trị COVID-19 trong bệnh viện.
Sài Gòn có dừng việc đến trường của học sinh lớp 1?
Sáng 7/12 tại Sài Gòn, trao đổi về kế hoạch cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy cho hay, qua khảo sát, nhiều gia đình không đồng ý cho con đến trường.
Ông Nên cho biết, nếu phụ huynh không yên tâm thì thành phố sẽ trì hoãn kế hoạch.
Trước đó, Sở GĐ&ĐT thành phố đã khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho trẻ lớp 1 đi học trực tiếp từ ngày 13/12.
Kết quả, có tới hơn 85,400 trong tổng 121,700 phụ huynh không đồng ý (chiếm hơn 70%).
Lâm Đồng lập thêm 13 cơ sở điều trị COVID-19
Sáng nay, Lâm Đồng thành lập thêm 13 cơ sở điều trị COVID-19 mức độ nhẹ và không triệu chứng. Trong đó có 7 cơ sở được chuyển đổi công năng từ các khu cách ly tập trung và 6 cơ sở đặt tại các trường học, nhà máy thủy điện, trung tâm hướng nghiệp…
Toàn bộ 13 cơ sở với hơn 1,800 giường bệnh hoạt động theo mô hình Phòng khám đa khoa tuyến huyện ở: Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông, Đức Trọng, Lạc Dương và Đơn Dương.
Đến nay, Lâm Đồng có gần 4,500 F0, 11 trường hợp tử vong. Ở cấp tỉnh, hiện Lâm Đồng đang có dịch cấp 2 (nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, ở cấp huyện, tỉnh có 4 đơn vị thuộc nguy cơ cao (vùng cam) là Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Huoai và Đạ Tẻh; 9 xã và thị trấn nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Số F0 nặng ở Cần Thơ vượt xa khả năng điều trị
Sáng 7/12, Sở Y tế Cần Thơ cho biết, theo phân tầng điều trị COVID-19 mới của thành phố, số F0 đang điều trị ở tầng 3 hiện đã lên đến 420 người. Trong khi, năng lực điều trị các ca bệnh nặng hiện chỉ đáp ứng được 330 giường.
Trong số bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị, có hơn 221 bệnh nhân thở oxy, 31 bệnh nhân thở máy.
Chiều 7/12, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Cần Thơ cho biết, số cơ sở để quản lý, thu dung, điều trị tập trung cho bệnh nhân COVID-19 của thành phố hiện chỉ hơn 3,000 ca. Vì vậy, thành phố đang mở rộng thêm các bệnh viện dã chiến, nâng từ cơ sở cách ly tập trung F1 trước đây ở các quận, huyện.
Các bệnh viện dã chiến này sẽ là nơi cách ly điều trị F0 không triệu chứng nhưng không đủ điều kiện điều trị tại nhà. Còn F0 đủ điều kiện thì được cách ly điều trị tại nhà, không phải cách ly tập trung.
Hiện thành phố quản lý gần 20,000 F0 tại nhà. Việc quản lý thường do các trạm y tế (83 trạm y tế) và các tổ lưu động hỗ trợ.
Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, dự kiến sẽ cho trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp vào đầu năm 2022, nhưng cũng ‘còn tùy tình hình’.
Bình Định tăng cấp độ dịch lên mức nguy cơ cao
Tại Bình Định, sáng 7/12, tỉnh này ghi nhận thêm 268 ca dương tính mới, nâng tổng số F0 lên gần 5,900 ca. Trong đó, Tp Quy Nhơn nhiều nhất với 138 ca, huyện Phù Cát 35 ca, huyện Tuy Phước 33 ca, thị xã An Nhơn 29 ca…
Theo đánh giá, dịch bệnh tại tỉnh phức tạp với số F0 tăng lên từng ngày. Tính đến chiều 6/12, toàn tỉnh Bình Định có dịch ở cấp độ 3, nguy cơ cao, tương ứng vùng cam.
Ở cấp huyện, tỉnh này có 4 đơn vị thuộc cấp 3 (vùng cam) tăng 2 đơn vị gồm Tp Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Vân Canh và huyện Tuy Phước.
Đối với cấp xã, tỉnh có 7 xã/phường vùng đỏ, tức nguy cơ rất cao (tăng 4 đơn vị) và 26 xã/phường/thị trấn vùng cam, tức nguy cơ cao (tăng 7 đơn vị).
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm