COVID-19 tại Việt Nam ngày 18/12: Gần 16,000 ca nhiễm mới, lần đầu vượt 10,000 F0 cộng đồng, Hà Nội xem xét dừng dịch vụ không thiết yếu
Việt Nam ngày 18/12 ghi nhận gần 16,000 ca nhiễm mới, trong đó lần đầu vượt 10,000 F0 cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 248 ca tử vong, hơn 1,600 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Gần 16,000 ca nhiễm mới, lần đầu vượt 10,000 F0 cộng đồng
Tối 18/12, Bộ Y tế thông báo về 15,895 ca nhiễm mới gồm 12 ca nhập cảnh và 15,883 ca ghi nhận tại 60 tỉnh/thành, trong đó có 10,493 ca cộng đồng.
Có 10 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Cà Mau (1,341), Hà Nội (1,244), Sài Gòn (1,019), Tây Ninh (941), Bến Tre (826), Đồng Tháp (785), Cần Thơ (749), Bình Phước (715), Khánh Hòa (601), Vĩnh Long (595).
So với ngày 17/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 18/12 tăng 668 ca, trong đó các tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất là Hà Nội tăng 709 ca, Cà Mau tăng 270 ca, Thừa Thiên Huế tăng 222 ca.
Trong ngày, có 1,645 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 248 ca tử vong tại 20 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (65), Đồng Nai (24), An Giang (23),… nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 29,351 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7,895 ca, với 6,784 ca thở oxy, 1,111 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,524,368 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,518,886 ca. Tổng có 1,097,163 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế đề nghị dừng hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán
Ngày 18/12, Bộ Y tế vừa ý kiến lên Chính phủ, đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch- trong thời gian nghỉ Tết âm lịch 2022.
Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 17/12, Việt Nam ghi nhận trên 1,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 29,000 ca tử vong. Hiện, số ca nhiễm cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều khu vực.
Đáng chú ý, trong 1 tuần gần đây, Việt Nam liên tục ghi nhận khoảng 15,000 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong đó có từ 9,000-10,000 F0 cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện duy trì các hoạt động thiết yếu để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; còn các hoạt động khác cần phải có điều kiện, nếu không cần thiết có thể tạm dừng.
Hà Nội ghi nhận hơn 1,400 ca nhiễm mới, 5 quận huyện nâng cấp độ dịch
Tối 18/12, CDC Hà Nội ghi nhận thêm 1,412 ca nhiễm mới, trong đó có tới 411 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 25,653 ca.
Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Nam Từ Liêm (231), Ba Đình (191), thanh Trì (179), Hai Bà Trưng (123), Hoàng Mai (106), Long Biên (93),Cầu Giấy (76), Bắc Từ Liêm (61), Đống Đa (56)…
Tối cùng ngày, Bộ Y tế công bố, Hà Nội đứng thứ 2 về số ca nhiễm trong ngày với 1,244 ca. Như vậy, một số F0 hôm nay chưa được cấp mã số bệnh nhân.
Chiều cùng ngày, Hà Nội thông báo cấp độ dịch, trong đó có 5 quận/huyện chuyển màu gồm quận Hai Bà Trưng chuyển từ cấp 2 sang cấp 3 (nguy cơ cao, màu cam); quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây chuyển từ ‘xanh’ sang ‘vàng’. Hiện toàn thành phố có dịch ở cấp độ 2.
Hà Nội lo quá tải F0 tầng 2, xem xét dừng dịch vụ không thiết yếu
Tại Hà Nội, những ngày gần đây, F0 tăng nhanh, số bệnh nhân tầng 2 (mức độ bệnh trung bình) tăng cao khiến nhiều bệnh viện lo quá tải điều trị.
Hiện, tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân ở tầng điều trị này.
CDC Hà Nội cho biết, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tuyến dưới phân luồng F0 đúng, tránh đưa bệnh nhân F0 thể nhẹ lên tuyến trên, ưu tiên cho bệnh nhân nặng để giảm tỉ lệ tử vong.
Đối với F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, hiện thành phố đang điều trị cho hơn 10,000 trường hợp, trong đó gần 50% đang được điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động.
Chiều 18/12, Hà Nội ra chỉ thị yêu cầu điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng dịch phù hợp cấp độ dịch của từng khu vực, trong đó có việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu.
Các quận, huyện, thị xã căn cứ cấp độ dịch để hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng dịch, nhất là dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới…
Thừa Thiên-Huế thông tin về nữ sinh chích 2 liều vaccine COVID-19 cùng lúc
Ngày 18/12, CDC Thừa Thiên Huế đã thông tin chích thức về việc nữ sinh chích 2 liều vaccine COVID-19 cùng lúc.
Cụ thể, đơn vị này dẫn thông tin từ bộ phận chích ngừa ở thị xã Hương Trà như sau: khi chuẩn bị chích, nữ sinh này do hoảng sợ nên vung cánh tay khi nhân viên y tế chích vaccine, kim chích bị trượt, tuy nhiên có đâm vào nên gây chảy máu.
Nữ sinh được cho ra ngoài ngồi chờ một lúc rồi vào chích lại. Sau khi vào chích lại, nữ sinh vẫn được chích vaccine ở ống thuốc cũ chứ không phải chích 2 liều vaccine.
Lãnh đạo CDC cho hay, việc không giải thích từ nhân viên y tế khiến nữ sinh lầm tưởng là chích 2 liều liên tiếp.
Hải Phòng dừng chốt kiểm dịch tại sân bay Cát Bi
Tại Hải Phòng, từ 0h ngày 18/12, thành phố dừng hoạt động Chốt kiểm dịch COVID-19 và hoạt động test nhanh tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Đây là chốt kiểm soát liên ngành cuối cùng của thành phố dừng hoạt động. Trước đó từ ngày 10/10, chốt này bắt đầu hoạt động để kiểm tra y tế phương tiện và người đi- đến Hải Phòng, và các tỉnh, thành phố khác qua Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.
Các hãng hàng không kiến nghị mở lại đường bay châu Âu và Úc
Ngày 18/12, đại diện Vietnam Airlines cho biết, đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022 đến châu Âu và Úc.
Trước đó, ngày hôm qua, 17/12, Bamboo Airways đã công bố đường bay thẳng Việt Nam – Úc, và ký kết thỏa thuận với sân bay Melbourne (bang Victoria). Theo đó, từ đầu năm 2022, hãng sẽ bay thẳng thường lệ 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần, kết nối Sài Gòn với thành phố Melbourne ngay khi được phép.
Vietjet Air cũng đã có kế hoạch mở đường bay thẳng đến Úc vào đầu năm 2022 nên hãng kiến nghị sớm mở cửa với thị trường này.
Đại diện các hãng hàng không kiến nghị Bộ GTVT sớm có kế hoạch bay quốc tế thường lệ để hãng bán vé, huy động nhân lực phục vụ hành khách. Hành khách chủ động kế hoạch mua vé về nước.
Theo kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Bộ GTVT, giai đoạn 1 chỉ tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Hoa Kỳ, chưa khai thác các đường bay đến châu Âu, Úc.
Xem thêm