COVID-19 tại Việt Nam ngày 13/12: Hơn 15,000 ca nhiễm mới, Hà Nội vượt Sài Gòn với 1,000 ca, F0 ở Bình Dương không được hỗ trợ điều trị
Việt Nam ngày 13/12 ghi nhận hơn 15,000 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có gần 8,900 ca cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 242 ca tử vong, gần 1,200 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hơn 15,000 ca nhiễm mới, Hà Nội vượt Sài Gòn với 1,000 F0
Tối 13/12, Bộ Y tế thông báo về 15,377 ca nhiễm mới gồm 28 ca nhập cảnh và 15,349 ca ghi nhận tại 60 tỉnh/thành, trong đó có 8,891 ca cộng đồng.
Có 10 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Hà Nội (1,000), Bình Phước (998), Tây Ninh (919), Sài Gòn (915), Bến Tre (867), Cà Mau (793), Đồng Tháp (740), Cần Thơ (680), Khánh Hòa (594), Vĩnh Long (581).
So với ngày 12/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 13/12 tăng 728 ca. Đây là ngày đầu tiên số ca nhiễm tại Hà Nội lên 1,000 ca, cũng là lần đầu tiên Sài Gòn đứng thứ 4 về số ca nhiễm trong ngày từ khi dịch bùng phát ở phía Nam sau các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh.
Trong ngày, có 1,192 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 242 ca tử vong tại 21 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (75), Đồng Nai (26), An Giang (25),… nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 28,081 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7,730 ca, với 6,577 ca thở oxy, 1,153 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,428,428 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,423,004 ca. Tổng có 1,055,912 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội thêm 762 ca nhiễm mới, gần 400 F0 cộng đồng
Tối 13/12, Hà Nội ghi nhận thêm 762 ca nhiễm mới, trong đó có tới 395 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 19,210 ca.
Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 28/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Hoàng Mai (130), Đống Đa (77), Hà Đông (74), Tây Hồ (57), Nam Từ Liêm (55)…
Theo số liệu mà Bộ Y tế công bố tối 13/12, Hà Nội ghi nhận 1,000 F0 mới. Việc có sự chênh lệch số ca nhiễm mới trong ngày giữa công bố của Bộ Y tế và Sở Y tế là do khác thời điểm chốt số liệu của 2 bên. Các ca F0 mới này vẫn khớp mã số công bố trên Hệ thống Quốc gia.
Hà Nội siết chặt hoạt động tại 1 quận, dùng kết quả test nhanh để xác định F0
Tại Hà Nội, 7 ngày qua, số ca nhiễm mới liên tục tăng, trong đó, quận Đống Đa dẫn đầu thành phố về số ca nhiễm mới với hơn 2,000 F0.
Hiện quận này đang có dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về, và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Các trường THPT, Trung tâm giáo dục dừng dạy học trực tiếp.
Về việc xác định F0, trước đó, ngày 12/12, Bộ Y tế đã chấp thuận với đề nghị của Sở Y tế về việc được sử dụng kết quả test nhanh xác định người nhiễm COVID-19 thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định.
Trước Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam cũng được sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0.
Test nhanh kháng nguyên là phương pháp lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm nhanh, kết quả có sau 15 phút, độ chính xác khoảng 70-80% nên mang ý nghĩa tầm soát, sàng lọc. Còn xét nghiệm PCR là lấy mẫu bằng máy, độ chính xác cao, mang giá trị khẳng định, tuy nhiên mất nhiều thời gian hơn test nhanh và chi phí cao hơn.
Đến nay, theo quy định của Bộ Y tế, PCR vẫn là phương pháp xét nghiệm chính để xác định F0.
Sài Gòn lùi thời gian dạy trực tiếp cho học sinh tại huyện Củ Chi
Sáng 13/12, trong khi nhiều trường Trung học mở cửa đón học sinh lớp 9 và lớp 12, tại huyện Củ Chi, trường học chưa mở cửa trở lại.
Lãnh đạo huyện Củ Chi cho hay, do đa số phụ huynh chưa đồng ý cho con trở lại lớp nên huyện lùi thời gian đón học sinh 2 khối này chậm một tuần so với mốc chung của thành phố.
Huyện Củ Chi có 8 trường THCS, 7 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Dự kiến đến ngày 20/12, học sinh huyện này sẽ đi học trở lại.
Bắt đầu từ sáng nay, tại Sài Gòn, khoảng 150,000 học sinh lớp 9 và lớp 12 đã trở lại trường học trực tiếp sau 4 tháng ngừng đến trường.
Nghệ An gần 240 F1 của 2 F0 là giáo viên mầm non
Ngày 13/12, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, đã xác định được 238 F1 tiếp xúc trực tiếp với 2 F0 cộng đồng, trong đó, bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý có 96 F1 và may mắn hiện huyện chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Theo huyện Kỳ Sơn, 2 F0 cộng đồng trên đều là giáo viên Trường mầm non tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý và Trường mầm non cơ sở chính Keng Đu, huyện Kỳ Sơn.
Kỳ Sơn là một huyện miền núi, xa xôi, giá rét sương mù khiến việc di chuyển khó khăn.
Bên cạnh đó, do F0 là giáo viên mầm non nên có rất nhiều F1 là các bé nhỏ, lịch trình các F0 phức tạp khi tiếp xúc với nhiều người nên việc xét nghiệm rất vất vả.
Gia Lai nhiều F0 liên quan tới Trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh
Ngày 13/12, tỉnh Gia Lai cho biết, từ 12/12 đến 9h ngày 13/12, trong gần 4,000 mẫu xét nghiệm ghi nhận 110 trường hợp dương tính mới. Ngoài ra có 48 mẫu nghi nhiễm của 197 người, đang xét nghiệm lại.
Trong số 110 F0, có 18 trường hợp liên quan đến các ca nhiễm tại Trung tâm Thương mại Tp Pleiku.
Trước đó, chùm ca bệnh tại Trung tâm Thương mại này được phát hiện hôm 11/12, với 43 F0. Hiện Tp Pleiku đang phong tỏa các tuyến đường Thi Sách, Ngô Gia Tự và Trung tâm thương mại trên; tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh ở khu vực này.
Quảng Ngãi nhiều trường tiểu học chuyển dạy trực tuyến
Sáng 13/12, tỉnh Quảng Ngãi vừa ghi nhận thêm 97 ca dương tính, trong đó có 47 ca cộng đồng.
Đây là số F0 cao nhất từ trước đến nay với 12 trường hợp là học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Thọ (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa), nâng tổng số ca nhiễm tại cụm dịch này lên 26 ca, gồm 25 học sinh và 1 giáo viên.
Hiện huyện Tư Nghĩa đã yêu cầu các Trường Tiểu học Nghĩa Thọ, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn và Trường THCS Nghĩa Lâm dừng dạy trực tiếp, chuyển sang dạy trực tuyến, bắt đầu từ ngày hôm nay 13/12.
Bình Dương: Hơn 50,000 F0 điều trị tại nhà, nhiều ca không được hỗ trợ điều trị
Mới đây tại Bình Dương, Sở Y tế cho biết, hiện có hơn 2,000 ca nhiễm điều trị tại các cơ sở y tế và có đến hơn 50,000 trường hợp điều trị tại nhà. Trong đó thị xã Bến Cát hơn 12,000 F0, Tp Thuận An, Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên là các khu vực có số bệnh nhân điều trị tại nhà tương đối cao.
Hiện Bình Dương đã lập thêm 162 trạm y tế lưu động để hỗ trợ cho y tế cơ sở trong điều trị F0. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp phản ánh về tình trạng F0 không được hỗ trợ y tế, và phải tự tìm hiểu điều trị.
Về việc này, đại diện Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát cho biết, sẽ chuyển xuống đơn vị cơ sở xử lý.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm