Công ty Úc phát triển thuốc giảm đau thế hệ tiếp theo
Các nhà khoa học Úc đang nghiên cứu các loại thuốc giảm đau mới có tính đặc hiệu và ít tác dụng phụ hơn cho những người bị suy nhược và đau kinh niên.
Những thuốc này nhắm vào một phân tử được cho là tác động đến cách cơ thể cảm nhận cơn đau, do công ty khởi nghiệp Cassowary Pharmaceuticals của Đại học Queensland (UQ) phát triển.
Giáo sư Trent Munro, nhà sáng lập công ty và chuyên gia công nghệ sinh học của UQ, nói rằng liệu pháp này giúp giảm các tác dụng phụ tiềm ẩn và các vấn đề an toàn liên quan đến các phương pháp điều trị đau gần đây và đòi hỏi liều dùng ít hơn.
“Việc tạo ra các loại thuốc với những tác dụng trên có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang phải chịu đựng chứng đau thần kinh kinh niên,” Giáo sư Munro cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói, “Khoảng 10% người Mỹ trưởng thành đang sống với cơn đau thần kinh do bệnh tật và các tình trạng như ung thư, đau thần kinh tọa, chấn thương dây thần kinh ngoại biên và viêm xương khớp.”
Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị thời nay không có tác dụng đối với phần lớn bệnh nhân, hoặc có các tác dụng phụ như nghiện thuốc và độc hại cho gan.
“Chúng tôi có thể tạo ra một loại thuốc với độ chính xác [khả năng nhắm đích] cao, tránh nguy cơ nhiễm độc gan, và giảm lượng thuốc tổng thể,” Giáo sư Munro cho biết.
Công ty Cassowary Pharmaceuticals dự định bắt đầu tuyển các ứng viên cho các thử nghiệm lâm sàng trong 18 tháng tới và đang hướng tới việc đưa thuốc ra thị trường.
Công ty khởi nghiệp này là một trong bốn công ty nhận được tài trợ vào đầu năm nay từ Quỹ Nghiên cứu Y khoa Tương lai của chính phủ.
Giáo sư Munro nói rằng việc thiết kế các loại thuốc dựa trên những khám phá khoa học trước đó và sự phát triển các công cụ phòng thí nghiệm của các Giáo sư Maree Smith và Greg Monteith từ UQ.
Nghiên cứu của Giáo sư Smith dẫn đến việc phát triển một loại thuốc giảm đau đường uống đã qua thử nghiệm trên người vào năm 2012 của một công ty spin-off* khác thuộc UQ là Spinifex.
Hãng dược phẩm lớn Novartis của Thụy Sĩ đã mua công nghệ này với giao dịch bao gồm khoản trả trước 260 triệu USD bằng tiền mặt, trong một hợp đồng công nghệ sinh học được coi là lớn nhất từ trước tới nay của Úc.
Ghi chú của dịch giả:
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times