Công ty truyền hình Úc phải khóa mạng xã hội sau vụ video deepfake đóng giả Elon Musk
Một cơ quan truyền thông lớn đã phải đóng cửa mạng xã hội của mình sau khi một video do AI tạo ra cho thấy hình ảnh giả mạo của tỷ phú Elon Musk nhằm mục đích lừa đảo người dùng.
Những vụ lừa đảo deepfake trong đó các phiên bản người nổi tiếng do AI tạo ra cố gắng dụ dỗ người dùng Internet nhẹ dạ cả tin vào các trang web lừa đảo không phải là chuyện mới trong thời đại công nghệ cao hiện nay.
Nhưng trò lừa đảo này đã trở nên rất phổ biến đối với những người theo dõi hãng truyền thông nổi tiếng của Úc Channel 7 sau khi tài khoản truyền thông xã hội của hãng này bị chiếm quyền, và các tin tặc đưa các video giả mạo về Elon Musk, chủ sở hữu X và Tesla, lên đó.
Các video deepfake của vị tỷ phú nổi tiếng khuyến khích người dùng quét mã QR để kiếm tiền kỹ thuật số.
“Tất cả những gì quý vị cần làm là quét mã QR trên màn hình, truy cập trang web và thấy tiền điện tử của quý vị tăng gấp đôi,” phiên bản giả của ông Musk cho biết.
Sau đó, AI sẽ nói với người dùng rằng đây là cơ hội không thể bỏ lỡ và họ sẽ có cơ hội nhân đôi tài sản của mình.
Các video này rất thuyết phục, có cả cảnh khán giả tham gia hỏi đáp với nhân vật giả mạo, cũng như các bình luận từ một trang Tesla giả mạo.
Channel 7 đã phải xóa hầu hết các tài khoản mạng xã hội của mình để ngăn các lượt truy cập sau khi bị chiếm quyền.
Một phát ngôn viên của công ty truyền hình này cho biết họ đang nỗ lực giải quyết tình hình.
Lừa đảo bằng deepfake ngày càng tinh vi
Vào tháng Ba năm nay, cơ quan giám sát lừa đảo của chính phủ Úc, Scamwatch, đã cảnh báo về sự phổ biến của các video AI chiếu cảnh những người nổi tiếng khuyến khích mọi người đầu tư vào tiền kỹ thuật số, trong đó có một video deepfake phổ biến có hình ảnh giống với nam diễn viên người Úc Hugh Jackman.
Ngoài lừa đảo người dùng, loại lừa đảo này dựa vào AI này còn dụ dỗ những cư dân mạng nhẹ dạ cả tin.
Theo Scamwatch: “Các nền tảng này tuyên bố sử dụng AI và các công nghệ khác như máy điện toán lượng tử để tạo ra lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư.”
Những cái tên giả thường được sử dụng để đóng giả các công ty đầu tư bao gồm Quantum AI, Immediate Edge, Immediate Connect, Immediate X3, và Quantum Trade Wave.
Phiên bản video AI đóng giả Elon Musk xuất hiện trên mạng xã hội gần đây không phải là điều đặc biệt. Một video thực tế khác cũng được chia sẻ, trong đó có hình ảnh giống ông Musk đang trả lời phỏng vấn về sự tồn tại của Big Foot (hay còn gọi là người tuyết).
Cách thức lừa đảo
Theo Scamwatch, các vụ lừa đảo này hoạt động thông qua các video deepfake, clickbait (quảng cáo lừa người dùng ấn vào), và các bài báo đưa tin rằng những người nổi tiếng đã sử dụng nền tảng tiền kỹ thuật số để kiếm tiền.
Các liên kết trên các nền tảng này sẽ dẫn đến các trang web yêu cầu người dùng ghi danh, sau đó kẻ lừa đảo đóng vai người quản lý tài khoản sẽ gọi điện cho nạn nhân để yêu cầu nạn nhân cung cấp khoảng 250 dollar lệ phí ghi danh.
Họ được yêu cầu tải xuống một ứng dụng để có thể đầu tư nhiều tiền hơn. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng một bảng điều khiển trực tuyến để hiển thị các khoản lợi nhuận nhỏ, nhằm thu hút người dùng hơn nữa.
Khi đến lúc rút tiền, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu lệ phí rút tiền hoặc đề cập đến trục trặc thuế để lấy tiền, sau đó mọi người sẽ bị khóa không đăng nhập được vào tài khoản và không bao giờ lấy lại được tiền.
Dự luật sửa đổi Bộ luật Hình sự (Nội dung khiêu dâm Deepfake) năm 2024 đã được đưa ra Quốc hội Úc vào tháng Năm, với mục đích trấn áp việc sử dụng nội dung deepfake được tạo ra để đóng giả các nạn nhân vô tội trong các hình ảnh và video khiêu dâm.
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times