Công ty Huarong Trung Quốc đạt được gói cứu trợ của nhà nước, sau khi thua lỗ kỷ lục hơn 100 tỷ NDT
Công ty quản lý tài sản nợ xấu Huarong của Trung Quốc vừa cho thế giới thấy cách mà Trung Cộng cứu các công ty nhà nước gặp khó khăn mà họ cho là quá lớn để thất bại.
Hôm 19/08/2021, nhà quản lý nợ xấu và tài sản thế chấp nợ xấu hàng đầu của Trung Quốc, Công ty quản lý tài sản China Huarong Asset Management thuộc sở hữu nhà nước, cho biết rằng 5 tổ chức tài chính nhà nước sẽ đầu tư vào công ty này sau khi công ty này công bố khoản lỗ ròng 102.9 tỷ nhân dân tệ (15.84 tỷ USD) của năm 2020 vào cuối hôm thứ Tư (18/08/2021.
Trong cùng một thông báo, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã liệt kê tỷ lệ nợ trên tài sản là 90.3% vào cuối tháng 06/2020, với tổng tài sản trị giá 1.73 ngàn tỷ nhân dân tệ (266.6 tỷ USD) và tổng nợ là 1.56 ngàn tỷ nhân dân tệ (240.7 tỷ USD).
Mặc dù đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ như vậy, Huarong cho biết họ không có kế hoạch tái cơ cấu nợ của mình. Công ty này cho biết gói cứu trợ đến từ 5 công ty tài chính nhà nước: CITIC Group, China Insurance Investment Co., China Life Insurance Assets Management Co., China Cinda Asset Management Co., và Sino-Ocean Capital Co.
Huarong, do Bộ Tài chính Trung Quốc sở hữu phần lớn, là cơ quan quản lý các khoản nợ xấu và nợ xấu lớn nhất ở Trung Quốc. Ngày 12/04/2021, tờ Caixin Weekly của Trung Quốc đưa tin Huarong có thể sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Gói cứu trợ
“Đó là một tiếng sấm làm chấn động bầu trời!” Truyền thông Trung Quốc mô tả báo cáo tài chính năm 2020 mà Huarong công bố vào tối hôm 18/08/2021, báo cáo này [lẽ ra] nên được công bố hôm 01/04. “Hơn 100 tỷ giá trị khoản lỗ khổng lồ vào năm 2020!”
Công ty sau đó đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 19/08/2021 để công bố gói cứu trợ do nhà nước chỉ đạo.
Người phát ngôn của Huarong cho biết: “[Năm công ty tài chính nhà nước] sẽ đầu tư chiến lược vào công ty chúng tôi dưới hình thức mua cổ phiếu mới phát hành. Những khoản đầu tư chiến lược này một khi được thực hiện sẽ bổ sung một cách hiệu quả vào tài sản của công ty chúng tôi.”
Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này rằng, gói cứu trợ có thể giá trị khoảng 50 tỷ nhân dân tệ (7.7 tỷ USD).
Công ty này phàn nàn rằng lý do họ lỗ hơn 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 là do cựu chủ tịch Lai Xiaomin của công ty, người đã thực hiện một loạt các hoạt động mở rộng quá mức, cũng như tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Huarong đã kiếm được 1.3 tỷ nhân dân tệ (219 triệu USD) vào năm 2019.
Ông Lai Xiaomin
Ông Lai Xiaomin, cựu chủ tịch của Huarong trong 6 năm, đã dẫn dắt công ty này phát triển thành nhà quản lý tài sản nhà nước lớn nhất Trung Quốc và được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán Hồng Kông vào năm 2015.
Vào tháng 04/2018, “người hùng của Huarong” trước đó đã bị cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, điều tra. Ông Wang Zhanfeng, khi đó là Giám đốc Cục Quản lý Ngân hàng tỉnh Quảng Đông, đã tiếp quản vị trí của ông Lai.
Hôm 05/01/2021, ông Lai đã bị tòa án trung cấp Thiên Tân kết án tử hình không ân giảm, với các tội danh hối lộ, tham ô và có nhiều nhân tình. Hôm 29/01, ông bị xử tử ở tuổi 58.
Sự nghiệp chính thức của ông Lai bắt đầu vào tháng 07/1987, khi ông vào ngân hàng trung ương của Trung Quốc—Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc—với tư cách là phó giám đốc Văn phòng Kho bạc Trung ương thuộc Phòng Kế hoạch và Cấp vốn.
Vào tháng 01/2009, ông Lai được bổ nhiệm làm chủ tịch kiêm phó bí thư Đảng của Trung Cộng ở Huarong. Ba năm rưỡi sau, ông được thăng chức làm chủ tịch và là bí thư đảng của Huarong.
Trong bản án, tòa án lưu ý rằng hầu hết các hoạt động của ông Lai diễn ra sau đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm 2012, khi ông Tập lên nắm quyền. Ông Tập sẽ sớm khởi động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng đã thanh trừng nhiều đối thủ chính trị của ông.
Do Nicole Hao thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: