Công ty đầu tư Hoa Kỳ đưa ra thách thức hệ thống luật pháp của Trung Quốc
Một quỹ tín dụng rủi ro cao của Hoa Kỳ – có sở hữu một phần trái phiếu bằng USD bị vỡ nợ của Evergrande – đã đưa ra thách thức hệ thống luật pháp của Trung Quốc trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình, có khả năng phá hỏng kế hoạch tái cấu trúc và giải cứu Evergrande của Bắc Kinh.
Chúng ta sắp thấy rõ được thị trường tài chính của Trung Quốc thực sự “tự do” như thế nào.
Khi câu chuyện tái cấu trúc xung quanh nhà phát triển địa ốc China Evergrande tiếp tục kéo dài, những diễn biến gần đây có thể leo thang thành một tình trạng bế tắc tài chính chưa từng thấy trước đây trên thị trường vốn của Trung Quốc.
Một quỹ tín dụng rủi ro cao của Hoa Kỳ—có sở hữu một phần trái phiếu bằng USD bị vỡ nợ của Evergrande—đã đưa ra thách thức hệ thống luật pháp của Trung Quốc trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình, có khả năng phá hỏng kế hoạch tái cấu trúc và giải cứu Evergrande của Bắc Kinh.
Đây là bối cảnh. Sau khi Bắc Kinh thắt chặt các giới hạn đòn bẩy đối với các nhà phát triển địa ốc của Trung Quốc, Evergrande cuối cùng đã vỡ nợ đối với trái phiếu [phát hành] ở ngoại quốc vào tháng 12/2021. Kể từ đó, chính phủ Bắc Kinh và Quảng Đông đã cố gắng tránh sự sụp đổ của công ty này bằng cách sắp xếp một đề nghị tái cấu trúc. Các chi tiết đầy đủ vẫn đang được vạch ra, nhưng người ta tin rằng Evergrande có thể bị thanh lý và tài sản của công ty được bán cho nhiều chủ sở hữu nhà nước và tư nhân. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ tiếp cận các chủ nợ ở trong nước và ngoại quốc để thương lượng một dàn xếp, khoản tiền này sẽ được tài trợ bằng tiền thu được từ việc bán các tài sản đó hoặc đổi lấy quyền lợi trong các dự án hiện có hoặc tài sản thế chấp.
Các chủ nợ và trái chủ trái phiếu bằng USD của Evergrande rõ ràng đang lo lắng về việc cuối cùng họ sẽ thu hồi được bao nhiêu. Và họ nên lo lắng. Về phần mình, Bắc Kinh đã kêu gọi các chủ nợ ngoại quốc không theo đuổi các hành động pháp lý quá khích đối với Evergrande và hãy kiên nhẫn.
Không có điều nào trong số này là bất thường — ngoại trừ những gì xảy ra tiếp theo.
Vào cuối tháng Giêng, giám đốc đầu tư tín dụng rủi ro cao Oaktree Capital đã tự giải quyết vấn đề bằng cách chuyển sang thu giữ một khu đất 2.2 triệu feet vuông ở Hồng Kông thuộc sở hữu của Evergrande, nơi nhà phát triển dự định xây một dinh thự rộng lớn cho người sáng lập, được mệnh danh là “Lâu đài Dự án.”
Động thái này đẩy các kế hoạch tái cấu trúc của Evergrande vào tình thế nguy hiểm, vì khu đất này được cho là một phần tài sản thế chấp quan trọng để được đưa vào một nhóm tài sản được sử dụng để thỏa mãn các trái chủ.
Financial Times báo cáo rằng, trong một hành động riêng, Oaktree đã thu giữ một tài sản khác của Evergrande, lần này là ở Trung Quốc đại lục. Dự án nghỉ dưỡng và giải trí này nằm trên vùng châu thổ sông Hoàng Hà, được gọi là “Venice” và là một trong những dự án phát triển được đánh giá cao nhất của Evergrande.
Những động thái trơ trẽn này không phải là chưa từng thấy trong các cuộc đàm phán tái cấu trúc và phá sản. Lĩnh vực “nợ rủi ro cao” của Wall Street không dành cho những người yếu tim. Các chiến thuật cứng rắn, hiếu chiến là một phần của sách dành cho các quỹ đầu cơ tín dụng rủi ro cao có kinh nghiệm như Elliott Management, Appaloosa Management, và Oaktree. Đó là cách họ có thể biến những đồng xu đã đầu tư thành những khoản USD lợi tức.
Nhưng những động thái của Oaktree là hoàn toàn chưa từng có ở Trung Quốc.
Quỹ này đang công khai thách thức Evergrande—và suy rộng ra là cả chính phủ Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thách thức hệ thống luật pháp của Trung Quốc.
Thách thức của Oaktree đối với các kế hoạch tái cấu trúc Evergrande của ĐCSTQ ở Hồng Kông vốn đã rất nan giải rồi. Các tòa án Hồng Kông có thể để các cuộc đàm phán diễn ra theo kiểu tương tự như cách chúng được thực hiện ở phương Tây—kéo dài và tồi tệ. Nhưng do mức độ nhạy cảm về mặt chính trị của Evergrande, chúng ta không chắc chắn về việc này.
Ở đây, chúng ta sẽ phân biệt giữa hệ thống tòa án tương đối theo kiểu “thị trường tự do” hơn của Hồng Kông và hệ thống tòa án địa phương phức tạp, tham nhũng hơn của Trung Quốc đại lục. Evergrande cho biết trong một đơn gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông rằng họ đang tìm kiếm cố vấn pháp lý về cách tiến hành và bảo vệ lợi ích của công ty.
Chúng ta sẽ không suy đoán về việc dự án “Venice” ở Trung Quốc đại lục sẽ tiến hành như thế nào. Các doanh nhân ngoại quốc chịu sự chi phối của hệ thống tòa án Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát. Nhưng những vấn đề này thường do các tòa án địa phương giải quyết. Sự tương tác giữa các tòa án địa phương và trụ sở ĐCSTQ ở Bắc Kinh, với ý nghĩa quốc gia của Evergrande, sẽ rất thú vị.
Điều rõ ràng là Oaktree có trụ sở tại Los Angeles đã đặt ĐCSTQ vào tình thế khó khăn.
Liệu ĐCSTQ có can thiệp vào các tòa án Hồng Kông và không cho phép Oaktree tiếp quản? Liệu Bắc Kinh có yêu cầu các tòa án Trung Quốc vô hiệu hóa các tuyên bố của Oaktree liên quan đến “Venice” không? Và liệu Oaktree có bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen không được đầu tư vào nợ của Trung Quốc trong tương lai?
Nếu ĐCSTQ can thiệp và từ chối quan điểm pháp lý của Oaktree, các công ty Trung Quốc sẽ không thể có được nguồn tài chính từ ngoại quốc trong tương lai. Và vị trí của Hồng Kông như là trung tâm tiền tệ “ngoại quốc” được chỉ định của Bắc Kinh sẽ chấm dứt một cách hữu hiệu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: