Công ty chế tạo chip của Mỹ có nên lo lắng về tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn?
Trong 2 ngày, 3/9 và 4/9, cổ phiếu ngành công nghệ của Hoa Kỳ sụt giảm nhiều nhất kể từ hồi tháng 3. Dẫn đầu đà giảm là các công ty chế tạo chip của Hoa Kỳ với mức định giá thấp hơn so với mức của toàn lĩnh vực kinh tế này, sau khi có thông tin Trung Quốc đang lên kế hoạch thay đổi chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Việc cổ phiếu sụt giảm cho thấy sự lo lắng từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bất chấp ý chí của Bắc Kinh trong việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cây nhà lá vườn và các nguồn lực to lớn của nó, các bước tiến là rất mong manh.
Ngày 3/9, kênh Bloomberg đưa tin rằng Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư mạnh vào công nghệ bán dẫn thế hệ thứ ba, để chống lại các hạn chế xuất khẩu của chính quyền TT Trump đối với công nghệ bán dẫn và các sản phẩm công nghệ khác của Hoa Kỳ. Bài báo nêu rõ rằng đào tạo và [phân bổ] các nguồn lực cho việc nghiên cứu công nghệ bán dẫn được ưu tiên trong bản dự thảo “kế hoạch 5 năm” mới nhất của Bắc Kinh. Bài báo trích dẫn các nguồn thông tin nội bộ cho biết dự thảo kế hoạch này sẽ được trình bày với các lãnh đạo ĐCSTQ vào tháng 10 năm nay.
Công nghệ bán dẫn thế hệ thứ ba sử dụng các vật liệu tiên tiến như silicon carbide và gallium nitride, hỗ trợ tốc độ nhanh, tiết diện nhỏ và hiệu suất điện năng cao, so với vật liệu thế hệ trước như silicon, là những cấu phần cần thiết cho các công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G.
Việc này đồng thời cho thấy tầm quan trọng của các công nghệ bán dẫn mới đối với sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang diễn ra, cũng như thừa nhận rằng họ có thể đã thua trong cuộc chiến về công nghệ bán dẫn thế hệ hiện tại.
Một tiềm năng mở
Các các công ty đứng đầu thế giới về công nghệ bán dẫn thế hệ hiện tại bao gồm các doanh nghiệp của Hoa Kỳ như Intel, Nvidia và Texas Instruments, TSMC của Đài Loan, và Samsung của Hàn Quốc. Các công ty này sản xuất chip xử lý cho máy tính để bàn, máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Trung Quốc là một nước đi sau khá xa trong lĩnh vực này, và hầu hết các chuyên gia tin rằng họ chậm hơn trong khoảng 5 đến 10 năm về kiến thức và năng lực sản xuất, đây là một khoảng cách rất xa trong lĩnh vực công nghệ, vốn không ngừng phát triển.
Nhưng khi công nghệ xoay chuyển từ điện thoại thông minh sang các sản phẩm gia dụng hàng ngày, và việc ứng dụng AI và robot trở nên phổ biến hơn, thì giờ đây đã có sự chuyển tiếp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Trung Quốc nhận thấy đây là cơ hội để có thể chiếm ưu thế trong giai đoạn tiếp theo. Nước này có một môi trường thích hợp, Trung Quốc đã tăng cường thu thập dữ liệu về người dân, và dữ liệu đang nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng trong các công nghệ mới.
Các công ty của Hoa Kỳ có lợi thế xuất phát, với các sáng tạo và đa dạng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhưng sự quyết tâm và nguồn tài nguyên dồi dào của Trung Quốc là một rủi ro lớn. Chỉ số bán dẫn Philadelphia đã giảm 6.6% trong 2 ngày 3/9 và 4/9, nhiều hơn so với chỉ số công nghệ Nasdaq, giảm 6.2% trong cùng thời gian. Việc giảm giá này chủ yếu do những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp chip như Qualcomm, Intel và Applied Materials.
Tháng 10/2019, Trung Quốc đã thành lập một quỹ đầu tư 204 tỷ Nhân dân tệ (29 tỷ USD) do ĐCSTQ hậu thuẫn, chuyên đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, và thêm 60 tỷ USD khác từ các chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Đầu tháng 9, Bắc Kinh đã đưa ra các ưu đãi thuế kéo dài một thập kỷ cho các công ty công nghệ bán dẫn trong nước, miễn là họ tham gia vào quy trình sản xuất 28 nanomet tiên tiến.
Sàn chứng khoán STAR của Thượng Hải được thành lập cách đây một năm, thường được gọi là Nasdaq của Trung Quốc, đã huy động vốn cho nhiều công ty khởi nghiệp sản xuất chip trong nước. Các công ty trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn chiếm 40% tổng số các công ty niêm yết trên STAR.
Khó có thể đưa ra con số dự kiến, nhưng tổng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Trung Quốc sẽ là rất lớn. Theo nhận xét của ông Wei Shaojun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, tại Hội nghị trực tuyến Bán dẫn Thế giới được tổ chức vào cuối tháng 8, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu các sản phẩm công nghệ bán dẫn trị giá 300 tỷ USD từ nước ngoài trong năm 2020. Đó là một con số đáng kinh ngạc và Bắc Kinh muốn chuyển một phần sang các nhà cung cấp nội địa.
Những vấp váp ban đầu
Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với một số vấn đề khi họ tìm kiếm ưu thế về công nghệ bán dẫn.
Một công ty công nghệ bán dẫn ở Vũ Hán, Trung Quốc, được dự kiến trở thành một trong những nhà sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ do quản lý yếu kém, theo một báo cáo của tạp chí kinh doanh trong nước Tài Tân (Caixin), trích dẫn nguồn tin từ chính quyền địa phương.
Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing Co. Ltd. (HSMC) với 128 tỷ Nhân dân tệ (19 tỷ USD) cam kết đầu tư và có kế hoạch sản xuất chip sử dụng công nghệ 14 và 7 nanomet, và còn nhỏ hơn nữa. Đây sẽ là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thị trường.
Nhưng tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng đã được chỉ ra trong biên bản làm việc của chính quyền Vũ Hán ngày 30/7, theo báo cáo của tạp chí Tài Tân. Nếu không được khắc phục, việc thiếu hụt dòng tiền sẽ khiến dự án bị dừng lại.
Báo cáo cho biết, “Giai đoạn đầu của dự án gặp khó khăn vào cuối năm 2019 khi phát sinh tranh chấp giữa những cổ đông và một trong những kỹ sư đã tham gia xây dựng nó. Do đó, tòa án Vũ Hán đã ra phán quyết là công ty này không được phép sử dụng 55 mẫu đất nơi họ đang xây dựng nhà máy trong ba năm tới, phán quyết này có hiệu lực ngay lập tức.”
Theo tờ Tài Tân, một nhà máy công nghệ bán dẫn khác ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, được cho là đã đóng cửa vào đầu năm nay, sau sự bùng phát của virus Vũ Hán. Các chính quyền địa phương đã đầu tư 4.5 tỷ Nhân dân tệ vào dự án này trước khi nó bị đóng cửa do thiếu vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Những vấn đề này nhấn mạnh đến những thách thức trong việc xây dựng các năng lực công nghệ bán dẫn từ con số không. Nó vừa tốn kém và vừa khó thực hiện.
Phân mảnh hay Quy mô
Hoạt động kinh doanh công nghệ bán dẫn toàn cầu bao gồm ba quy trình công nghệ riêng biệt: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Chỉ một số tên tuổi lớn trên thế giới mới có cả ba quy trình tích hợp trong một như Intel, Texas Instruments và Samsung.
Trung Quốc hiện không có hãng sản xuất nào có quy trình tích hợp như vậy, việc này đòi hỏi đầu tư hàng trăm tỷ USD. Mô hình kinh doanh phổ biến và tiết kiệm chi phí hơn là tách rời, phân chia thành các quy trình độc lập, với các công ty chuyên về lĩnh vực thiết kế chip và bán hàng (fabless), hoặc sản xuất (foundry). Ví dụ, TSMC của Đài Loan là một công ty sản xuất chip, chuyên gia công cho các công ty nổi tiếng như Nvidia và Qualcomm. Trung Quốc cũng có các công ty thiết kế chip, và sản xuất riêng biệt. Chẳng hạn, Tập đoàn quốc doanh Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) là công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc.
Tại Hội nghị Bán dẫn Thế giới gần đây, được tổ chức ở Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ông Wei cho biết sự phụ thuộc của Trung Quốc vào mô hình kinh doanh công nghệ bán dẫn tách rời như hiện tại là một rủi ro có thể kìm hãm tiềm năng của nước này. Để thực sự thống trị ngành này, Trung Quốc cần nâng tầm lên như Intel hoặc Samsung.
Một công ty mong muốn trở thành nhà sản xuất tích hợp là công ty công nghệ bộ nhớ Yangtze có trụ sở tại Vũ Hán, được thành lập cách đây 3 năm, chuyên về bộ nhớ NAND. Nó trực thuộc Tsinghua Unigroup, một đơn vị của Đại học Thanh Hoa, nơi cũng đang có những vấn đề về quản lý của chính mình.
Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề mang tính hệ thống trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Bất chấp những cơ chế và chính sách, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc hiện rất phân mảnh, như việc gần sụp đổ gần đây của HSMC cho thấy. Chính quyền địa phương và cấp tỉnh đang chạy đua để thành lập các công ty thiết kế và sản xuất chip, vì đó là ưu tiên của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, và họ biết nếu thành công thì sẽ thuận lợi trên con đường chính trị của mình. “Cơn sốt chip” này cũng khiến các địa phương, vốn đã vay nợ rất nhiều, tiếp tục kéo căng năng lực tài chính của họ. Các thiết bị để sản xuất các tấm wafer và bóng bán dẫn mật độ cao đòi hỏi đầu tư hàng tỷ USD.
Các thành phố ở các khu vực xa xôi như tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc, tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây và tỉnh Phúc Kiến ở phía đông nam, đều đã nhảy vào cuộc. Ở cấp địa phương và cấp tỉnh, tham nhũng có tính hệ thống và chủ nghĩa thân hữu là một rào cản nữa.
Đây là những thách thức cần phải vượt qua. Ông Wei đã ám chỉ đến điều đó trong bài phát biểu của mình vào tháng 8: Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng tỷ USD chi tiêu không hiệu quả mà họ không có khả năng chi trả. Và cuối cùng, những câu chuyện thành công một cách tương đối như Yangtze là rất ít và xa vời.
Như Intel và Samsung đã chứng minh, công nghệ bán dẫn là một ngành kinh doanh đòi hỏi có quy mô lớn.
Tác giả: Fan Yu