Công tố viên ICC bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công tố viên Fatou Bensouda của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì cuộc điều tra của bà về việc liệu Taliban, Afghanistan, và các lực lượng của Hoa Kỳ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không.
Hoa Kỳ không phải là một quốc gia thành viên theo Quy chế Rome của ICC.
“Hôm nay, Hoa Kỳ đang hành động để bảo vệ người dân Hoa Kỳ khỏi cuộc điều tra bất công và bất hợp pháp của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cuộc điều tra này đe dọa chủ quyền của chúng tôi cũng như gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi,” ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
“Hoa Kỳ là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho công lý trên toàn thế giới nhưng không phải là một bên tham gia Quy chế Rome đã tạo ra ICC, cũng như chúng tôi chưa bao giờ chấp nhận quyền tài phán của nó đối với nhân sự của chúng tôi.”
“Hôm nay chúng tôi thực hiện bước tiếp theo, vì thật đáng buồn khi ICC tiếp tục nhắm mục tiêu vào người dân Hoa Kỳ,” ông Pompeo nói với các phóng viên.
Ông Pompeo cũng cho biết các cá nhân và thực thể tiếp tục hỗ trợ vật chất cho bà Bensouda và bà Mochochoko cũng sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.
Bộ Ngoại giao cũng hạn chế việc cấp thị thực cho những cá nhân mà ông Pompeo nói đã tham gia vào nỗ lực điều tra nhân sự Hoa Kỳ của tòa án này. Ông không nêu tên những người bị ảnh hưởng.
Ông Pompeo cũng cho biết bà Phakiso Mochochoko, người đứng đầu Bộ phận Thẩm quyền, Bổ sung và Hợp tác của ICC, cũng đã bị đưa vào danh sách đen theo các lệnh trừng phạt do Tổng thống Donald Trump ủy quyền vào hồi tháng 6 cho phép đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Phát ngôn viên của Liên hợp quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên rằng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lo ngại trước thông báo của ông Pompeo.
Vào hồi tháng 3, bà Bensouda đã được ICC cho phép điều tra xem liệu các tội ác chiến tranh có được thực hiện ở Afghanistan bởi Taliban, quân đội Afghanistan, các lực lượng của Hoa Kỳ và CIA hay không.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã thu hồi thị thực nhập cảnh của bà Bensouda do có thể có cuộc điều tra về Afghanistan. Nhưng theo thỏa thuận giữa Liên Hợp Quốc và Washington, bà vẫn có thể thường xuyên đến New York để trình bày với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các vụ việc mà họ đã đưa ra tòa án ở The Hague.
Các nhóm nhân quyền ngay lập tức lên án các chỉ định của Hoa Kỳ.
Ông Richard Dicker, Giám đốc tư pháp quốc tế của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói đây là một “sai lầm đáng kinh ngạc của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ”.
Ông nói, “Chính phủ Trump đã bóp méo những biện pháp trừng phạt này để cản trở công lý, không chỉ đối với một số nạn nhân tội ác chiến tranh nào đó, mà còn đối với những nạn nhân của các hành động tàn bạo ở bất cứ nơi nào tìm đến Tòa án Hình sự Quốc tế để đòi công lý”.
Ông Pompeo nói rằng mặc dù không phải là một bên tham gia vào các cuộc điều tra của ICC nhưng Hoa Kỳ “đã liên tục tìm cách đề cao cái thiện và trừng phạt cái ác theo luật pháp quốc tế”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy,” ông nói. “Người dân Hoa Kỳ tự hào đứng về phía sự thật và công lý. Chúng tôi không có ý định để các hoạt động bất hợp pháp của ICC trở thành rào cản cho việc theo đuổi đó.”
Tác giả: Daphne Psaledakis, Michelle Nichols, Susan Heavey và David Brunnstrom (Reuters)