Công tố viên Hoa Kỳ: Lãnh sự quán Trung Quốc chỉ đạo Sĩ quan Sở Cảnh sát New York làm gián điệp
Vụ bắt giữ một sĩ quan của Sở Cảnh sát New York (NYPD) đã làm sáng tỏ cách mà lãnh sự quán Trung Quốc xâm nhập và gây ảnh hưởng đến các cộng đồng bất đồng chính kiến địa phương.
Baimadajie, 33 tuổi, người dân tộc Tây Tạng và nhập tịch Hoa Kỳ, đã bị bắt với cáo buộc liên bang với hoạt động gián điệp bất hợp pháp cho Bắc Kinh.
Các nhà điều tra liên bang phát hiện ra rằng anh ta đang cung cấp thông tin tình báo cho lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố New York, bao gồm cả các hoạt động của người dân tộc Tây Tạng ở khu vực New York. Anh ta cũng phát triển các nguồn tin tình báo trong các cộng đồng Tây Tạng và giúp các quan chức lãnh sự tiếp cận với các quan chức cấp cao của NYPD thông qua lời mời tham dự các sự kiện chính thức của NYPD, theo các công tố viên liên bang.
Angwang bị buộc tội hoạt động như một viên chức bất hợp pháp cho Trung Quốc, thực hiện hành vi gian lận điện tử, đưa ra các tuyên bố sai sự thật và cản trở tố tụng chính thức. Anh ta đang bị giam giữ mà không được tại ngoại.
Theo Bộ Tư pháp (DOJ), nếu bị kết án với tất cả những tội danh này, anh ta phải đối mặt với án tù lên đến 55 năm.
Mặc dù là người dân tộc Tây Tạng, các tài liệu của tòa án cho thấy lòng trung thành của Angwang với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong một cuộc trò chuyện năm 2018 với người quản lý của mình tại lãnh sự quán, anh ta tự mô tả mình như một “tài sản” của chế độ này.
Kể từ khi ĐCSTQ xâm chiếm Tây Tạng, nó đã đàn áp nghiêm trọng các phong tục địa phương và các tập tục Phật giáo Tây Tạng. Nhiều người Tây Tạng đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc và hàng ngàn người đã định cư ở Thành phố New York.
Ông Dorjee Tseten, giám đốc điều hành của Sinh viên vì Tây Tạng Tự do, một nhóm vận động có trụ sở tại New York, cho biết trong một tuyên bố rằng vụ việc “nên là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta —từ các cấp liên bang, tiểu bang cho tới địa phương — về mức độ sâu và phạm vi đáng báo động của các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.”
Ông nói thêm rằng, “Người Tây Tạng từ lâu đã biết ĐCSTQ đang theo dõi các cộng đồng của chúng tôi, ngay cả ở một quốc gia tự do như Hoa Kỳ, và vụ việc này cho thấy thời gian lâu dài mà Bắc Kinh sẽ theo đuổi để phá hoại phong trào Tây Tạng Tự do”, vốn tin vào sự chia tách chính trị giữa Trung Quốc và Tây Tạng.
Hoàn cảnh gia đình
Gia đình Angwang có quan hệ sâu rộng với cả ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Theo đơn tố cáo hình sự, cha của anh ta đã nghỉ hưu khỏi PLA, trong khi mẹ anh ta là một quan chức ĐCSTQ đã nghỉ hưu. Trong khi đó, anh trai của anh ta hiện là quân nhân dự bị của PLA.
Cha mẹ của anh ta đều là thành viên của ĐCSTQ, và ba thành viên trong gia đình đều sống ở Trung Quốc. Các tài liệu của tòa án không cho biết nơi nào cụ thể ở Trung Quốc.
Mặt trận Thống nhất
Trước khi bị bắt, Angwang được bổ nhiệm vào đơn vị phụ trách các vấn đề cộng đồng của NYPD, đóng vai trò là liên lạc viên với của một phần của Quận Queens quanh Khu 111.
Angwang bắt đầu hành động theo chỉ đạo và kiểm soát của các quan chức tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York ít nhất từ năm 2014, theo DOJ.
Người phụ trách anh ta tại lãnh sự quán được cho là thuộc “Hiệp hội Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Tây Tạng Trung Quốc”, một bộ phận thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc (UFWD), theo tài liệu của tòa án.
Theo một báo cáo năm 2018 do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC) công bố, UFWD thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài dưới tên gọi “Mặt trận Thống nhất” nhằm “hợp tác và vô hiệu hóa các nguồn chống đối tiềm tàng” đối với Trung Quốc.
“Công việc của Mặt trận Thống nhất là quảng bá luận điệu toàn cầu theo ý đồ của Bắc Kinh, gây áp lực buộc các cá nhân sống trong các xã hội tự do và cởi mở phải tự kiểm duyệt và tránh thảo luận về các vấn đề bất lợi cho Trung Quốc, đồng thời quấy rối hoặc làm suy yếu các nhóm chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh”, báo cáo giải thích.
Tại Hoa Kỳ, các hiệp hội văn hóa và hữu nghị là một trong nhiều nhóm địa phương do UFWD hướng dẫn hoặc tài trợ.
Angwang thường gọi vị quan chức ĐCSTQ liên quan tới Mặt trận Thống nhất UFWD là “Sếp”, và hai người đã trao đổi tin nhắn và nói chuyện điện thoại ít nhất 55 lần từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2020, theo đơn tố cáo hình sự. Trong ít nhất một lần, Angwang gọi vị quan chức này là “anh cả”.
Trong một cuộc điện thoại vào tháng 11/2018, Angwang đề nghị với quan chức rằng người này cần “phát triển” các nguồn tin tình báo từ người Công giáo, người Hồi giáo hoặc người thuộc sắc tộc Hui trong cộng đồng Tây Tạng.
Trong một cuộc điện thoại khác vào tháng 2/2019, Angwang xác định một công dân Hoa Kỳ thuộc sắc tộc Tây Tạng là một nguồn tin tình báo tốt, người này đã lên kế hoạch tái tranh cử chức vụ chính trị trong tương lai sau một chiến dịch không thành công. Angwang cho biết anh ta sẽ gửi thông tin về cá nhân này, bao gồm cả công việc trong quá khứ và các thành viên gia đình, cho vị quan chức ĐCSTQ.
Pháp Luân Công
Truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), chi nhánh của The Epoch Times, là chủ đề cuộc trò chuyện giữa Angwang và vị quan chức ĐCSTQ trong một cuộc điện đàm vào tháng 11/2019.
Trong cuộc gọi, Angwang đã xin phép vị này về việc liệu anh ta có thể xuất hiện trên chương trình “Phỏng vấn tiêu điểm” của NTD hay không, nói rằng anh ta không “dám quá liều lĩnh”. Theo đơn khiếu nại hình sự, NTD đã yêu cầu NYPD chọn một nhân viên thông thạo phương ngữ Quan thoại làm ứng cử viên cho cuộc phỏng vấn của mình, và NYPD đã trả lời bằng cách hỏi Angwang liệu anh ta có thể tham gia được không.
Đáp lại, vị quan chức ĐCSTQ nói với Angwang rằng anh ta “tuyệt đối không nên làm điều đó” vì “Trung Quốc hoàn toàn chống lại [NTD]” do có quan hệ với Pháp Luân Công.
“Trong tương lai, nếu anh muốn quay trở lại [Trung Quốc] hoặc gì đó, thì nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn”, quan chức này nói, cảnh báo Angwang về hậu quả nếu anh ta xuất hiện trong chương trình NTD.
Vô tình, Angwang đã xuất hiện trên các phân đoạn tin tức NTD vào tháng 4/2019 và tháng 11/2019, nhưng anh ta đã không xuất hiện trên chương trình Tiêu điểm.
“Một khi anh tham gia chương trình của họ, Trung Quốc sẽ không phân biệt anh có phải là FLG [Pháp Luân Công] hay không”, quan chức này nói thêm, trước khi bổ sung rằng “Trung Quốc chưa nới lỏng đối với FLG”.
Epoch Times và NTD lần lượt được thành lập vào năm 2000 và 2001 bởi một nhóm người Mỹ gốc Hoa, những người theo môn tu luyện tinh thần có tên Pháp Luân Công. Họ thành lập cơ quan truyền thông để đưa báo chí tự do đến Trung Quốc.
Mặc dù Epoch Times được thành lập bởi các học viên Pháp Luân Công, nhưng đây là một doanh nghiệp độc lập không đại diện cho Pháp Luân Công và cũng không thuộc sở hữu của Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, có 70 triệu đến 100 triệu học viên trước cuộc đàn áp của chế độ Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999. Kể từ đó, hàng trăm nghìn người đã bị giam giữ và tra tấn trong các nhà tù, trung tâm tẩy não và trại lao động.
Vị quan chức ĐCSTQ đã yêu cầu Angwang “đưa ra [lý do] phù hợp” để từ chối yêu cầu phỏng vấn của NTD.
Angwang cũng hỏi vị này rằng liệu sự hiện diện của các phóng viên NTD tại các cuộc họp báo của NYPD có phải là “một vấn đề” hay không. Đáp lại, quan chức Trung Quốc nói: “Anh không thể chặn họ đến. Đó là quyền tự do báo chí.”
Theo đơn tố cáo hình sự, Angwang đã thông báo với cấp trên NYPD của mình rằng anh ta không muốn được NTD phỏng vấn vào tháng 1/2020.
Không rõ các quan chức tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York có trả tiền cho anh ta vì thông tin anh ta cung cấp hay không. Tuy nhiên, một cuộc trò chuyện vào tháng 12/2018 giữa Angwang và người quản lý Trung Quốc cho thấy các khoản thanh toán đã được thực hiện cho Angwang.
Trong cuộc điện thoại, Angwang nói rằng anh ta sẵn sàng hỗ trợ mà không mong đợi được trả tiền – “bất cứ thứ gì đáng tiền hay không đáng tiền đều được cung cấp cho ông.”
Hơn nữa, các nhà điều tra đã phát hiện ra mối quan hệ tài chính giữa Angwang và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2014.
Vào tháng 1/2014, Angwang nhận được hai khoản thanh toán riêng biệt là 50,000 USD và 20,000 USD từ một tài khoản tại Ngân hàng Trung Quốc ở New York.
Vào tháng 4/2016, Angwang chuyển 100,000 USD từ tài khoản ngân hàng ở Hoa Kỳ vào một tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc do anh trai mình nắm giữ. Angwang chuyển thêm 50,000 USD một tháng sau đó vào một tài khoản Trung Quốc khác do một cá nhân ẩn danh nắm giữ. Cũng trong tháng 5 năm 2016, anh trai của anh ta đã chuyển cho Angwang 49,985 USD.