Công nhân Việt Nam tại nhà máy Trung Quốc ở Serbia kêu cứu
ZRENJANIN, Serbia – Những người này đang rét run trong các khu trại không có máy sưởi, nhịn đói, và không có tiền. Họ nói hộ chiếu của họ đã bị chủ lao động người Trung Quốc lấy đi và hiện họ đang bị mắc kẹt tại một vùng đồng bằng khắc nghiệt ở Serbia mà không có sự giúp đỡ nào từ chính quyền địa phương.
Đây là những công nhân Việt Nam giúp xây dựng nhà máy sản xuất lốp xe hơi đầu tiên của Trung Quốc ở Âu Châu. Hãng thông tấn AP đã đến thăm công trường thi công ở miền bắc Serbia, nơi có khoảng 500 công nhân đang sống trong điều kiện khắc nghiệt khi Công ty Lốp xe Sơn Đông Linglong của Trung Quốc thiết lập cơ sở khổng lồ này.
Dự án mà giới chức Serbia và Trung Quốc ca tụng như một biểu hiện của “mối liên kết đối tác chiến lược” giữa hai nước đã vấp phải sự theo dõi gắt gao của các nhà môi trường về ô nhiễm nguy hại tiềm tàng từ việc sản xuất lốp xe.
Giờ đây, nó đã thu hút sự chú ý của các nhóm nhân quyền ở Serbia, họ đã cảnh báo rằng những người lao động này có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc thậm chí là nô lệ.
Tại dãy nhà kho một tầng xám xịt nơi các công nhân [Việt Nam] sinh sống, nhà hoạt động người Serbia Miso Zivanov của tổ chức phi chính phủ Zrenjaninska Akcija (Zrenjanin Action) nói với hãng thông tấn AP rằng, “Chúng ta đang chứng kiến một sự vi phạm nhân quyền vì [công nhân] Việt Nam đang phải làm việc trong những điều kiện rất tồi tệ.”
Ông Zivanov cho biết: “Hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của họ đã bị chủ lao động Trung Quốc lấy đi. Họ đã ở đây từ tháng Năm, và họ chỉ nhận được một tháng lương. Họ đang tìm cách về Việt Nam, nhưng trước tiên cần lấy lại giấy tờ của mình.”
Những công nhân này ngủ trên những chiếc giường tầng không có đệm trong các khu trại không có máy sưởi hoặc nước ấm. Họ nói với hãng thông tấn AP rằng họ không được chăm sóc y tế ngay cả khi họ có các triệu chứng giống COVID-19, những người quản lý họ nói với họ rằng họ chỉ cần đơn giản là ở trong phòng của mình.
Một trong những công nhân, anh Nguyễn Văn Trí cho biết [chủ lao động] đã không thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào trong hợp đồng lao động mà anh đã ký tại Việt Nam trước khi lên đường sang Serbia.
“Chẳng có gì tốt kể từ khi chúng tôi đến đây. Tất cả đều không đúng với hợp đồng chúng tôi đã ký ở Việt Nam. Cuộc sống thật tồi tệ; thức ăn, thuốc thang, nước uống… mọi thứ đều tồi tệ,” anh Trí nhận xét.
Chân đi dép xăng-đan và run lẩy bẩy vì lạnh, anh Trí cho biết khoảng 100 công nhân đồng nghiệp của mình sống trong cùng khu trại đã đình công để phản đối hoàn cảnh khốn khổ của mình, và một vài người trong số họ đã bị sa thải vì điều đó.
Công ty Linglong đã không trả lời cuộc gọi yêu cầu bình luận từ AP, nhưng phủ nhận với truyền thông Serbia rằng công ty phải có trách nhiệm với người lao động, đổ lỗi hoàn cảnh của họ lên các nhà thầu phụ và các tổ chức môi giới việc làm của Việt Nam. Công ty cho biết ban đầu họ không [chủ định] tuyển dụng lao động Việt Nam. Công ty sẽ trả lại các giấy tờ mà họ nói đã thu giữ, để xin cấp giấy phép làm việc và giấy phép cư trú.
Công ty cũng phủ nhận thông tin công nhân Việt Nam sống trong điều kiện tồi tệ và cho biết lương tháng của công nhân đã được trả tương ứng với số giờ làm việc.
Là quốc gia theo chủ nghĩa dân túy, Serbia là một địa điểm quan trọng cho các chính sách mở rộng và đầu tư của Trung Cộng ở Âu Châu, và các công ty Trung Quốc đã rất kín tiếng về các dự án của họ trong bối cảnh có thông tin rằng họ vi phạm luật chống ô nhiễm và các quy định về lao động của quốc gia Balkan này.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cho Serbia vay hàng tỷ USD để tài trợ cho các công ty Trung Quốc xây dựng đường cao tốc, đường sắt, và nhà máy cũng như thuê công nhân xây dựng của chính họ. Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm nhân quyền chỉ ra những vi phạm có khả năng đã xảy ra đối với quyền của người lao động, bao gồm cả quyền của các thợ mỏ Trung Quốc tại một mỏ đồng ở miền đông Serbia.
Sau nhiều ngày im lặng, các quan chức Serbia đã lên tiếng phản đối các điều kiện “vô nhân đạo” tại công trường, nhưng nhanh chóng giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Cộng đối với hoàn cảnh cực khổ của công nhân.
Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết bà “sẽ không loại trừ rằng sự công kích nhằm vào nhà máy Linglong” được thực hiện “bởi những kẻ chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc” ở Serbia – ám chỉ đến những lời chỉ trích thường xuyên từ phương Tây rằng các dự án của Trung Quốc ở đó là không minh bạch, đáng nghi ngại về mặt sinh thái, và được Bắc Kinh thiết kế để lan rộng ảnh hưởng chính trị của mình ở Âu Châu.
“Lúc đầu, đó là môi trường. Bây giờ thì họ bỏ qua điều đó, và họ tập trung vào công nhân ở đó. Sau này sẽ có những thứ khác,” bà Brnabic nhận định.
Hôm thứ Sáu (19/11), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết một thanh tra lao động Serbia đã được cử đến công trường thi công Linglong, nhưng ông không trực tiếp nói về kết quả dự kiến của những phát hiện cuối cùng.
“Họ muốn gì đây? Họ muốn chúng tôi hủy bỏ một khoản đầu tư trị giá 900 triệu USD chăng?” ông Vucic hỏi.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: