Cộng hòa Séc loại Trung Quốc ra khỏi dự án điện hạt nhân mới
Cộng hòa Séc là quốc gia gần đây nhất đã loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng quan trọng của mình, do lo ngại về an ninh quốc gia.
Sau quyết định của Praha về việc cấm các công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia vào mạng viễn thông 5G của quốc gia này vào năm 2019, các đảng chính trị của Cộng hòa Séc gần đây đã đồng thuận không cho các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án nhà máy điện hạt nhân mới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Cộng hòa Séc đáp lại rằng họ “quan ngại sâu sắc” và “kiên quyết phản đối” quyết định này.
Cộng hòa Séc dự định sẽ xây dựng một nhà máy mới tại Trạm điện Hạt nhân Dukovany vào khoảng thời gian chưa xác định từ năm 2035 đến năm 2037 để thay thế nhà máy điện hiện tại.
Năm 2019, chính phủ Séc đã lần đầu tiên chấp thuận dự án và ủy quyền cho chủ sở hữu và nhà điều hành hiện tại của nhà máy điện CEZ tiến hành việc đấu thầu. CEZ là công ty tiện ích lớn nhất ở Trung và Đông Âu, với 70% cổ phần thuộc sở hữu của chính phủ Séc.
Theo thông tin công khai hiện có, nhà máy điện hạt nhân mới sẽ đòi hỏi chi phí ít nhất là 7.2 tỷ USD, và sẽ có công suất 1,200MW sau khi đi vào hoạt động. Đây là dự án lớn nhất ở Cộng hòa Séc trong nhiều thập kỷ.
Hồi tháng 01/2021, đã có 5 công ty tỏ ra quan tâm đến dự án này, bao gồm Westinghouse đến từ Hoa Kỳ, EDF đến từ Pháp, KHNP đến từ Hàn Quốc, Rosatom đến từ Nga và China General Nuclear Power (CGN) đến từ Trung Quốc.
CGN là một công ty năng lượng quốc doanh và là một trong ba nhà vận hành năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Công ty CGN được chính quyền Trung Cộng thành lập để xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện đại đầu tiên của nước này, Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á, vào năm 1994.
Chính quyền Trung Cộng đã vạch ra cách thức để CGN ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty năng lượng Pháp Areva nhằm “chuyển giao” công nghệ lò phản ứng thế hệ thứ hai và thứ ba cần thiết cho việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á, cũng như các nhà máy điện hạt nhân khác ở Trung Quốc. Công ty EDF đã mua lại công ty Areva vào năm 2017.
Kể từ đó, các quốc gia trở nên cảnh giác hơn khi làm ăn với các công ty Trung Quốc. Họ lo ngại về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm.
Vào tháng 08/2019, công ty CGN đã được bổ sung vào “danh sách đen các tổ chức” của Hoa Kỳ sau khi công ty này “bị Chính phủ Hoa Kỳ xác định là đang hành động trái ngược với lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ,” Bộ Thương mại Hoa Kỳ nêu rõ trong thông báo của mình.
Các công ty trong ‘danh sách đen các tổ chức’ này không được phép kinh doanh với các nhà cung cấp của Hoa Kỳ, trừ khi có được giấy phép đặc biệt trước từ chính phủ Hoa Kỳ.
Hồi tháng 06/2020, nhà sản xuất năng lượng hạt nhân quốc doanh Nuclearelectrica của Rumani cũng đã tuyên bố chấm dứt đàm phán với CGN về việc xây dựng hai lò phản ứng điện hạt nhân mới, sau khi Bộ Kinh tế nước này viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia.
Tại Cộng hòa Séc, các nhà lập pháp đang tranh luận xem có nên loại trừ công ty Rosatom của Nga và CGN của Trung Quốc do những nguy cơ về an ninh quốc gia hay không.
Hôm 27/01, các đảng phái chính trị của Cộng hòa Séc đã đồng tình rằng CGN và các nhà vận hành điện hạt nhân khác của Trung Quốc không nên tham gia vào dự án Dukovany. Vào thời điểm công bố bài viết này, họ đang tranh luận về việc có nên loại trừ các công ty của Nga hay không.
Do Nicole Hao thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: