Công dụng chữa lành của Nhũ hương
Nhũ hương được mệnh danh là vua của các loại tinh dầu vì những tác dụng hữu ích đối với toàn bộ cơ thể. Một trong số đó bao gồm: đặc tính kháng khuẩn, làm se lỗ chân lông, chống viêm, khử trùng, kích thích nhu động ruột, lợi tiểu và long đờm.
Nhũ hương là một loại tinh dầu phổ biến được tôn sùng trong nhiều thiên niên kỷ với mục đích tôn giáo, y học và làm đẹp. Kinh thánh đã ghi chép lại bằng chứng thể hiện giá trị của Nhũ hương như một trong ba món quà mà những nhà hiền triết đã ban tặng vào lúc Chúa Giê-su ra đời.
Nhũ hương có nguồn gốc từ cây Boswellia, mọc ở Châu Phi, phần lớn Trung Đông, một phần của Ấn Độ và Pakistan. Khi rạch thân cây Boswellia, nhựa cây màu trắng đục sẽ chảy ra, sau đó dần cứng lại khi tiếp xúc với không khí và tạo thành chất keo. Chất keo cũng có thể được chưng cất bằng hơi nước để tạo ra một loại tinh dầu thơm.
Lịch sử của Nhũ hương
Người Ai Cập cổ đại sử dụng nhựa Nhũ hương trong các nghi lễ tôn giáo và làm đẹp bằng cách đốt cháy và nghiền thành bột để kẻ mắt và xăm mình. Tài liệu y học của Ai Cập từ năm 1500 trước Công nguyên đã cho thấy nhựa cây Nhũ hương được kê toa để điều trị nhiễm trùng cổ họng và cơn hen suyễn.
Bác sĩ người Iran Avicenna (980–1037) đã khuyên dùng Nhũ hương cho các khối u, vết loét và sốt trong các văn bản y học cổ đại của ông.
Có những tài liệu tham khảo y học sớm hơn về Nhũ hương trong cuốn bản thảo về thảo dược Trung Hoa, Ming Yi Bie Lu, vào thế kỷ thứ 6.
Trong Cựu ước và Tân ước của kinh thánh Judeo-Christian, Nhũ hương đôi khi được sử dụng như một vật cúng dường, hoặc như một phép ẩn dụ về ý nghĩa của việc chịu đựng mà không than phiền.
Nhũ hương cũng có nhiều công dụng khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Nhựa Nhũ hương nấu chảy được sử dụng để sửa chữa các bình và lọ nhờ tạo ra một lớp chống thấm nước. Ngoài ra, vỏ của cây Boswellia có thể làm thuốc nhuộm cho vải bông và quần áo da.
Nhũ hương trong Trung y
Trong Trung y, Nhũ hương là một loại thảo mộc được sử dụng để chữa trị trong hàng ngàn năm nay. Nhũ hương có vị hăng, đắng, tính ấm và đặc biệt hiệu quả đối với gan, tim và lá lách. Nhũ hương nằm trong nhóm các loại thảo mộc có tác dụng bổ huyết, kích thích lưu thông máu mạnh mẽ.
Theo quan điểm Đông phương, rất nhiều vấn đề sức khỏe là do sự “ngưng trệ” hoặc tắc nghẽn của khí (năng lượng) hoặc tuần hoàn máu. Khi khí và máu lưu thông tự do, cơ thể chúng ta sẽ được cân bằng và khỏe mạnh. Nhưng, khi khí huyết không lưu thông, các vấn đề sẽ phát sinh. Đau là một ví dụ. Đau là một triệu chứng do sự tắc nghẽn hoặc “đình trệ” của khí hoặc dòng máu. Nhũ hương thường được kê đơn để giảm đau vì đặc tính kích thích tuần hoàn và ngăn ngừa ứ trệ khí huyết.
Ứ trệ khí huyết cũng được coi là nguyên nhân của khối u, u nang và các tổn thương khác. Các thầy thuốc đã sử dụng Nhũ hương để điều trị các khối u và các khối tổn thương khác nhờ công dụng kích thích lưu thông máu huyết của nó. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đang tìm hiểu sâu hơn về tác dụng tiêu độc tế bào và chống khối u của Nhũ hương.
Nhũ hương và ung thư
Nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả tiềm năng của Nhũ hương đối với bệnh ung thư. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học và Liệu pháp Bổ sung BMC, tinh dầu Nhũ hương cho thấy khả năng gây chết các tế bào ung thư tuyến tụy ở người. Nghiên cứu này mang đến hy vọng có thể cung cấp một giải pháp thay thế tự nhiên hơn cho hóa trị và xạ trị ở bệnh ung thư tuyến tụy, một loại ung thư tàn phá cơ thể nghiêm trọng với tiên lượng xấu. Trong một đánh giá nghiên cứu được công bố vào năm 2016, các tác giả đã cho biết các acid boswellic của Nhũ hương có tác dụng chống tăng sinh khối u như sau, “Nhũ hương ức chế sự tăng sinh các tế bào khối u của bệnh bạch cầu và u nguyên bào thần kinh đệm. Nhũ hương có tác dụng chống khối u nhờ khả năng ức chế topoisomerase I và II-alpha, cũng như kích thích tế bào chết theo chương trình (apoptosis),”
Chống chỉ định của Nhũ hương
Nhũ hương không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai và nên thận trọng khi sử dụng cho những người có vấn đề về tiêu hóa vì đặc tính kích thích mạnh và những độc tính tiềm ẩn. Vì vậy, không nên sử dụng Nhũ hương lâu dài.
Ngoài ra, nếu bạn đang cân nhắc uống Nhũ hương, hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng loại tinh dầu nguyên chất 100% được dán nhãn để uống chứ không phải loại dầu thơm hoặc dầu có mùi thơm và được sản xuất dưới sự giám sát của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Những công dụng quen thuộc của Nhũ hương
Nhũ hương là một loại dầu có nhiều công dụng thiết thực. Bạn có thể sử dụng bôi ngoài da hoặc nhỏ vài giọt vào dầu dưỡng như dầu dừa, jojoba, hạnh nhân hoặc bơ để giảm đau hoặc viêm. Để đạt được những tác dụng hữu ích của Nhũ hương, bạn cũng có thể thêm một vài giọt vào máy xông hoặc dụng cụ hít tinh dầu.
Nhũ hương và sức khỏe
Nhũ hương có đặc tính kháng khuẩn, làm se chân lông, kháng viêm, khử trùng, kích thích nhu động ruột, lợi tiểu và long đờm. Nhũ hương được mệnh danh là vua của các loại tinh dầu vì những tác dụng hữu ích đối với toàn bộ cơ thể. Ví dụ: tăng miễn dịch và giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng, tái tạo tế bào khỏe mạnh và giữ cho các tế bào và mô hoạt động ở mức tối ưu. Nhờ vậy, Nhũ hương có nhiều ứng dụng trong điều trị nhiều vấn đề sức khỏe.
Dưới đây là một số cách bạn có thể sử dụng tinh dầu Nhũ hương tại nhà.
1. Giảm căng thẳng
Nhỏ một vài giọt tinh dầu Nhũ hương vào trong bồn tắm sẽ làm dịu hệ thần kinh và giúp bạn thư giãn. Đây là điều tuyệt vời bạn nên làm ngay trước khi đi ngủ để đảm bảo một giấc ngủ thư thái và trẻ hóa. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu về khía cạnh này của Nhũ hương. Trong một nghiên cứu ở chuột được công bố trên Tạp chí Khoa học Oleo vào năm 2019, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng: “Tinh dầu Nhũ hương có thể chống lại tác động của căng thẳng bằng cách giảm thiểu tình trạng thiếu ngủ hiệu quả và duy trì khả năng chống oxy hóa mà không làm tăng căng thẳng oxy hóa, và do đó, có thể có lợi trong việc quản lý căng thẳng.”
2. Điều trị bệnh về da
Ngoài khả năng điều trị các bệnh về da và chữa lành vết thương, Nhũ hương còn là một chất làm se chân lông và giúp bảo vệ các tế bào da. Nhũ hương làm giảm mụn trứng cá và kích thước lỗ chân lông, chữa lành vết thâm, ngăn ngừa nếp nhăn, đồng thời làm căng và săn chắc da một cách tự nhiên. Bạn có thể sử dụng Nhũ hương tại chỗ bất cứ vùng da nào không săn chắc (6 giọt – 1 ounce dầu (khoảng 30ml) dầu vận chuyển). Nhũ hương cũng giúp nướu và chân tóc chắc khỏe, cầm máu vết thương trên da, đẩy nhanh quá trình hàn gắn vết cắt, mụn trứng cá, vết cắn côn trùng và nhọt.
3. Vệ sinh răng miệng
Nhũ hương ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng, cũng như nhiễm trùng miệng. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology năm 2018 đã phát hiện ra rằng: “Các đặc tính kháng khuẩn của tinh dầu chiết xuất từ Nhũ hương, một hợp chất được sử dụng nổi tiếng trong y học cổ truyền, cho thấy tiềm năng rõ ràng như một chất kháng khuẩn tự nhiên.” Bạn có thể thêm một giọt dầu Nhũ hương vào kem đánh răng để giúp cải thiện sức khỏe răng miệng.
4. Chống viêm
Nghiên cứu đã chứng minh rằng Nhũ hương làm giảm viêm, đặc biệt là giúp ức chế sự phá hủy của sụn và tình trạng sưng đau liên quan đến cả viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
5. Giảm đau
Bạn có thể sử dụng dầu Nhũ hương trực tiếp trên da hoặc với dầu vận chuyển như dầu dừa hoặc jojoba để giảm đau nhờ đặc tính kích thích lưu thông máu cũng như chống viêm.
6. Chữa cảm lạnh và sức khỏe đường hô hấp
Nhũ hương làm long đờm trong đường hô hấp và phổi, giúp giảm tắc nghẽn và làm dịu viêm phế quản. Thêm một vài giọt tinh dầu vào dụng cụ hít hoặc máy xông hơi để làm thông thoáng đường hô hấp. Xông hơi Nhũ hương cũng giúp khử mùi và khử trùng các tác nhân gây bệnh trong nhà bao gồm vi trùng, vi khuẩn và virus.
Như vậy, Nhũ hương có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Rất nhiều nền văn hóa đã sử dụng Nhũ hương trong nhiều thế kỷ là một minh chứng cho khả năng chữa bệnh của loại hợp chất tuyệt vời này. Khi sử dụng tinh dầu bên ngoài, hãy luôn bảo đảm rằng bạn đang sử dụng tinh dầu hữu cơ, chất lượng cao. Vì tinh dầu được cô đặc với nồng độ cao, cho nên 1 hoặc 2 giọt cũng đã có hiệu quả. Nếu bạn quan tâm đến việc uống Nhũ hương, hãy sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ chăm sóc sức khỏe.
Nhũ hương là một bổ sung tuyệt vời cho cuộc sống và ngôi nhà của bạn và là một ví dụ khác về cách mà thiên nhiên có thể chữa lành cho cơ thể, tâm trí và tinh thần của chúng ta như thế nào.
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và là người sáng lập Chinese Medicine Living — một trang web dành riêng để chia sẻ cách sử dụng trí tuệ cổ xưa sống một cuộc sống lành mạnh trong thế giới hiện đại. Cô đã sống và thực tập tại 4 quốc gia và hiện đang làm việc với công ty Thrive Consulting của mình. Cô là người yêu thích thế giới tự nhiên, võ thuật và một tách trà thơm tho.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: