Công chức Hồng Kông sẽ bị sa thải nếu không ký cam kết trung thành
Hồng Kông sẽ yêu cầu các công chức ký một tuyên bố cam kết trung thành với chính quyền đặc khu vào tháng 01/2021, nếu không ký họ sẽ bị sa thải. Trước đó, Cục trưởng Cục dân sự Hồng Kông Nhiếp Đức Quyền đã đe dọa rằng nếu công chức Hồng Kông vi phạm lời tuyên thệ trong tương lai, họ có thể bị coi là vi phạm “Luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông.” Mọi tầng lớp xã hội ở Hồng Kông đều lo ngại hành động này của chính quyền sẽ có thể kết tội công chức dựa vào lời nói.
Theo tin của Đài Á Châu Tự do, ông Nhiếp Đức Quyền đã tham gia buổi họp trực tuyến của một ủy ban của Hội đồng Lập Pháp hôm 28/12/2020 và tuyên bố rằng chính quyền Hồng Kông sẽ giải thích cho các công chức đương nhiệm về việc ký bản cam kết vào tháng 01/2021. Sau đó, tất cả các công chức đương nhiệm được yêu cầu ký vào một bản cam kết hứa sẽ ủng hộ “Luật cơ bản” và trung thành với chính quyền đặc khu Hồng Kông.
Theo ông Nhiếp Đức Quyền, tất cả công chức Hồng Kông buộc phải ký và gửi lại bản cam kết trong vòng 1 tháng. Nếu công chức đương nhiệm nào bỏ qua hoặc từ chối ký, thì sẽ bắt đầu một thủ tục yêu cầu công chức liên quan giải trình; trong thời gian này đương sự không được thăng chức hoặc thuyên chuyển, đồng thời xem xét tình huống cụ thể và có thể yêu cầu đương sự từ chức hoặc nghỉ việc; trường hợp có hành vi không đúng đắn thì sẽ giải quyết theo quy trình kỷ luật của “Điều lệnh quản lý công chức”, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị cách chức.
Đầu tháng này, tất cả các phó cục trưởng, trợ lý chính trị, bí thư thường trực, trưởng ban ngành và những công chức khác đã tuyên thệ ủng hộ “Luật cơ bản”, trung thành với chính quyền Trung Cộng và chính quyền đặc khu Hồng Kông dưới sự chứng kiến của Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Ngày 13/12/2020, ông Nhiếp Đức Quyền đã tiết lộ trên một chương trình truyền hình rằng 180,000 công chức Hồng Kông sẽ có khoảng 1 tháng để ký bản tuyên thệ hoặc cam kết, bí thư thường trực và trưởng các ban ngành sẽ được sắp xếp tuyên thệ riêng.
Ông Nhiếp Đức Quyền cũng tuyên bố vào thời điểm đó, trong tương lai công chức nào vi phạm lời tuyên thệ có thể bị coi là vi phạm “Luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông.” Tuyên bố này làm dấy lên lo ngại của giới công chức về việc lời nói có thể bị kết tội.
Ông Nhiếp Đức Quyền giải thích với giới truyền thông rằng điều này có nghĩa là việc vi phạm lời tuyên thệ có thể bị coi là vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy chế công chức, sẽ được nhà cầm quyền giải quyết theo từng tình huống. Nếu vi phạm luật an ninh quốc gia và bị xác định là có tội thì sẽ bị đình chỉ chức vụ; vi phạm quy tắc sẽ bị thẩm tra theo cơ chế thực hiện kỷ luật; nếu xác định là hành vi vi phạm đạo đức công chức thì hình phạt sẽ dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi đó.
Về cách xác định “vi phạm lời tuyên thệ”, ông Nhiếp Đức Quyền trả lời, “Nội dung của bản tuyên thệ là ủng hộ Luật cơ bản và trung thành với chính quyền đặc khu. Nếu một người không trung thành và ‘đối đầu’ hoặc ‘phá vỡ’ lợi ích của đặc khu, điều này được coi là liên quan đến an ninh quốc gia.”
Tổng thư ký Liên đoàn công chức Hồng Kông Lương Trù Đình phát biểu với truyền thông rằng, hành động của chính phủ có thể dẫn đến việc hình thành “văn hóa tố giác” ở Hồng Kông, hơn nữa việc chính quyền Hồng Kông đột nhiên yêu cầu các công chức đang làm việc ký cam kết và tuyên thệ cũng giống như việc đơn phương sửa đổi Hợp đồng lao động. Vì vậy, ông kêu gọi chính quyền Hồng Kông cho phép các công chức không muốn ký tuyên thệ được tùy chọn nộp đơn xin nghỉ hưu sớm để không tổn hại đến quyền lợi hưu trí của họ.
Theo quy định hành chính của chính quyền Hồng Kông, công chức về hưu sớm vẫn có thể nhận trợ cấp hưu trí, nhưng sẽ mất quyền lợi nếu bị sa thải.
Xiao Hui
Tâm An biên dịch
Xem thêm: