Con hươu cao cổ trắng cuối cùng trên thế giới được trang bị GPS
Tại phía đông bắc Kenya, con hươu cao cổ trắng cuối cùng còn sống sót trên thế giới đã được trang bị một thiết bị theo dõi GPS nhằm bảo vệ nó khỏi những kẻ săn trộm.
Đầu năm nay, hai con hươu cao cổ trắng khác, một con cái và con non 7 tháng tuổi, đã bị bọn săn trộm giết. Họ tìm thấy xương của chúng vào tháng 3, trong một khu bảo tồn tại Hạt Garissa phía đông bắc Kenya.
Con hươu cao cổ trắng đực còn lại là con của con hươu mẹ đã bị giết, Trung tâm Bảo vệ Cộng đồng Ishaqbini Hirola cho biết.
“Việc hai con hươu cao cổ bị giết hại thổi bay những thành quả to lớn của cộng đồng nhằm bảo vệ giống loài quý hiếm và độc đáo này, và đó là một lời cảnh tỉnh về việc chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ việc bảo tồn động vật,” ông Mohammed Ahmednoor, người quản lý khu bảo tồn cho biết vào thời điểm con hươu cao cổ cái qua đời, Daily Mail đưa tin.
Mất mát bi thảm đó đồng nghĩa với việc con hươu cao cổ đực duy nhất, mà chưa được đặt tên, giờ phải sống một mình, CNN đưa tin. Đáng buồn là các nhân viên kiểm lâm lo ngại rằng nó có thể phải chịu chung số phận với hai con trước.
Thiết bị theo dõi GPS được gắn vào một chiếc sừng của con động vật và sẽ cập nhật vị trí của nó hằng giờ và cho phép các nhân viên kiểm lâm giám sát sự di chuyển của nó để “bảo vệ con hươu cao cổ độc nhất này khỏi những kẻ săn trộm,” tổ chức bảo tồn tuyên bố.
Ahmed Noor, quản lý khu bảo tồn, cho biết: “Khu vực chăn thả của hươu cao cổ có lượng mưa tốt trong vài năm trở lại đây và có thảm thực vật phong phú, một dấu hiệu tốt cho tương lai của con hươu cao cổ đực trắng.”
Noor cảm ơn Dịch vụ Động thực vật hoang dã Kenya, Save Giraffes Now và Northern Rangelands Trust (NRT) vì sự hỗ trợ của họ trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Antony Wandera, nhân viên giám sát động thực vật hoang dã cấp cao tại NRT nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm việc với các cộng đồng [động thực vật hoang dã], giúp chúng nhanh chóng hồi phục, bảo tồn môi trường sống của chúng cũng như bảo vệ những động thực vật hoang dã độc đáo như con hươu cao cổ trắng duy nhất còn lại này.”
Nguyên nhân dẫn đến ngoại hình đặc biệt nhợt nhạt của loài vật tuyệt đẹp này là một đặc điểm di truyền hiếm gặp gọi là bệnh leucism, không phải bệnh bạch tạng. Nó gây ra việc mất một phần sắc tố ở động vật. Không giống như bệnh bạch tạng, loài vật bị bệnh leucism vẫn tiếp tục sản sinh ra một sắc tố tối màu trong mô mềm và mắt của chúng.
Đáng buồn là, kết quả này không chỉ là một kỳ quan, mà nó còn có nghĩa là loài động vật này dễ bị những kẻ săn trộm phát hiện trên những trảng cỏ Phi Châu khô cằn.
Năm 2017, khi con hươu cao cổ cái trắng lần đầu tiên được tìm thấy, cùng với con non của nó. Khi con non thứ hai xuất hiện, gia đình ba thành viên đã sống tự do trong phạm vi của khu bảo tồn.
Có một mối quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế, và các du khách đổ xô tới xem gia đình loài hươu này. Video về con hươu cao cổ được đăng trên YouTube đã thu hút hơn một triệu lượt xem, và gia đình loài hươu này đã được giới thiệu bởi các đài USA Today, The Guardian, Inside Edition, và National Geographic, cũng như các đài phát thanh khác.
Những con hươu cao cổ sống trong khu bảo tồn cho đến khi xác của con mẹ và một con non được tìm thấy vào tháng 3 năm 2020.
Thật không may, số lượng loài động vật trên cạn cao nhất thế giới này đã giảm 40% chỉ trong 30 năm, theo ước tính của Tổ chức Động thực vật hoang dã Phi Châu.
Trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hươu cao cổ là một loài động vật dễ bị tuyệt chủng, với số lượng ước tính hiện tại là 68,293 con trên toàn cầu.
Đội ngũ nhân viên The Epoch Times
Nhã Liên biên dịch
Xem thêm: