Con đường nào cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan.” Một mặt, giới lãnh đạo nước này muốn đưa đồng nhân dân tệ trở thành tiền tệ toàn cầu vào năm 2050, thay thế đồng dollar trở thành đồng tiền dự trữ được ưa chuộng của thế giới và là phương tiện [thanh toán] chính trong thương mại thế giới. Mặt khác, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế định hướng xuất cảng cần chi phí sản xuất thấp để duy trì sự thịnh vượng.
Mục tiêu đầu tiên nêu trên sẽ có xu hướng tăng giá trị của đồng nhân dân tệ, nhưng mục tiêu thứ hai yêu cầu một đồng nhân dân tệ rẻ để giúp giảm chi phí mọi thứ của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới. Sự mâu thuẫn cố hữu đặt ra cho PBOC vấn đề phải cân bằng giữa việc giữ cho đồng nhân dân tệ ở mức rẻ [nhằm bảo đảm] cho các nhu cầu kinh tế tức thời và đồng thời tăng giá trị để phục vụ cho tham vọng dài hạn của Bắc Kinh đối với đồng nhân dân tệ.
Giới chức ở Bắc Kinh nhận thức được vấn đề này. Để hỗ trợ cho tham vọng dài hạn, họ có kế hoạch giải thoát Trung Quốc khỏi sự phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ giá rẻ bằng cách chuyển trọng tâm của nền kinh tế từ xuất cảng sang chi tiêu trong nước. Họ cũng nhận thức được rằng một đồng nhân dân tệ toàn cầu sẽ cần đến sự mở rộng đáng kể của hệ thống tài chính Trung Quốc và các hiệp hội của nó ở ngoại quốc. Bắc Kinh đã khai triển các bước trên cả hai mặt trận này. Về mở rộng tài chính, Bắc Kinh đã đưa ra cái mà họ gọi là “kế hoạch tiền tệ kép.” Để chắc chắn, từ lâu Trung Quốc đã có một cách tiếp cận kỳ lạ, hai chiều đối với tiền tệ, một phần dành cho các giao dịch ở ngoại quốc và một phần cho các giao dịch trong quốc gia. Nhưng “kế hoạch tiền tệ kép” này có một cái gì đó căn bản hơn. Theo cựu Phó thống đốc của PBOC, bà Hu Xiaolian, kế hoạch này, mặc dù như tên gọi của nó [kế hoạch tiền tệ kép], nhưng lại sẽ xây dựng một thị trường vốn “đa tầng” ở Trung Quốc bằng các đường dẫn liên kết với nhu cầu trong nước cũng như với các thị trường ngoại quốc. Bà nói, thị trường vốn của Trung Quốc có khả năng sẽ là thị trường tài chính lớn nhất, năng động nhất trên thế giới. Với thị trường tài chính hiện tại tương đối nhỏ và không năng động của Trung Quốc, kế hoạch này là một tham vọng đầy ấn tượng, ngay cả với thời gian kéo dài 30 năm.
Tất cả những kế hoạch này đều thừa nhận rõ ràng những gì Trung Quốc cần làm để tạo lập đồng nhân dân tệ như họ muốn, nhưng nỗ lực này hứa hẹn sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì mà các quan chức trong đảng suy nghĩ. Mặc dù không phải là không thể, sẽ đủ khó khăn để Trung Quốc định hướng lại nền kinh tế và xây dựng hệ thống tài chính mà bà Hu mơ ước. Nhưng để đặt đồng nhân dân tệ lên vị trí cao nhất như Bắc Kinh muốn, Trung Quốc cũng sẽ phải thiết kế một sự tương đồng hoàn toàn theo các thông lệ đã được thiết lập lâu đời và gắn bó sâu sắc giữa các ngân hàng trung ương, thương nhân và doanh nghiệp trên thế giới.
Đầu tiên, hãy xem các liên kết tài chính sâu rộng dự kiến trong “kế hoạch tiền tệ kép.” Một mạng lưới như vậy sẽ cần đến sự cởi mở và minh bạch hơn đáng kể so với mức cho phép của Bắc Kinh cho đến nay. Thật vậy, sự nhất quyết kiểm soát và giữ bí mật của Bắc Kinh đã cản trở sự phát triển tài chính cho đến nay. Chính sách này của Bắc Kinh đã ngăn các công ty tài chính ngoại quốc và người có chuyên môn sâu rộng không vào được Trung Quốc, trừ những trường hợp rất chọn lọc. Chính sách ấy khiến khu vực tài chính của đất nước phần lớn nằm trong tay các ngân hàng quốc doanh và theo đó là [quy mô] nhỏ và lạc hậu so với phần còn lại của nền kinh tế, ít hơn nhiều so với phần còn lại của các quốc gia phát triển trên thế giới. Không nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh có thể thay đổi chính sách và họ đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp nghiêm ngặt đối với các liên doanh tài chính với ngoại quốc. Nhưng việc xây dựng khu vực tài chính của Trung Quốc theo dự kiến, một nhiệm vụ to lớn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ khó khăn hơn nhiều vì nó sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải từ bỏ sự ngoan cố dường như có hệ thống về bí mật và quyền kiểm soát, [và] điều này khó xảy ra.
Định hướng lại nền kinh tế để không phụ thuộc vào xuất cảng và hướng tới việc tăng trưởng trong nước có thể sẽ dễ dàng hơn đối với nền văn hóa kiểm soát của Bắc Kinh, nhưng cũng còn xa để nói là dễ dàng. Sự thay đổi sẽ phải tiến hành theo một sự cân bằng phức tạp. Ở mỗi giai đoạn, lợi ích kinh tế đối với động cơ tăng trưởng trong nước mà đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ tạo ra bằng cách tăng sự giàu có và sức mua toàn cầu của người tiêu dùng Trung Quốc và các doanh nghiệp trong nước sẽ phải bù đắp lớn hơn cho những thụt lùi xuất cảng do chính sách tiền tệ như vậy. Điều khiến sự thay đổi trong tương lai này khó khăn hơn nhiều là các kế hoạch khác của Bắc Kinh, chẳng hạn như “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” được ca ngợi bằng cách tìm kiếm sự thống trị sản xuất toàn cầu trong công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ và xe điện, cùng các sản phẩm khác, sẽ hướng vào xuất cảng và vì vậy cũng muốn có một đồng nhân dân tệ rẻ.
Bằng chứng về sự khó khăn là rõ ràng trong một quyết định gần đây của PBOC. Đồng nhân dân tệ đã tăng giá hơn 10% so với đồng dollar kể từ tháng 05/2020. Lo lắng về xuất cảng, các nhà chức trách đã bày tỏ lo ngại về việc duy trì dòng xuất cảng bền vững. Ngân hàng PBOC, vốn biết rõ rằng đồng nhân dân tệ tăng giá phục vụ cho tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh đối với tiền tệ, tuy vậy đã lùi bước trước những nhu cầu trước mắt. Để ngăn chặn đồng nhân dân tệ tăng giá hơn và hy vọng đẩy giá trị của nó xuống, trong số những công cụ khác, PBOC đã tăng lượng dự trữ ngoại hối mà các ngân hàng phải tiếp tục giữ. Điều đó sẽ buộc các ngân hàng này phải bán nhân dân tệ để mua dollar, euro, yen, và ngoại tệ tương tự; do đó buộc giá trị của đồng nhân dân tệ giảm xuống bên cạnh các loại ngoại tệ này và các loại ngoại tệ khác. Xuất cảng sẽ được hưởng lợi, cũng như kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025,” tuy nhiên, hành động này đã cản trở tham vọng dài hạn đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.
Khó khăn hơn vẫn sẽ là làm sao thay đổi những thói quen giao dịch và tài chính của thế giới. Bắc Kinh đã nỗ lực để làm điều này. Bắc Kinh đã thành lập Ngân hàng Cơ sở hạ tầng Á Châu như một đối trọng với các tổ chức cho vay quốc tế dựa trên đồng dollar, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới. Khi có thể Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng các hợp đồng xuất nhập cảng chỉ định các điều khoản [giao dịch] của họ bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng những nỗ lực này chỉ thành công khi Trung Quốc là bên chiếm ưu thế trong thương vụ này. Mặt khác, nhiều hoạt động thương mại và ngân hàng toàn cầu vẫn tiếp tục như trước đây với trọng tâm là đồng dollar. Theo số liệu của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), đồng dollar chi phối khoảng 88% tất cả các giao dịch ngoại hối (foreign exchange). Đồng tiền sau dollar ở vị trí tiếp theo là euro ở mức 32%. Chắc chắn là tỷ trọng giao dịch bằng đồng dollar đã giảm nhẹ trong những năm qua, tuy nhiên sự nổi trội của đồng dollar vẫn rõ ràng. Tương tự như vậy, khoảng 80% tất cả các giao dịch xuất nhập cảng được chỉ định bằng dollar, cho dù một bên của hợp đồng có là người Mỹ hay không. USD chiếm khoảng 60% tổng dự trữ do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, bao gồm cả PBOC. Đồng tiền được sử dụng nhiều nhất tiếp theo là đồng euro ở mức 20%. Ở đây, cũng thế, mức độ thống trị của đồng dollar đã giảm nhẹ so với trước đây, nhưng đồng dollar vẫn nổi trội. Mọi thứ có thể thay đổi, nhưng tình hình thực tế cho thấy chân trời 30 năm của Bắc Kinh là rất hẹp.
Mục tiêu của Trung Quốc là có thể. Mặc dù có lý do về nhân khẩu học của quốc gia này để nghi ngờ sự tăng trưởng nhanh chóng trong tương lai, nhưng nền kinh tế Trung Quốc dù sao cũng rất lớn và tiềm lực tài chính của nó là phi thường. Hệ thống quyết định của nó có khả năng phát triển nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế theo định hướng thị trường, tuy nhiên, đã khá rõ, một số khía cạnh quyết đoán trong hệ thống của Trung Quốc sẽ chống lại cố gắng nhằm thúc đẩy vai trò của đồng nhân dân tệ này, lý do quan trọng là bởi sự tăng giá của đồng nhân dân tệ cản trở các mục tiêu khác, chẳng hạn như nỗ lực “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” hoặc bởi việc Bắc Kinh miễn cưỡng từ bỏ thậm chí một chút quyền kiểm soát hoặc cho phép thậm chí một chút minh bạch. Nhưng nếu các mục tiêu là có thể, thì đó là tất cả. Nhiều khả năng cho thấy rằng kế hoạch của Trung Quốc đối với đồng nhân dân tệ, nếu chúng có bất cứ khả năng nào trở thành hiện thực (và đó là một khả năng “nếu” lớn), thì sẽ đạt được trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với Bắc Kinh đã đặt ra trong kế hoạch.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo Của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Milton Ezrati thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: