Con đường học vấn của thủ tướng Winston Churchill
Một số bài học mà chúng ta có thể học hỏi
Người cha thuộc tầng lớp quý tộc phớt lờ ông, trừ lúc phàn nàn về hành vi của con mình. Người mẹ chìm đắm trong vũ hội và đàn ông, nhưng lại xa cách với con trai mình. Các thầy cô giáo khen ngợi ông vì thông minh và tương lai đầy triển vọng, nhưng đa số lại khiển trách ông vì không phát huy được hết năng lực của mình.
Những người cùng thời với ông thường ghét ông vì tính tự cao, từ chối tuân thủ những nội quy của trường học, và sở thích lý lẽ và tranh luận. Ngoại trừ văn học và lịch sử ra thì ông học kém các môn còn lại ở mọi ngôi trường mà ông theo học, đến nỗi, không còn nghi ngờ gì, ông không thể vào được những trường đại học tốt hơn. Thay vào đó, ông đăng ký vào một trường đại học quân sự, và thậm chí sau đó, ông cũng suýt thi trượt đầu vào.
Khi ông còn trong giai đoạn niên thiếu của mình, đa số những người quen biết ông, kể cả cha ông, đều tin rằng Winston Leonard Spencer Churchill (1874–1965) sẽ không thể làm nên điều gì lớn lao trong tương lai.
Một học sinh cá biệt
Năm ông 7 tuổi, trái ngược với mong muốn của mình, cậu bé Churchill được gửi đến trường St. George’s School gần thị trấn Ascot. Thầy hiệu trưởng ở đó đã gửi thư đến mẹ của Churchill, bà Jennie, và đề cập rằng ông thường “rất nghịch ngợm” và “mang đến hàng mớ rắc rối.” Không nghe lời khiến ông phải chịu nhiều đòn roi nặng nề. Khi bà Everest, vú nuôi và là người bạn tâm giao thân cận nhất suốt thời trẻ của Churchill, phát hiện ra những vết lằn và vết cắt trên lưng và phần thân dưới của cậu bé, bà đã nhanh chóng gọi bà Jennie đến. Ngạc nhiên và giận dữ, bà Jennie ngay lập tức cho cậu bé Winston thôi học và chuyển cậu sang một ngôi trường nhỏ do hai chị em nhà Brighton sáng lập ra.
Tại đây, người ta ít dùng đến sự trừng phạt thể chất, và mặc dù vẫn tiếp tục học kém các môn như tiếng Latin, nhưng cậu học sinh Churchill lại xuất sắc trong văn học và lịch sử.
Sau đó, ông vào học tại trường Harrow, nơi ông xếp hạng chót. Một lần nữa, ông lãng phí thời gian học của mình, chỉ tập trung tinh thần vào những môn học ông cảm thấy hứng thú và ngó lơ các môn như tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, và toán học. Như nhà viết tiểu sử William Manchester nói, “Winston là một cậu bé khó lý giải. Cậu ta không thể, hay sẽ không, học mệnh đề tuyệt đối nguyên ủy {ngôn ngữ học} – dù chỉ cần một ít trí nhớ – nhưng lại có thể đọc thuộc 1,200 câu thơ của nhà thơ Macaulay mà không bỏ sót một từ nào.”
Ông Manchester lưu ý rằng một thầy giáo tại trường Harrow “đồng ý với sự thật” về Winston, “Cậu ấy không phải là một cậu bé dễ dạy bảo. Tất nhiên, cậu ta luôn có một bộ óc thông minh sáng láng, nhưng cậu ta chỉ học khi cậu ta muốn và với những gì cậu ta thích.”
Sau khi rời trường Harrow, chàng trai trẻ Churchill đã 2 lần trượt bài kiểm tra đầu vào của Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst, tuy nhiên sau khi được thuê một gia sư dạy luyện thi, thì anh đã vượt qua bài kiểm tra trong lần thứ 3.
Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì từ tấm gương của một học sinh kém như vậy?
Chúng ta học hỏi những gì chúng ta yêu thích
Trong suốt những ngày đến trường, Churchill thực tế đã học, mặc dù thường là các môn học không có trong chương trình giáo dục của trường nào. Lấy ví dụ, ông say mê lịch sử nhiều đến độ đã đạt điểm cao phi thường trong bài kiểm tra môn đó ở trường Sandhurst. Do có người cha là chính trị gia, nên ngay từ khi còn nhỏ, ông cũng đã vô cùng hứng thú với những sự vụ chính trị trong thời đại của mình, ở cả trong và ngoài nước Anh.
Thơ ca và ngôn ngữ Anh cũng là hai môn học ông yêu thích. Ông có thể tự mình ghi nhớ vô số đoạn thơ, nhiều đoạn đã gắn bó với ông trong suốt quãng đời còn lại. Ông cũng thích tranh luận và diễn thuyết. Trong thời niên thiếu, ông Churchill đã đọc những cuốn sách ưa thích đến từ các tác giả Thackeray và Wordsworth, và phát triển vốn từ vựng sâu rộng cùng ngữ điệu ngôn ngữ sẽ khiến ông nổi danh toàn thế giới sau này.
Khi còn học tại trường Harrow, ông cũng đăng ký một lớp học nghề mộc, nuôi một đàn tằm, và tiếp tục xây dựng một bộ sưu tập tem của mình. Mặc dù không thích các môn thể thao đồng đội, ông yêu thích bơi lội, quyền anh, và đấu kiếm.
Như ông Manchester viết, “Sự bướng bỉnh của Churchill, thứ sẽ trở thành nỗi ám ảnh lo lắng đối với những kẻ thù của nước Anh, lại là sự thất vọng của các thầy giáo của ông. Ông ấy từ chối học trừ khi [ông ấy thấy] đó là điều phù hợp với mình.”
Tuy nhiên, khi tìm thấy điều mình yêu thích, ông Churchill đã tỏ rõ sự xuất sắc.
Vui chơi
Cậu bé, mà sau này sẽ trở thành người chỉ huy và dẫn dắt cả một quốc gia đi qua cuộc chiến kinh hoàng, đã tổ chức những trận chiến của mình trong phòng vui chơi được trang bị với hàng ngàn những chú lính chì. Một người bạn của ông đã kể lại rằng, “Nhìn chung, đó là căn phòng trưng bày ấn tượng nhất, và [chúng tôi] đã chơi với niềm đam mê lớn hơn là đối với một trò trẻ con bình thường”.
Khi không bị giới hạn bởi những khắt khe và quy tắc của một ngôi trường chính quy, ông Churchill cùng với người em trai Jack của mình, và một số anh em họ khác xây dựng nên những pháo đài phức tạp và dàn trận. Trong một kỳ nghỉ, ông Churchill đã tự mình xây một pháo đài với hào nước và cây cầu kéo được khéo léo sử dụng.
Một người anh em họ sau đó đã nhận xét rằng, “Chúng tôi tin rằng ông ấy thật tài năng, bởi ông ấy toàn đưa chúng tôi vào thế hiểm.”
Trẻ con học hỏi qua việc vui chơi. Cậu bé – đã đưa các anh em họ và bạn bè vào tình thế nguy hiểm – một ngày nào đó sẽ dẫn dắt cả đất nước của ông đi qua những hiểm nguy khó có thể tưởng tượng nổi đối với họ.
Những điều tiêu cực có thể tạo nên những điều tích cực
Đây có thể là bài học quan trọng nhất cho các học sinh và các nhà giáo dục.
Khi trường Harrow chỉ định ông Winston học bổ túc lớp ngôn ngữ Anh, thầy hướng dẫn của ông là ông Robert Somerville đã có những chỉ dẫn tuyệt vời cho học sinh của mình về ngữ pháp và văn chương. Bởi liên tục kháng cự việc học trong môn tiếng Latin và tiếng Hy Lạp, ông Churchill đã dành 3 học kỳ trong lớp của ông Somerville. Về sau, ông Churchill nhớ lại, “Tôi đã tham gia cả thảy 3 lần. Tôi đã học một cách thấu đáo. Do vậy, tôi hiểu vô cùng rõ cấu trúc cơ bản của ngữ pháp tiếng Anh bình thường – đó là một điều cao quý và trang nhã.”
Ccấu trúc cơ bản của ngữ pháp tiếng Anh không chỉ là một điều cao nhã, mà còn cung cấp cho Churchill phương tiện để trở thành một ký giả, một nhà văn với nhiều đầu sách, một người thắng giải Nobel, và một nhà lãnh đạo với những lời nói [có sức mạnh như] vũ khí trong chiến tranh.
Và giả sử như Churchill theo học trường Oxford thay vì trường Sandhurst? Ông ấy có sẽ trở thành vị thủ tướng có biệt danh “British Bulldog” (chó Bun nước Anh) không? Cha của ông tin rằng ông thiếu trí thông minh để có thể vào ngành luật, một đánh giá sai lầm mà những người yêu tự do trên khắp thế giới đều nên biết ơn. Trường Sandhurst là nơi khởi đầu cho một loạt những chuyến phiêu lưu của Churchill, và cuối cùng đã giúp ông thắng được một ghế trong Hạ Viện.
Về những năm học tại trường Harrow của Churchill, ông Manchester mô tả, “Winston được giáo dục tinh thần tự học.”
Phần về giáo dục nên kết thúc ở đây thôi. Trong trường hợp của Churchill, ông đã được dạy dỗ mặc dù không phải từ trường học và cha mẹ mình.
Gia cường những điều tích cực
Giống như các thầy giáo của ông Churchill tại trường Harrow, đặc biệt là những người đã cố gắng trong vô vọng để dạy ông ấy môn tiếng Latin và tiếng Hy Lạp, với tư cách là một thầy giáo, tôi thấy mình thất vọng và nản lòng khi thấy những biểu hiện lờ đờ, thiếu sức sống của một số học sinh. Tuy nhiên, tôi cũng tự nhắc nhở mình, và khá thường xuyên với các lớp học tôi dạy, rằng tuy kiến thức học thuật là quan trọng, nhưng cuộc sống thực tế, tài năng, hoài bão, nhân cách, thậm chí cả ngoại hình mới là những thứ được quan tâm nhiều, hơn là việc đã đọc cuốn sử thi Aeneid.
Tôi đã nhìn thấy sự thật hiển nhiên đó trong công việc. Đứa trẻ nhút nhát luôn ngồi cuối lớp và không có gì nổi trội trong lớp văn học giờ là một nhân viên bảo hiểm thành công, và tôi là một trong số những khách hàng của cậu ấy. Cô bé từng phải vật lộn với môn lịch sử thế giới giờ là một bác sĩ. Em học sinh từng học rất tệ trong môn tiếng Latin giờ là thành viên trẻ nhất trong Hạ Viện Hoa Kỳ.
Thế hệ trẻ của chúng ta ít nhất cần biết những môn học nền tảng – [như] toán học, khoa học, lịch sử, v.v. – và đôi khi chúng ta cần thúc đẩy chúng học những môn học nhất định khác. [Tuy nhiên] cùng với đó, hãy tìm ra và nuôi dưỡng những tài năng thiên phú mà các bạn trẻ sở hữu.
Ghi chú: Mặc dù tôi đã đọc vài cuốn tiểu sử về thủ tướng Churchill, cuốn yêu thích của tôi vẫn là bộ ba “The Last Lion” (tạm dịch: Con sư tử cuối cùng) của tác giả William Manchester. Những câu trích dẫn trực tiếp trong bài viết này là từ Tập 1 của bộ ba đó.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: