Con đường duy nhất để kết thúc nhà nước ngầm
Trở nên nổi tiếng bởi cam kết “rút cạn đầm lầy” năm 2016 của Tổng thống Donald Trump, thuật ngữ “nhà nước ngầm” tiếp tục dấy lên trong từ điển chính trị của Hoa Kỳ.
Và triển vọng về một nhiệm kỳ Trump thứ hai đã mang lại sức sống mới cho đề tài này.
Mới tháng trước, Axios, Mother Jones, và Rolling Stone đã cảnh báo các đồng minh bên cánh tả của họ rằng cắt giảm việc làm liên bang sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Trump vào năm 2025.
Nhà nước ngầm — trên thực tế — không có gì mới. Từ lâu, nó đã là một vấn đề ngày càng lớn.
Vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, những người cấp tiến đã quyết định rằng chính phủ sẽ không làm đủ để theo kịp những thay đổi của thời đại. Họ cảm thấy xã hội Mỹ đã trở nên quá “hiện đại” để nằm trong khuôn khổ các giới hạn nghiêm ngặt của Hiến pháp và cần một cuộc cải tổ chính trị lớn. Thay vì dựa vào các thể chế có sẵn từ trước để thực hiện các thay đổi, thì những người cấp tiến đã chuyển sang “nhánh thứ tư của chính phủ”, ban cho các bộ máy hành chính mới được thành lập quyền lực và thẩm quyền để điều tiết xã hội Mỹ hiện đại.
Thường thì những bộ máy quan liêu này thiếu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn. Tệ hơn, họ có khả năng phát triển không được kiểm soát. Những Người lập ra Hiến pháp đã có ý rằng chính phủ hạn chế của chúng ta sẽ tồn tại trong một hệ thống kiểm tra và cân bằng, song nhà nước hành chính mới này lại là ngoại lệ.
Trong những thập niên sau đó, bộ máy hành chính liên bang đã phình lên tới con số đáng kinh ngạc là 2.6 triệu nhân viên. Như Forbes đã chỉ ra vào năm 2017, “Không ai còn có thể nói chắc chắn hiện có bao nhiêu cơ quan liên bang; nhưng hiện giờ họ tạo ra hầu hết các luật thay vì Quốc hội mà chúng ta bầu ra.”
Viện Chính trị thuộc Đại học Chicago gần đây đã công bố một cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ đồng ý rằng chính phủ “tham nhũng và gian dối đối với mình”, trong khi 49% nói rằng họ “càng ngày càng cảm thấy như một người xa lạ ở đất nước của chính mình”.
Thực tế là, ông Trump đã cố gắng đánh bại nhà nước ngầm, nhưng không thành công. Đây không phải vì thiếu sự cố gắng, mà là vì hệ thống này quá cố hữu về gốc rễ nên không thể làm bất cứ điều gì mà không thay đổi cục diện chính trị ở Mỹ.
Không một cá nhân nào — hay đảng phái chính trị nào — có thể sửa chữa Hoa Thịnh Đốn hay chấm dứt tình trạng tham nhũng từ bên trong của nó.
Người dân Mỹ hiểu rằng Hoa Thịnh Đốn hỏng rồi. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, The Atlantic đưa tin, “Người Mỹ tin rằng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đang không làm đủ để giải quyết các vấn đề của quốc gia. Họ nói rằng tình hình tồi tệ đến mức sự thất bại của chính phủ đã trở thành mối lo hệ trọng nhất đối với đất nước.” Theo đó, họ tìm cách bầu ra những ứng cử viên mà công khai hứa hẹn sẽ sửa chữa chính phủ liên bang.
Mong muốn cải cách chính phủ và loại bỏ tận gốc tham nhũng không chỉ có ở cánh hữu. Năm 2019, chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhấn mạnh rằng “chúng ta cần sự thay đổi cơ cấu, lớn để loại bỏ tận gốc sự tham nhũng ở Hoa Thịnh Đốn”, lưu ý rằng chỉ 17% người Mỹ “tin tưởng chính phủ hầu như luôn làm điều đúng đắn”.
Chỉ có một con đường duy nhất có khả năng thay đổi cục diện và khôi phục lại Hiến pháp, và có thể được thực hiện bằng chính Hiến Pháp. Các Tổ phụ Lập quốc đã đưa một nút “an toàn dự phòng” vào Điều V của Hiến Pháp, một điều khoản cho phép các tiểu bang ngăn chặn Thủ đô Hoa Thịnh đốn khi nơi này bị mất kiểm soát — một Hội nghị Hành động các Tiểu bang.
Điều V quy định rằng một “Hội nghị để đề nghị các Tu chính án” phải được hiệu triệu bất cứ khi nào 34 tiểu bang nộp đơn yêu cầu nó. Đã được thông qua ở 19 tiểu bang — trong đó bốn tiểu bang mới chỉ trong năm nay — nghị quyết Hội nghị Hành động các Tiểu bang cho phép các tiểu bang thảo luận về các sửa đổi để kiềm chế quyền lực của các cơ quan liên bang, áp đặt các hạn chế tài chính, và đặt ra các giới hạn nhiệm kỳ đối với các quan chức dân cử.
Đáng chú ý nhất, Hội nghị Hành động các Tiểu bang sẽ tạo ra các giới hạn nhiệm kỳ cho các quan chức liên bang, chấm dứt bộ máy quan liêu như chúng ta đã biết.
Nhà nước ngầm rất khó để đánh bại bởi vì các quan chức không có nguy cơ phải đối mặt với việc tái đắc cử. Cho dù người Mỹ căm ghét hay bị tổn hại đến đâu bởi những quyết định của họ, thì những quan chức liên bang này vẫn tại vị. Như Tiến sĩ Anthony Fauci, người đã làm lụn bại nền kinh tế Mỹ và làm hỏng toàn bộ phản ứng COVID-19, và khi ông ấy nghỉ hưu — việc này lại là ở quyết định của ông ấy — ông ấy sẽ mang về hơn 400,000 USD tiền lương hưu trong năm đầu tiên không làm việc.
Chúng ta đã cố gắng bầu cử. Chúng ta đã ủng hộ những ứng cử viên tốt hứa sẽ chấm dứt tham nhũng. Nhưng không có gì hiệu quả.
Điều đó giải thích tại sao cuộc thăm dò mới của Trafalgar Group cho thấy đa số người Mỹ (65.7%) sẽ ủng hộ sử dụng Hội nghị Hành động các Tiểu bang để đề xướng các sửa đổi Hiến Pháp. Kết quả thăm dò này bao gồm đa số các thành viên Đảng Dân Chủ (50.2 phần trăm), Độc Lập (63.3 phần trăm), và Đảng Cộng Hòa (81.3 phần trăm).
Vậy, làm thế nào chúng ta có thể làm thành công việc này?
Chỉ các nhà lập pháp tiểu bang mới có quyền hiệu triệu một Hội nghị. Do đó, bằng cách tham gia các nỗ lực do công dân lãnh đạo để thuyết phục các nhà lập pháp địa phương — những người có trách nhiệm nhất với người dân — để thông qua một nghị quyết Hội nghị Hành động các Tiểu bang ở các tiểu bang tương ứng của họ, thì các cử tri mới có thể đạt được sự thay đổi mà chúng ta rất cần để cứu nền Cộng hòa Mỹ. Nếu người dân nỗ lực đủ mạnh, điều này có thể trở thành hiện thực vào năm 2024.
Trong khi giới truyền thông và phần lớn cả nước tập trung vào các cuộc bầu cử liên bang vào năm 2022 và 2024, thì yếu tố thay đổi tình thế thực sự sẽ diễn ra ở nơi có ý nghĩa quan trọng nhất, gần gũi với địa phương.
Chính nhờ Đức Chúa Trời mà những Tổ phụ Lập quốc của chúng ta đã nhìn thấy điều này sẽ xảy ra, và đã cho chúng ta những gì chúng ta cần để — theo cách nói của họ — bảo tồn tự do cho hậu thế của chúng ta.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Mark Meckler là Chủ tịch Hội nghị Hành động các Tiểu bang.
Ông Rick Santorum là một cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của Pennsylvania và là ứng cử viên tổng thống. Ông cũng là một luật sư và nhà bình luận chính trị.