Con đường chinh phục tri thức của cụ ông già nhất nước Ý
Ở tuổi 96, cụ ông Giuseppe Paterno đầu tháng 8 này đã bước lên bục để nhận bằng tốt nghiệp và vòng nguyệt quế truyền thống dành cho sinh viên Ý. Ông được gia đình, giáo viên và các bạn sinh viên nhỏ hơn ông 70 tuổi hoan nghênh chúc mừng.
Khi được hỏi ông thấy thế nào khi tốt nghiệp muộn vậy, ông trả lời: “Tôi là một người bình thường, giống như nhiều người khác. Về mặt tuổi tác, tôi già hơn tất cả những người khác, nhưng đó không phải lý do tôi làm điều này”.
Ông Paterno ghi danh học ngành Lịch sử và Triết học tại Đại học Palermo ở độ tuổi 90 bởi từ nhỏ ông đã yêu thích đọc sách, nhưng ông chưa bao giờ có cơ hội học.
Ông chia sẻ: “Tôi đã nghĩ bây giờ hoặc không bao giờ, và năm 2017, tôi quyết định ghi danh học. Tôi hiểu rằng có lẽ hơi muộn để có được tấm bằng này, nhưng tôi đã tự nhủ hãy cứ thử xem có làm được không”.
Cuối tháng 7 vừa rồi, ông là người đầu tiên tốt nghiệp trong lớp với danh hiệu hàng đầu và nhận được lời chúc mừng từ hiệu trưởng trường đại học Fabrizio Micari.
Đại khủng hoảng, rồi chiến tranh
Lớn lên trong một gia đình nghèo ở Sicily trong những năm trước cuộc Đại khủng hoảng, Paterno chỉ được đi học cơ bản khi còn nhỏ. Ông gia nhập Hải quân và phục vụ trong Thế chiến II; sau đó tiếp tục làm việc trong ngành đường sắt rồi kết hôn và nuôi hai con.
Trong một xã hội tập trung vào việc tái thiết sau chiến tranh, công việc và gia đình là ưu tiên hàng đầu. Nhưng Paterno muốn học và tốt nghiệp trung học ở tuổi 31, ông luôn nuôi dưỡng mong muốn tiến xa hơn.
Ông nói: “Tri thức giống như một chiếc vali mà tôi luôn mang theo bên mình, nó là một báu vật”.
Khi là sinh viên, ông đã viết những bài tiểu luận bằng máy đánh chữ thủ công mẹ ông tặng khi ông nghỉ hưu năm 1984. Ông đã tránh Google để ủng hộ sách in và không bị cám dỗ bởi những bữa tiệc sinh viên đêm khuya của những người bạn 20 tuổi cùng lớp. Cuối cùng họ là những người đã vỗ tay chúc mừng ông nồng nhiệt nhất trong buổi lễ tốt nghiệp.
Giáo sư Xã hội học của ông, Francesca Rizzuto, nói với ông sau khi ông vượt qua kỳ kiểm tra miệng cuối cùng vào tháng Sáu: “Ông quả là một tấm gương cho các sinh viên trẻ”.
Paterno thú nhận có một chút khó khăn với các cuộc gọi video thay thế việc giảng dạy trên lớp trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng ông sẽ không trì hoãn việc học nữa vì ông đã trải qua cả thời kỳ khủng hoảng chiến tranh toàn cầu rồi.
Ông nói: “Tất cả những khó khăn đó đã làm chúng tôi mạnh mẽ hơn, những người đồng trang lứa với tôi cũng vậy, tất cả những người ấy giờ vẫn còn sống. Với chúng tôi, nó không thực sự đáng sợ lắm”.
Khi được hỏi đến dự định sắp tới, Paterno nói ông sẽ không dừng lại kể cả khi đã tốt nghiệp.
Ông chia sẻ thêm: “Dự án của tôi cho tương lai là cống hiến hết mình cho viết lách. Tôi muốn xem lại tất cả các tài liệu tôi chưa có cơ hội khám phá. Đây là mục tiêu của tôi”.