Cơn bão hoàn hảo cho cuộc chiến với Trung Quốc
Phần 2 của loạt bài 2 phần ‘Đài Bắc, Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn: Một cơn bão hoàn hảo’.
Một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan gần như là điều không thể tránh khỏi. Và nếu quân đội Hoa Kỳ can thiệp vào, chiến tranh chắc chắn sẽ leo thang, thu hút một số lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố chính sách quốc phòng của họ, bao gồm việc trấn áp “những người ủng hộ phong trào ly khai… cũng như phản đối và kiềm chế ‘sự độc lập của Đài Loan.’” Tài liệu này tiếp tục phác thảo một số mục tiêu bao gồm “giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất hoàn toàn đất nước.” Rõ ràng là Trung Cộng coi Đài Loan là một phần [lãnh thổ] của Trung Quốc và quyết tâm cai trị đảo quốc này.
Năm 1979, khi Hoa Kỳ chuyển từ việc công nhận Đài Loan (tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc – ROC) sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), quân đội Hoa Kỳ đã bị buộc rời khỏi Đài Loan, nhưng Hoa Thịnh Đốn nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục duy trì về mặt văn hóa, thương mại và các mối liên hệ khác với Đài Loan. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã xóa bỏ tên gọi Trung Hoa Dân Quốc trong tất cả các tài liệu chính thức và bắt đầu gọi hòn đảo này là Đài Loan.
Mặc dù không chính thức hậu thuẫn cho nền độc lập của Đài Loan, Đạo luật Bang giao Đài Loan của Hoa Kỳ tuyên bố rằng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, “Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan khí tài quân sự và dịch vụ quốc phòng… cho phép Đài Loan duy trì đủ khả năng phòng thủ.” Ngoài ra, Hoa Kỳ xem việc tiếp tục [giữ] mối liên hệ chặt chẽ với Đài Loan là một phần quan trọng trong chính sách Á châu nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Vào năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã chuyển Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), văn phòng đại diện của Hoa Kỳ, sang một khu phức hợp được xây dựng mới hoàn toàn trị giá 255 triệu USD với hơn 500 nhân viên, kể cả quân nhân. Họ là những quân nhân đầu tiên mặc quân phục của Hoa Kỳ ở Đài Loan kể từ năm 1979. Suốt thời chính phủ Tổng thống Trump, và tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, Hoa Kỳ đã tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như gia tăng sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ tại Eo biển Đài Loan.
Một niềm tin rằng, [tinh thần] sẵn sàng chiến đấu vì Đài Loan của Hoa Kỳ đang giảm dần có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hung hăng ngày càng leo thang của Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc, ông Đằng Kiến Quần (Teng Jianqun), một cựu đại tá Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đặt nghi vấn rằng: “Liệu Hoa Kỳ có liều mình vì Đài Loan hay không?”
Ngay sau khi thủ đô Kabul thất thủ hồi tháng Tám, các tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nã hỏa tiễn vào vùng biển gần Đài Loan, đồng thời lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc đã tập trận đổ bộ vào một bờ biển ở Trung Quốc. Cuộc tập trận rõ ràng là mô phỏng một cuộc xâm lược Đài Loan và là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay. Truyền thông nhà nước tuyên bố rằng, việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan gióng lên “hồi chuông báo tử về quyền bá chủ của Hoa Kỳ,” cũng như chấm dứt uy tín về quân sự của quốc gia này. Trung Cộng thậm chí còn cảnh báo Đài Loan rằng sự thất thủ của thủ đô Kabul là bằng chứng cho thấy Đài Loan đã mất đi đồng minh tốt nhất của họ trong cuộc chiến giành độc lập.
Mặc dù việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan có thể được giải quyết tốt hơn, quân đội Hoa Kỳ vẫn được Global Firepower xếp hạng là [quân đội] hùng mạnh nhất hành tinh. Hải quân Hoa Kỳ thường đi qua eo biển Đài Loan, nơi ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc đại lục, khoảng một lần mỗi tháng. Điều này cho thấy cam kết của Hoa Kỳ trong việc chống lại Trung Quốc và bảo vệ Đài Loan vẫn rất mạnh mẽ. Hoạt động tự do hàng hải này đã gia tăng dưới thời chính phủ Tổng thống Biden.
Một cuộc chiến khởi phát từ việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ không chỉ liên quan đến Hoa Kỳ, mà còn có thể tới cả “Bộ Tứ” (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), cũng như AUKUS, một hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Anh Quốc và Hoa Kỳ nhằm kết hợp sức mạnh quân sự để chống lại Trung Cộng và bảo vệ khu vực Ấn Độ–Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng có các yêu sách lãnh thổ chống lại Trung Cộng, chẳng hạn như quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) đang tranh chấp, cũng có thể đóng vai trò là một tác nhân.
Lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh khai triển quân đội và tàu chiến từ Nhật Bản với mục đích kiềm tỏa Trung Quốc. Gần đây, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, USS Carl Vinson và HMS Queen Elizabeth cùng với chiến hạm của Nhật Bản, New Zealand, Hà Lan và Canada đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Philippines, gần Okinawa và Biển Đông.
Trong khi Trung Cộng suy đoán rằng Đài Loan có thể không đủ là động lực để Hoa Kỳ và các đồng minh của họ chiến đấu, có một bức tranh lớn hơn rất nhiều cần phải được xem xét. Việc Đài Loan rơi vào tay chính quyền Trung Quốc rất có thể sẽ kéo theo việc mất tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan, vốn rất quan trọng đối với hoạt động đánh bắt cá và vận chuyển quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng bị mất một phần lãnh hải. Thế nên, có thể một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc sẽ là chất xúc tác, chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp của một cuộc chiến tranh lớn hơn.
Bắc Kinh có thể tin rằng Hoa Kỳ sẽ không chiến đấu vì Đài Loan, và trong khi Hoa Thịnh Đốn cố ý giữ quan điểm mơ hồ về Đài Loan, rõ ràng là Hoa Kỳ có thể chiến đấu nếu họ muốn như vậy. Một cuộc chiến tranh giành Đài Loan có thể sẽ liên đới đến Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng rất có thể sẽ thu hút các đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Anh Quốc, cùng với các đồng minh khác nữa.
Không như các cuộc xung đột tiềm tàng khác trên thế giới, vấn đề của Đài Loan có một điểm khác biệt đó là Trung Cộng nêu rõ mục tiêu đánh chiếm Đài Loan, và Đài Loan tuyên bố mục tiêu của họ chỉ là để tự vệ, điều này gần như bảo đảm rằng một cuộc xung đột sẽ xảy ra. Xung đột leo thang đến mức nào vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Theo lời của một cố vấn cho Trung Cộng, hành động này sở hữu tất cả những yếu tố tạo nên một cơn bão hoàn hảo.
Xem phần 1 tại đây: Tương lai có thể do Đài Loan, Trung Quốc, và Hoa Kỳ quyết định.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: