Cố vấn Tòa Bạch Ốc: TT Biden sẽ ‘chuyển hướng’ nếu các cuộc đàm phán lưỡng đảng về dự luật cơ sở hạ tầng bị đình trệ
Hôm 23/05, cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc Cedric Richmond cho biết Tổng thống (TT) Joe Biden có ý định “chuyển hướng” nếu các cuộc đàm phán lưỡng đảng với Đảng Cộng Hòa nhằm đạt được gói đầu tư cơ sở hạ tầng bị bế tắc.
Bình luận của ông Richmond được đưa ra khi TT Biden và chính phủ của ông đang nỗ lực thuyết phục Đảng Cộng Hòa chấp nhận những hạng mục của gói đầu tư cơ sở hạ tầng như cần phải có, đồng thời đề nghị giải pháp trung hòa trị giá 1.7 nghìn tỷ USD, giảm từ đề nghị ban đầu 2.3 nghìn tỷ USD, đây là nỗ lực đáp lại đề nghị giảm 568 tỷ USD của Đảng Cộng Hòa.
Đảng Cộng Hòa đang kêu gọi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhưng đã nhiều lần lên tiếng lo ngại rằng gói đầu tư của TT Biden chứa các điều khoản không liên quan và ít liên quan đến cơ sở hạ tầng. Họ cũng e ngại về việc lật ngược lại các chính sách cắt giảm thuế dưới thời Trump, vì đây là một nội dung chính trong kế hoạch của TT Biden. Để chi trả cho kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.3 nghìn tỷ USD, Tòa Bạch Ốc đang đề nghị tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện tại.
Ông Richmond gợi ý rằng TT Biden có thể rút lại cam kết sẽ đạt được giải pháp lưỡng đảng nếu các bên tiếp tục không có tiếng nói chung dẫn đến sự bế tắc không thể tránh khỏi.
Ông Richmond đã nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Thông điệp liên bang (State of the Union) của CNN rằng, “Ông ấy muốn đạt được thỏa thuận. Ông ấy muốn điều đó sớm, nếu có các cuộc đàm phán lưỡng đảng có ý nghĩa, ông ấy sẵn sàng ủng hộ điều đó. Nhưng một lần nữa, ông ấy sẽ không để việc không hành động trở thành câu trả lời. Và khi mà điều đó dường như là không thể tránh khỏi, quý vị sẽ thấy ông ấy thay đổi hướng đi.”
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm hiện tại chính phủ đang tìm cách đi theo con đường lưỡng đảng.
Để đạt được gói 1.7 nghìn tỷ USD, tức là mức nhỏ hơn một chút với dự kiến ban đầu, Tòa Bạch Ốc đã đề nghị giảm chi tiêu cho băng thông Internet rộng để phù hợp với mức 65 tỷ USD mà Đảng Cộng Hòa đang đề xướng. Chi phí cho nghiên cứu, phát triển, chuỗi cung ứng và các quy định khác cũng đã được chuyển sang các quy định pháp luật khác.
Đảng Cộng Hòa cũng đã đề nghị 299 tỷ USD cho cầu đường, 61 tỷ USD cho phương tiện công cộng, 61 tỷ USD cho sân bay và cảng, 20 tỷ USD cho đường sắt, 49 tỷ USD cho đường thủy và 13 tỷ USD cho an toàn. Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cũng đang đề nghị tài trợ cho cải cách quản trị [nhà nước].
Hôm thứ Sáu (21/05), bà Psaki cho biết, “Đề nghị này thể hiện sự sẵn sàng giảm quy mô … nhưng vẫn tập trung vững chắc vào các lĩnh vực quan trọng nhất để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp của chúng ta trong tương lai, giúp lực lượng lao động và đất nước của chúng ta cạnh tranh hơn với Trung Quốc.”
“Sự phản đối cũng thể hiện quan điểm của chúng tôi rằng đề nghị của Đảng Cộng Hòa loại trừ hoàn toàn một số đề nghị quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của chúng ta, là chìa khóa cho các khoản đầu tư vào năng lượng sạch và trong các ngành công nghiệp của tương lai, và xây dựng lại lực lượng lao động của chúng ta, bao gồm cả các khoản đầu tư quan trọng vào ngành điện, xây dựng, đào tạo lực lượng lao động, xây dựng bệnh viện dành cho cựu chiến binh và nền kinh tế chăm sóc,” bà Psaki nói về kế hoạch của Đảng Cộng Hòa.
Sự phản đối đã không nhận được sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia), nhà đàm phán đứng đầu của Đảng Cộng Hòa về dự luật cơ sở hạ tầng, và các đảng viên Đảng Cộng Hòa khác.
Ông Kelley Moore, phát ngôn viên của Capito, cho biết trong một tuyên bố gửi các phương tiện truyền thông đại chúng hôm thứ Sáu (21/05) rằng, “Tiếp tục có sự khác biệt lớn giữa Tòa Bạch Ốc và Thượng viện Cộng Hòa khi đề cập đến định nghĩa của cơ sở hạ tầng, mức độ chi tiêu được đề nghị và nguồn tiền dành cho đề nghị đó.”
“Dựa trên cuộc họp hôm nay, các nhóm dường như còn xa nhau hơn nữa sau hai cuộc gặp với các nhân sự của Tòa Bạch Ốc so với sau cuộc gặp với Tổng thống Biden.”
Trong khi đó, các đảng viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa trước đó đã chỉ ra rằng các cuộc đàm phán sẽ vô ích nếu TT Biden tiếp tục thúc đẩy việc đảo ngược các phần chính của dự luật thuế năm 2017, vốn đã được cựu TT Donald Trump ký thông qua.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) nói với các ký giả ở Hoa Thịnh Đốn sau cuộc gặp với TT Biden vào ngày 12/05 rằng, “Chúng tôi không muốn mở lại luật thuế năm 2017. Cả hai chúng tôi đều nói rõ điều đó với Tổng thống. Đó là giới hạn cuối cùng của chúng tôi.”
Ông McConnell lập luận rằng nền kinh tế đã trở nên mạnh mẽ vào đầu năm 2020, trước khi bị trật bánh bởi đại dịch COVID-19, là do công của chính phủ ông Trump đã cắt giảm thuế.
“Tăng thuế sẽ là sai lầm lớn nhất mà quý vị có thể mắc phải,” Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California.) cho biết thêm khi viện dẫn sự gia tăng giá xăng, thực phẩm, nhà ở và gỗ xẻ, và lạm phát gia tăng cho điều mà ông gọi là “danh mục các điều ước thấy của chính sách cấp tiến.”
“Đối với chúng tôi, điều đó là điều không thể,” ông nói thêm.
Gói cơ sở hạ tầng không phải là gói chi tiêu duy nhất mà TT Biden đang cố gắng thông qua Quốc hội. Chính phủ của ông đã ban hành một gói riêng cho “Kế hoạch Gia đình Hoa Kỳ” trị giá 1.8 nghìn tỷ USD, bao gồm chi tiêu lớn hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội và sẽ đánh thuế cao hơn đối với những cá nhân giàu có.
Do Janita Kan thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Xem thêm: