Cố vấn Kinh tế Toà Bạch Ốc: Cần đánh thuế doanh nghiệp toàn cầu ở mức tối thiểu để bù đắp khoản tăng thuế của ông Biden
Bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế, cho biết chính phủ ông Biden tiếp tục thúc giục các đối tác thương mại của mình áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu lên các công ty để bù đắp những ảnh hưởng từ đề xuất tăng thuế doanh nghiệp trong nước của TT Biden.
“Ý tưởng này là để bảo đảm rằng các tập đoàn phải chia sẻ phần trách nhiệm của họ một cách công bằng, để bịt một số lỗ hổng của việc ngày càng nhiều tập đoàn thực sự đã chuyển nhiều tiền hơn ra nước ngoài—bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ—và hưởng một mức thuế tối thiểu toàn cầu, do đó chúng tôi đang làm việc với phần còn lại của các đối tác thương mại, do đó chúng tôi đang làm việc với phần còn lại của thế giới sao cho các tập đoàn phải trả mức thuế công bằng trên toàn cầu,” bà Rouse nói với kênh “Fox News Sunday” hôm 02/05.
Lời kêu gọi hợp tác quốc tế của chính phủ Biden cho mức thuế tối thiểu áp lên doanh nghiệp toàn cầu này nhằm mục đích để ít ra là giảm nhẹ phần nào những ảnh hưởng bất lợi có thể nảy sinh do đề xướng của tổng thống về việc tăng thuế suất doanh nghiệp của Hoa Kỳ lên 28%. Hành động này đã bị Đảng Cộng Hòa và các nhóm doanh nghiệp chỉ trích là làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ và làm chậm tốc độ tăng lương.
Ông Alexander Hendrie, giám đốc chính sách thuế của tổ chức Người Hoa Kỳ ủng hộ Cải cách Thuế, giải thích trong một bài bình luận gần đây: “Kế hoạch tăng thuế của ông Biden kêu gọi tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đề xuất mức thuế tối thiểu toàn cầu mới đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và thiết lập mức thuế 15% đối với ‘thu nhập trên sổ sách.’ Những đợt tăng thuế này sẽ hủy hoại các doanh nghiệp Hoa Kỳ, và các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ phải trả mức 32% sau các loại thuế tiểu bang, một trong những mức thuế cao nhất ở các nước phát triển.”
Trả lời câu hỏi về việc liệu chuyển Hoa Kỳ thành một trong những nước có chế độ thuế doanh nghiệp cao nhất trên thế giới có làm tổn hại đến các doanh nghiệp Hoa Kỳ hay không, bà Rouse trả lời: “Chúng tôi không muốn cản trở các tập đoàn, nhưng chúng tôi muốn bảo đảm rằng họ phải trả mức thuế công bằng.”
“Chúng ta không muốn bị thiệt thòi trên bình diện quốc tế, vì vậy ông ấy cũng đang làm việc với các quốc gia khác để chúng ta có một mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu để sẽ không có một cuộc đua xuống đáy.”
Hồi tháng Tư, ông Biden cho biết việc áp dụng thuế suất doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu sẽ làm giảm cơ hội các công ty Hoa Kỳ hưởng lợi dựa trên mức chênh lệch thuế suất, từ đó giảm gánh nặng thuế của họ ở Hoa Kỳ bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế có mức thuế thấp.
“Tôi cũng đã đề nghị một mức thuế tối thiểu toàn cầu, đang được đề nghị trên khắp thế giới đối với các tập đoàn của Hoa Kỳ, là 21%,” ông Biden cho biết trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.
“Điều đó có nghĩa là các công ty sẽ không thể giấu thu nhập của họ ở những nơi như Quần đảo Cayman và Bermuda, trong các thiên đường thuế.”
Thành công của sáng kiến này sẽ dựa vào việc đàm phán mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 21% với các nền kinh tế lớn. Trong khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc tế về thuế suất doanh nghiệp tối thiểu đã diễn ra trong nhiều năm, động lực này đã thu hút được sự chú ý vào đầu tháng Tư sau khi các giám đốc tài chính của G-20 gặp gỡ trực tuyến và cam kết sẽ đạt được một sự đồng thuận về các quy tắc mới vào giữa năm trong quá trình cải cách sâu rộng hơn về cách đánh thuế các doanh nghiệp quốc tế.
Tuần trước, các bộ trưởng tài chính của Pháp và Đức trong một cuộc phỏng vấn chung trên Zeit Online cho biết họ ủng hộ ý tưởng của chính phủ ông Biden về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 21%.
“Cá nhân tôi không phản đối đề xướng của Hoa Kỳ,” Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, theo Zeit Online.
“Nếu đó là kết quả của các cuộc đàm phán, thì chúng tôi cũng sẽ đồng ý,” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói thêm.
Sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi đầu tháng Tư thúc giục áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, Thượng nghị sĩ Pat Toomey (Cộng hòa-Pennsylvania) đã dự đoán đề xướng này khó có thể tiến triển ở nước ngoài.
“Cảnh báo thất bại: Nỗ lực này có thể sẽ thất bại và ngay cả khi có một thỏa thuận nào đó, thì nó sẽ không có tính ràng buộc vì nó không phải là một hiệp ước,” ông Toomey nói.
Ông nói rằng Đảng Cộng Hòa nên tìm cách đảo ngược bất kỳ đợt tăng thuế doanh nghiệp nào ngay sau khi họ giành lại quyền kiểm soát Quốc hội.
Do Tom Ozimek thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: