Cố vấn Hoa Kỳ: Bắc Kinh cố gắng ‘đánh bại Úc’ bằng hành động thương mại
Điều phối viên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc, ông Kurt Campbell, đã coi quyết định của Bắc Kinh trừng phạt Úc bằng các lệnh hạn chế xuất cảng trị giá hàng tỷ USD là một hình thức “chiến tranh kinh tế kịch tính” nhằm làm tổn hại vị thế kinh tế và chính trị của quốc gia.
Phát biểu tại một hội nghị kỹ thuật số do Viện nghiên cứu Lowy tổ chức, ông Campbell đã đề cập đến những căng thẳng đáng kể ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã gia tăng như là kết quả của các chiến thuật kinh tế và quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.
Ông Campbell nói: “Sở thích của Trung Quốc sẽ là phá vỡ Úc – khiến Úc phải quỳ gối dưới chân Trung Quốc.”
Nhưng ông Campbell chỉ ra các mối quan hệ bền chặt của Úc với các đối tác quốc tế, bao gồm thông qua hiệp ước quốc phòng Úc-Anh-Mỹ, AUKUS, và đối thoại chiến lược giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc, được gọi là “Bộ tứ.”
“Hoa Kỳ sẽ không rời Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Campbell nói, nhắc lại sự hỗ trợ chính trị và quân sự mà Úc sẽ tiếp tục nhận được.
Bắc Kinh trước đó đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt thương mại của họ đối với hàng hóa của Úc – chẳng hạn như than đá, rượu vang, lúa mạch, thịt bò, tôm hùm, gỗ và bông—với lý do kiểm soát chất lượng kém, dịch hại, hoặc các lý do phi chính trị khác.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, ông Zhao Lijian, đã thừa nhận với các phóng viên vào đầu tháng Bảy rằng cuộc tranh cãi thương mại này có động cơ chính trị.
Cụ thể, ông Zhao tuyên bố Úc sẽ không còn được phép thu lợi từ thương mại với Trung Quốc trong khi thách thức nước này trong các vấn đề quốc tế.
Các lệnh trừng phạt thương mại được đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang xấu đi và sau khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng, nguyên nhân gây ra bệnh COVID-19.
Đến thời điểm đó, Úc đã thực hiện các bước để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình bằng cách cấm công ty Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G, và có lập trường mạnh mẽ chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Úc sau đó cũng xé bỏ thỏa thuận Vành đai và Con đường giữa Trung Cộng và Thủ hiến Victoria Dan Andrews.
Tuy nhiên, trong khi một số nhà xuất cảng bị lỗ tạm thời liên quan đến thị trường Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào xuất cảng kể từ đó phần lớn đã phục hồi.
Ví dụ, trong khi các chuyến hàng than nằm im lìm ở các cảng của Trung Quốc, thì Úc lại chuyển sang các đối tác khác, bao gồm cả nền dân chủ lớn nhất thế giới – Ấn Độ. Vào tháng Mười, Bắc Kinh buộc phải nhận than tồn đọng sau khi nước này phải vật lộn để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng dẫn đến một mùa đông lạnh giá.
Ngành Bông đã tìm thấy thị trường mới ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Bangladesh, và ngành công nghiệp rượu vang và tôm hùm của Úc cũng phát triển mạnh ở những nơi khác.
Đặc biệt, nhu cầu về rượu vang và tôm hùm của Úc đã khiến nhập cảng tăng vọt ở Hồng Kông – khu vực bán tự trị trước đây tương đối độc lập với Trung Quốc – cho phép hàng hóa tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách gián tiếp.
Ông Daniel Khmelev là ký giả người Úc tại Perth đưa tin về năng lượng, công nghệ, và chính trị. Ông có bằng cử nhân toán, vật lý và khoa học máy tính.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: