Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc từ chối gọi Taliban là kẻ thù: ‘Thật khó để gắn cái mác đó cho họ’
Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã từ chối coi Taliban là kẻ thù của Hoa Kỳ trong một lần xuất hiện trên MSNBC hôm 31/08.
Ông Sullivan xuất hiện trong chương trình chỉ vài ngày sau đợt rút quân cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan, lực lượng này đã chứng kiến Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô sau khi lãnh đạo của chính phủ Afghanistan do Hoa Kỳ hậu thuẫn đào thoát khỏi đất nước.
Khi được các ký giả hỏi về mối bang giao của Hoa Kỳ với Taliban sau khi lực lượng này chiếm giữ Kabul và liệu họ có bị xem là “kẻ thù không đội trời chung, kẻ thù hay kẻ địch,” thì ông Sullivan nói rằng ông không chắc chắn về việc xác định mối bang giao với nhóm khủng bố này như thế nào.
Ông Sullivan nói “Chà, thật khó để gắn mác cho họ, một phần là vì chúng tôi vẫn chưa thấy họ sẽ ra sao khi họ nắm quyền kiểm soát — quyền kiểm soát vật lý đối với Afghanistan.”
“Trong những ngày sắp tới, họ sẽ công bố một chính phủ. Chính phủ đó sẽ đi khắp nơi để tìm kiếm mối bang giao ngoại giao, thậm chí cả sự công nhận từ các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ. Trên thực tế, phát ngôn viên của Taliban hôm 02/09 cho biết ông ấy đang tìm kiếm các mối bang giao tích cực đại diện cho Taliban, đặc biệt là với Hoa Kỳ.”
Ông Sullivan tiếp tục nói thêm rằng mặc dù Taliban không phải là “những kẻ tử tế,” nhưng chính phủ hy vọng lực lượng này có thể làm việc cùng với họ để giúp cho việc di tản các công dân và đồng minh còn lại của Hoa Kỳ tại nước này diễn ra suôn sẻ.
Ông Sullivan nói “Chúng tôi không sẽ chỉ dành mối bang giao tích cực cho Taliban. Họ sẽ phải giành được mọi thứ từ cộng đồng quốc tế thông qua hành động chứ không phải bằng lời nói.”
“Điều đó bắt đầu với việc [bảo đảm] lối đi an toàn cho người Mỹ và các đồng minh Afghanistan, và điều đó cũng bao gồm cả việc họ sống theo đúng các cam kết chống khủng bố của mình, bao gồm cả việc Afghanistan không bao giờ có thể được sử dụng như căn cứ để tấn công Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của chúng tôi.”
Hôm thứ Hai (30/08), Ngũ Giác Đài thông báo rằng những binh lính Hoa Kỳ cuối cùng đã khởi hành từ Phi trường Quốc tế Hamid Karzai của Afghanistan, chỉ vài giờ trước bình minh, đánh dấu kết thúc của cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ và để lại một quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn với việc Taliban kiểm soát hầu hết cả đất nước.
Các chiến binh chống Taliban đã tập trung tại Thung lũng Panjshir ngay phía bắc Kabul, thề sẽ chống lại sự cai trị của Taliban nếu nhóm khủng bố không đồng ý đàm phán để thành lập một chính phủ đại diện không theo luật Sharia.
Phát ngôn viên của phe kháng chiến cho biết có bảy hoặc tám chiến binh Taliban đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở cửa thung lũng hôm thứ Hai (20/08). Người ta cho rằng hàng nghìn chiến binh chống Taliban đã tập hợp cùng với thủ lĩnh phe kháng chiến Ahmad Massoud, con trai của chiến binh kháng chiến Afghanistan Ahmad Shah Massoud, người đã chiến đấu chống lại lực lượng Liên Xô trong cuộc xâm lược Afghanistan vào những năm 1980.
Phó tổng thống đầu tiên của Afghanistan, ông Amrullah Saleh, người đang tìm kiếm sự ủng hộ với tư cách là quyền tổng thống của quốc gia theo hiến pháp, cũng đã tập hợp cùng với ông Massoud cùng các nhân vật chính phủ có cùng chí hướng ở Thung lũng Panjshir.
Các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm cả người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương, Tướng Frank McKenzie, trong tuần này thừa nhận rằng “hàng trăm” người Mỹ tìm cách di tản đã bị bỏ lại bên trong nước này.
“Có rất nhiều việc đau lòng liên quan đến cuộc rời đi này. Chúng tôi đã không đưa được tất cả những người mà chúng tôi muốn đưa ra khỏi đó,” ông McKenzie cho biết và nói thêm rằng đó là một “tình thế khó khăn.”
Trong khi Taliban tuyên bố rằng họ sẽ điều hành quốc gia này một cách ôn hòa hơn so với lần nắm quyền cuối cùng cách đây 20 năm, người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế vẫn hoài nghi về những tuyên bố như vậy giữa bối cảnh xuất hiện các báo cáo về các vụ hành quyết, bắt giữ, cầm tù và đe dọa.
Một người di tản, tên là Fawad, một học giả tiến sĩ từng làm việc cho chính phủ trước khi Taliban chiếm giữ, nói với The Epoch Times rằng tổ chức này đang giành quyền kiểm soát Kabul thông qua việc đe dọa và cưỡng bách.
Ông Fawad khẳng định nhóm khủng bố này đã lần ra địa chỉ của ông và đã viếng thăm nhằm truy tìm ông ngay sau khi ông tìm cách đào thoát khỏi quê hương cùng con trai và vợ hôm 24/08.
Cựu nhân viên chính phủ này cho hay ông biết có ba người Afghanistan khác — một người giữ vị trí cao cấp trong giới truyền thông Afghanistan — đã bị Taliban giam giữ và tra tấn trong ba ngày.
Trong khi đó, một báo cáo bị rò rỉ từ Trung tâm Phân tích Toàn cầu RHIPTO của tổ chức bất vụ lợi Na Uy, nơi cung cấp thông tin tình báo cho Liên Hợp Quốc, dường như ủng hộ các tuyên bố nói rằng Taliban đã thực hiện các hành động trả đũa bạo lực đối với các đối thủ của mình.
Báo cáo này cho biết, nhóm khủng bố Taliban đang thực hiện các cuộc truy lùng được tổ chức rất chặt chẽ đến từng nhà đối với những người nằm trong danh sách truy nã của chúng, đe dọa sát hại hoặc làm hại người thân của họ nếu họ không đầu hàng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không đưa Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố, trong khi các đồng minh của tổ chức này là mạng lưới Haqqani, al Qaeda, và người anh em họ ở Pakistan là Tehrik-e Taliban Pakistan, đều được công nhận là khủng bố.
Bản tin có sự đóng góp của Isabel van Brugen
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: