Cố vấn An ninh Quốc gia: Ông Biden và ông Tập theo đuổi các cuộc đàm phán về ‘ổn định chiến lược’ sau hội nghị thượng đỉnh
Tổng thống (TT) Joe Biden đã đề nghị cần phải đàm phán về “ổn định chiến lược” trong cuộc gặp cấp cao trực tuyến đầu tiên của ông với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) Tập Cận Bình, theo cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống.
“Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng chúng ta phải lưu ý bắt đầu chuyển sang các cuộc thảo luận về ổn định chiến lược,” cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết.
Ông Sullivan đưa ra các nhận xét đó trong một buổi tóm tắt chính thức về cuộc gặp cấp cao này do Viện Brookings có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức. Ông lưu ý rằng đã không có các cơ chế đối thoại hoàn thiện nào về ổn định chiến lược với Trung Quốc như có với Nga, nhưng hy vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn trong tương lai.
Thảo luận chuyên sâu về các vấn đề chung
Ông Sullivan đã mô tả cuộc gặp cấp cao này là một “buổi họp căng thẳng và sôi nổi hơn” so với các cuộc điện đàm trước đó giữa hai nhà lãnh đạo quốc gia. Ông Biden và ông Tập đã nói về việc hợp tác để cải thiện các vấn đề ngoại giao, công nghệ, và các vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, đã không có được cam kết song phương chắc chắn nào về các vấn đề này.
Do đó, ông Sullivan nói những nỗ lực của TT Biden nhằm nâng cao vị thế của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những tháng trước cuộc gặp này là một thắng lợi. Ông nhấn mạnh sự hình thành của AUKUS và hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Đối thoại An ninh Tứ giác (hay còn gọi là Bộ Tứ), là những hoạt động tạo điều kiện cho một vị thế đàm phán hiệu quả.
Ông Sullivan cho biết: “Để tiến tới cuộc họp này Tổng thống Biden đã dành mười tháng cho chính sách đối ngoại của mình, định hình môi trường chiến lược để ông ấy bước vào cuộc họp này với vị thế có lợi.”
Trong cuộc gặp gỡ, TT Biden đã tập trung vào các vấn đề chung như biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng, và đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác tốt hơn với Trung Quốc, ngay cả về những vấn đề mà Trung Cộng có thể sai. Đáng chú ý trong số những sai trái đó là Virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới vốn gây ra bệnh COVID-19.
“Khi nói đến Covid-19, vẫn còn những câu hỏi rất thực tế về tính minh bạch và các vấn đề liên quan đến nguồn gốc của Covid-19,” ông Sullivan nói. “Nhưng chúng ta cũng phải đánh bại đại dịch này trong những tháng tới.”
Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã đưa ra một tuyên bố đáp lại hội nghị thượng đỉnh này, và việc TT Biden quyết định không thúc ép Trung Cộng kiên quyết hơn về các vấn đề an toàn trên toàn cầu.
“Mặc dù Chính phủ Tổng thống Biden muốn hợp tác với Bắc Kinh trong một số vấn đề toàn cầu, nhưng Trung Cộng đã hết lần này đến lần khác cho thấy họ không thể tin cậy được — họ luôn đặt lợi ích của Đảng lên hàng đầu,” ông Risch nói.
“Trong trường hợp đại dịch COVID-19, họ đã đặt lợi ích của mình lên trên toàn thế giới.”
Ông Sullivan cho biết TT Biden đã bày tỏ lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả chiến dịch đàn áp hàng loạt của Trung Cộng nhằm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã chính thức công nhận hành động đàn áp này là tội diệt chủng.
“[Tổng thống Biden] đã nêu ra việc người Mỹ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông,” ông Sullivan nói. “Ông ấy nêu ra những lo ngại về nhân quyền rộng rãi hơn.”
Mặc dù không đạt được bước đột phá nào về mặt an ninh hay nhân quyền, nhưng ông Sullivan cho biết hội nghị thượng đỉnh là một phần của một quá trình đang diễn ra, mà Hoa Kỳ đã dự phần và chủ động.
“Cạnh tranh gay gắt đòi hỏi ngoại giao mạnh mẽ,” ông Sullivan nói. “Cuộc họp tối qua là một phần của chính sách ngoại giao mạnh mẽ đó.”
Những người khác nói rằng việc thiếu kết quả cho thấy cuộc họp thượng đỉnh nói chung phần lớn thiếu ý nghĩa.
“Tôi nghĩ việc cả hai bên từ đầu đến cuối đều đang cố gắng hạ thấp kỳ vọng là dấu hiệu của thực tế là thực sự không có nhiều điều mà cuộc đối thoại kiểu này có thể thay đổi mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc,” ông Alexander Gray, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ và là cựu phó trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc nói với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times.
“Có những cuộc trò trao đổi về việc tìm ra những giới hạn và đặt ra một số hình thức đàm phán để ngăn chặn leo thang, điều đó đều đúng và là tốt,” ông Grey nói. “Nhưng những bất đồng căn bản trong mối bang giao này sẽ tiếp tục, bất kể những gì được thảo luận tại một họp thượng đỉnh như thế này.”
Không có đột phá về vấn đề Đài Loan
Ông Risch đặt câu hỏi liệu chính sách ngoại giao mạnh mẽ đó có đủ để kiềm chế được sự hung hăng và mưu mẹo mà Trung Cộng thể hiện qua việc tiếp tục bành trướng quân sự và gây hấn đối với Đài Loan hay không.
“Bất cứ khi nào Hoa Kỳ can dự với Trung Cộng, chúng tôi phải đưa ra một thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với Đài Loan và khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, ông Risch nói.
“Hoạt động tăng cường hạt nhân nhanh chóng của Trung Quốc đang gây mất ổn định và đáng báo động, đồng thời an ninh của các đồng minh và quốc gia của chúng ta nằm ở khả năng răn đe mở rộng thực sự đáng tin cậy.”
Ông Sullivan nói rằng ông Biden và ông Tập đã thảo luận về đảo Đài Loan tự trị, mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ trong chủ quyền của mình và Hoa Kỳ bị ràng buộc về mặt pháp lý để trang bị khả năng tự vệ.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai quốc gia vẫn ở mức cao, vì trước đó ông Tập đã tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với đại lục. Ông Biden tháng trước cũng nói rằng Hoa Kỳ đã cam kết bảo vệ hòn đảo nếu bị tấn công, trái ngược với chính sách lâu nay đối với hòn đảo này.
Chính quyền TT Biden sau đó đã rút lại những bình luận của tổng thống về việc bảo vệ Đài Loan, và những bình luận của ông Sullivan dường như khẳng định sự ủng hộ đã được giảm bớt đi và không rõ ràng đối với Đài Loan.
“Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết của ông đối với Chính sách Một Trung Quốc, được hướng dẫn bởi Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan, Ba Tuyên Bố Chung và Sáu Bảo Đảm,” ông Sullivan nói, đề cập đến luật pháp và chính sách củng cố lập trường của Hoa Thịnh Đốn đối với Đài Loan.
Ông Sullivan lưu ý rằng ông Biden đã bỏ phiếu cho Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan vào năm 1979, khi ông còn là thượng nghị sĩ. Đạo luật này là cơ sở của mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan thời hiện đại và bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
“[Tổng thống Biden] hiểu sâu sắc rằng Đạo Luật này nói rõ bất kỳ nỗ lực nào nhằm định hình tương lai của Đài Loan ngoài các biện pháp hòa bình, đều là mối lo ngại sâu sắc đối với Hoa Kỳ,” ông Sullivan nói.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Sullivan cho biết ông Biden và ông Tập sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu, trong đó có vụ thử nghiệm gần đây của quân đội Trung Quốc đối với hệ thống vũ khí siêu thanh có khả năng hạt nhân.
“Đây là những vấn đề nhạy cảm và có ảnh hưởng lớn đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” ông Sullivan nói.
“Chúng tôi sẽ cạnh tranh với đầy đủ các thế mạnh và chúng tôi sẽ bảo vệ các giá trị của mình.”
Về phần mình, ông Gray bày tỏ sự hoài nghi rằng loạt tuyên bố được chuẩn bị trước của cả hai bên sẽ thành công, thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt hơn.
Ông Grey nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến áp lực không ngừng. Tôi không nghĩ rằng một hội nghị thượng đỉnh nhắc lại các điểm đã nói chuyện của cả hai bên sẽ thay đổi toan tính địa chính trị lâu nay của Bắc Kinh.”
“Tôi nghĩ rằng chúng ta rất khó có thể sớm thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi của Trung Quốc. Trên thực tế, nếu chúng ta nhận thấy sự thay đổi, tôi e rằng nó có thể sẽ theo hướng hành động khiêu khích nhiều hơn thay vì ít đi. ”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Bản tin có sự đóng góp của Kitty Wong thuộc NTD
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: