Có thể ngăn chặn đại dịch Covid-19 nếu Trung Quốc và WHO hành động khác đi
Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều “có tội” trong việc gây ra sự lan truyền của virus Vũ Hán và đại dịch toàn cầu lẽ ra đã có thể được ngăn chặn nếu họ hành động khác đi, theo một cuộc thẩm tra của các nghị sĩ quốc hội Đảng Cộng Hòa.
Theo một báo cáo do các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ công bố hôm 21/9, Trung Quốc đã chủ động che giấu thông tin xung quanh sự lây lan của virus Vũ Hán, còn được gọi là virus corona mới, và WHO đã cho phép việc che đậy này diễn ra bằng cách ca ngợi Trung Quốc và “nhại lại” các luận điểm của họ.
“Không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc đã chủ động tham gia vào một màn che đậy có tính toán để làm xáo trộn dữ liệu, che giấu thông tin sức khỏe cộng đồng có liên quan, đàn áp các bác sĩ và nhà báo đã cố gắng cảnh báo thế giới”, bản báo cáo dài 90 trang nêu rõ.
Báo cáo tiếp tục và trích dẫn một nghiên cứu trên Medrxiv, một trang web trực tuyến liên kết với Đại học Yale, nơi chia sẻ các bản thảo y khoa không có bình duyệt trước khi xuất bản:
“Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc lẽ ra đã có thể giảm thiểu được tới 95% số ca lây nhiễm ở Trung Quốc nếu họ thực hiện các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh một cách nhất quán với các phương án tốt nhất. Rất có thể đại dịch đang diễn ra hiện nay đã có thể được ngăn chặn.”
Ông Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố, “Rõ ràng là nếu Trung Quốc minh bạch, và người đứng đầu WHO quan tâm đến sức khỏe toàn cầu hơn là xoa dịu Trung Quốc, thì nhiều mạng sống đã có thể được cứu và sự tàn phá kinh tế trên diện rộng đã có thể được giảm thiểu.”
“Tiết lộ sự thật chỉ là bước đầu tiên; chúng ta phải yêu cầu cả Trung Quốc và Tổng giám đốc WHO Tedros phải chịu trách nhiệm về những đau khổ mà họ đã để cho cả thế giới phải chịu đựng”, ông nói thêm.
Báo cáo đưa ra bốn khuyến nghị, trong đó bao gồm việc kêu gọi thay đổi ban lãnh đạo tại WHO, tái thừa nhận Đài Loan gia nhập WHO với tư cách là một quan sát viên, cùng với các cải cách cụ thể đối với Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR).
Báo cáo cũng kêu gọi Hoa Kỳ cùng với Đài Loan và các quốc gia thành viên có cùng quan điểm là thành viên của WHO tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về những nỗ lực che đậy virus của Trung Quốc và việc WHO không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo IHR.
Sự che đậy của Trung Quốc
Báo cáo nói rằng Trung Quốc đã có đủ thông tin về dịch bệnh trước ngày 27/12/2019 và nhận thấy họ có “nghĩa vụ pháp lý” phải thông báo cho WHO rằng sự bùng phát virus Vũ Hán ở Vũ Hán có thể tạo thành một Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC), nhưng họ đã chọn không thông báo và vi phạm luật pháp quốc tế.
Nếu Trung Quốc có thể minh bạch và tuân theo các quy định y tế quốc tế, thì họ đã có thể ngăn chặn khoảng 2/3 số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc trước thời điểm cuối tháng 2, và có thể giúp phần còn lại của thế giới phản ứng tốt hơn với việc dịch bệnh bùng phát, báo cáo cho biết.
Thay vào đó, có “nhiều ví dụ đáng lo ngại về việc Trung Quốc đã sách nhiễu và giam giữ các bác sĩ Trung Quốc, vốn đã cố gắng cảnh báo những người khác về tình hình thực tế của đợt bùng phát”, báo cáo lưu ý.
Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc cũng quốc hữu hóa quyền kiểm soát chuỗi cung ứng y tế của họ và chỉ đạo rằng tất cả khâu sản xuất và phân phối vật tư y tế – bao gồm cả những dây chuyền sản xuất của các quốc gia khác ở Trung Quốc – phải dành cho việc sử dụng nội địa để tích trữ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) ở Trung Quốc.
Báo cáo nêu rõ:
“Điều này cho phép [Trung Quốc] tăng sản lượng khẩu trang từ 20 triệu lên hơn 100 triệu mỗi ngày, với cái giá là các công ty nước ngoài không được phép xuất khẩu các sản phẩm của họ — nhiều nhà sản xuất nói rằng CHND Trung Hoa (PRC) không cho phép họ xuất khẩu PPE sản xuất tại chính các nhà máy của họ”.
“Rất có thể việc Trung Quốc quốc hữu hóa năng lực sản xuất của các công ty nước ngoài, bao gồm 3M và General Motors, đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mua PPE của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thị trường toàn cầu”, báo cáo cho biết.
Các tác giả của bản báo cáo cũng lưu ý rằng Trung Quốc tiếp tục từ chối chia sẻ các mẫu từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán, vốn có thể trợ giúp cho việc điều tra xem viện nghiên cứu này có liên quan gì đến nguồn gốc của đại dịch hay không.
Chỉ dẫn sai của WHO
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tuyên bố rằng cơ quan Liên Hợp Quốc WHO “đã đồng lõa trong việc truyền bá và bình thường hóa sự tuyên truyền và thông tin sai lệch của Trung Quốc”.
Báo cáo nêu rõ:
“Tổng giám đốc WHO Tedros đã phản ứng trước sự che đậy của Trung Quốc bằng cách ca ngợi sự ‘minh bạch’ của Trung Quốc, mặc dù các tài liệu nội bộ cho thấy sự thất vọng của WHO trước việc Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu và thông tin quan trọng về virus. WHO đã nhiều lần nhại lại các luận điểm của Trung Quốc trong khi phớt lờ những thông tin mang tính đối lập từ các nguồn có uy tín.”
Theo bản báo cáo, WHO cũng thất bại trong việc điều tra những nghi vấn và cảnh báo từ phía Đài Loan và Hồng Kông về khả năng lây truyền từ người sang người của virus Trung Quốc trong những ngày đầu tiên.
Đài Loan cho biết họ đã viết thư cho WHO và Trung Quốc ngay trong ngày 31/12/2019 để yêu cầu cung cấp thông tin về đợt bùng phát ở Vũ Hán, bao gồm việc có sự lây truyền từ người sang người hay không. Sau đó vào ngày 4/1, Tiến sĩ Ho Pak-leung thuộc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm của Đại học Hồng Kông (UHK) — một thành viên của Trung tâm Hợp tác của WHO về Dịch tễ học và Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm — cảnh báo rằng sự lây truyền từ người sang người có khả năng đã xảy ra rồi.
Theo Điều 9 của IHR, WHO, báo cáo nêu rõ, “có nhiệm vụ điều tra các báo cáo và cảnh báo không chính thức như của Tiến sĩ Ho. Nếu WHO làm như vậy, thế giới hẳn sẽ được cảnh báo về khả năng cao lây truyền bệnh từ người sang người 16 ngày trước khi Trung Quốc xác nhận những gì Tiến sĩ Ho đã biết.”
Báo cáo cho biết Tổng Giám đốc WHO Tedros đã có đủ thông tin để tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) trước ngày 23/1 nhưng ông đã lựa chọn không làm như vậy. Điều này vi phạm các quy định của WHO. Báo cáo cũng nói rằng quyết định đó “có vẻ mang tính chính trị, chứ không phải mang tính khoa học”.
Báo cáo nêu rõ:
“Chủ tịch Ủy ban Tình trạng Khẩn cấp giải thích về việc thiếu một khuyến nghị ủng hộ cho tuyên bố PHEIC một phần là do nhận thức tiêu cực về tuyên bố của những người trong nội bộ Trung Quốc trong việc ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh. Rõ ràng đây là ám chỉ đến Trung Quốc, chứ không phải là các bác sĩ hay bệnh nhân ở Vũ Hán.”
WHO cũng “thường xuyên tụt hậu” so với cộng đồng khoa học trong việc đưa ra hướng dẫn kỹ thuật về cách ứng phó với đại dịch.
“Ngoài việc không khuyến nghị sử dụng rộng rãi khẩu trang rộng rãi trong vòng hơn 130 ngày, thì hướng dẫn của họ về việc lây nhiễm qua khí dung còn bị các chuyên gia y tế chỉ trích rộng rãi”, các tác giả báo cáo nhấn mạnh.