Cơ quan Y tế: HIV tiếp tục lây lan tại Trung Quốc
Trước sự bùng phát tiếp diễn của bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, nhiều quan chức Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhiễm AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) đang gia tăng, làm tăng thêm sự phức tạp của tình hình bệnh dịch ở Trung Quốc.
AIDS là một bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao do HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) gây ra. Virus này có thể tàn phá hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và bị các bệnh khác, thậm chí phát triển các khối u ác tính. HIV lây truyền qua đường máu, tinh dịch, sữa mẹ, và các dịch cơ thể khác.
Các chuyên gia y tế cho biết quan hệ tình dục bừa bãi và truyền máu bị nhiễm trùng là nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm bệnh AIDS gia tăng ở Trung Quốc. Trong khi đó, bệnh nhân AIDS có thể xuất hiện các triệu chứng giống như cúm, điều này sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán trong thời kỳ lây lan bệnh hô hấp hiện nay ở Trung Quốc. Ngoài ra, xét nghiệm máu bị nhiễm trùng hoặc truyền máu trong bệnh viện có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây truyền HIV từ bệnh nhân AIDS sang người khác.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu mới cho biết có tổng cộng 1,223,000 người bị nhiễm HIV, với 107,000 ca nhiễm mới chỉ riêng năm 2022 — trong đó 72% là lây truyền qua đường tình dục khác giới và 25.6% là giữa những người đồng tính nam. Hơn nữa, cơ quan y tế hàng đầu cho biết hồi cuối tháng Mười Một rằng, “người ta ước tính một cách thận trọng rằng 15–20% số ca nhiễm vẫn chưa được phát hiện.”
Các nhà chức trách ở nhiều khu vực khác nhau đã tăng cường các nỗ lực ứng phó với tình trạng bệnh AIDS gia tăng đột ngột. Theo một báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 01/12 trên Yicai, nhiều địa điểm giám sát và phòng thí nghiệm xét nghiệm HIV đã được thành lập ở Quảng Đông và đã tiến hành khoảng 20.13 triệu ca xét nghiệm HIV từ tháng Một đến tháng Mười, tăng 10.5% so với số liệu của năm ngoái (2022).
Tại tỉnh Giang Tô ven biển phía đông Trung Quốc, tính đến cuối tháng Mười, có 42,021 ca nhiễm HIV và 5,971 ca tử vong. Cơ quan giám sát bệnh tật của tỉnh cho biết từ tháng Một đến tháng Mười, hơn 52% số người nhiễm HIV mới được báo cáo là lây truyền đồng giới.
Thượng Hải đã chứng kiến tổng cộng 1,457 ca nhiễm HIV từ ngày 01/01 đến ngày 20/11 năm nay, tăng 21.1% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan y tế thành phố đã báo cáo tổng cộng 30,859 ca nhiễm HIV và 2,951 ca tử vong.
Báo cáo chính thức: AIDS gia tăng ở thanh thiếu niên và nông dân lớn tuổi
Số ca nhiễm HIV ở lứa tuổi học sinh sinh viên đang ngày càng gia tăng. Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho thấy vào năm 2022, tổng cộng 10,700 ca nhiễm HIV được báo cáo ở thanh thiếu niên từ 15–24 tuổi, tăng gấp ba lần so với năm trước. Trong số những trường hợp này, 82.5% lây truyền qua quan hệ tình dục.
CDC tỉnh Thiểm Tây công bố danh sách 25 trường trung học hàng đầu trong tỉnh có số ca nhiễm HIV cao nhất. Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Bắc thuộc sở hữu nhà nước ở Tây An đứng đầu bảng xếp hạng với 19 ca nhiễm. Trong số những trường hợp đó, 93.7% số ca là do quan hệ tình dục. Trường đại học này ban đầu được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập vào năm 1937 tại Diên An.
Bên cạnh thanh niên, báo cáo hôm 10/11 của CDC Trung Quốc chỉ ra rằng số ca nhiễm HIV ở những người trên 60 tuổi cũng tăng cao trong những năm gần đây, với con số lên tới 27,004 ca vào năm 2022, tăng gấp 1.5 lần so với 17,451 ca vào năm 2015. Báo cáo cho biết những ca như vậy chủ yếu phân bố trong cộng đồng nông dân lớn tuổi ở thành phố Trùng Khánh, cùng các tỉnh hoặc khu tự trị như Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam, và Tân Cương.
Nhà vi trùng học Hoa Kỳ Lâm Hiểu Húc (Sean Lin) nói với The Epoch Times rằng sự gia tăng bệnh AIDS một phần là do quan hệ tình dục bừa bãi. “Chế độ ĐCSTQ đã phá hủy niềm tin vào các giá trị thiêng liêng và truyền thống vốn đã cắm rễ sâu vào xã hội Trung Quốc, thay thế những giá trị này bằng hệ tư tưởng cộng sản, đồng thời làm mục ruỗng tâm hồn và tâm trí của người dân.”
Ngoài ra, một số bệnh nhân AIDS đã trở thành nạn nhân do thiếu kiến thức hoặc do họ không biết bản thân bị nhiễm HIV.
“Các quan chức của ĐCSTQ chưa bao giờ quan tâm đến mạng sống của người dân và từ lâu đã che giấu sự thật về bệnh AIDS ở Trung Quốc,” ông Lâm nói. “Khá nhiều người Trung Quốc không biết bệnh AIDS nguy hiểm như thế nào.”
Lây nhiễm khi truyền máu
Máu bị nhiễm [virus] là một nguyên nhân khác gây ra sự gia tăng bệnh AIDS ở Trung Quốc. Ông nói: “Luôn luôn có sự thông đồng giữa các điểm lấy máu và nhà cung cấp, cộng với việc thu thập máu không được kiểm soát ở Trung Quốc.”
Lấy một ví dụ, ông Lâm cho biết một số lượng lớn người hiến máu đã nhiễm HIV qua việc truyền máu bị nhiễm trùng tại các điểm lấy máu ở tỉnh miền Trung Hà Nam. Hầu hết những người hiến máu này là nông dân sống ở các vùng nông thôn nghèo và trở thành nạn nhân của chiến dịch kiếm tiền bằng cách hiến máu do chính quyền Hà Nam phát động từ năm 1991 đến 1995.
Bà Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie), một bác sĩ phụ khoa người Trung Quốc và cũng là nhà hoạt động vì bệnh AIDS hiện đang sống lưu vong ở New York, nói với The Epoch Times vào ngày 12/10/2010: “Năm 1995, HIV được phát hiện trong các mẫu máu tại các trung tâm thu thập máu của tỉnh Hà Nam, nơi phục vụ cho khoảng 5 triệu người.”
Chính quyền tỉnh Hà Nam sau đó đã thu hồi giấy phép của các điểm lấy máu này nhưng không cho biết lý do. Ông Lâm nói, “Sau đó, máu đó được chuyển đi nơi khác; nhiều người nhận máu nhiễm HIV nhưng không hề hay biết vào thời điểm đó, sau đó có thể đã lây nhiễm cho người khác. Tình trạng lây nhiễm như vậy đã âm thầm lan rộng cho đến nay.”
Ông nói, ngay cả khi các bệnh viện Trung Quốc lạm dụng các sản phẩm máu bị nhiễm, thì bệnh nhân nhiễm HIV khó có thể truy cứu trách nhiệm vì bệnh AIDS không hẳn đã biểu hiện ra các triệu chứng ở bệnh nhân ngay lúc đó. Hơn nữa, các bệnh viện thường yêu cầu miễn trừ trách nhiệm trước khi truyền máu.
Bà Cao cho biết năm 2010 rằng, “Người ta ước tính có 10 triệu bệnh nhân AIDS ở Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Quốc đã che đậy rất kỹ.” Con số này cao hơn gấp nhiều lần con số chính thức. The Epoch Times không thể xác nhận ước tính này.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times