Cơ quan truyền thông toàn cầu Hoa Kỳ mở lại văn phòng tự do Internet
Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM), cơ quan giám sát các đài phát thanh và truyền hình của chính phủ Hoa Kỳ như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Châu Á Tự do, đã mở lại Văn phòng Tự do Internet (OIF) vào tháng trước.
OIF, bắt đầu hoạt động vào năm 2016, đã bị ban lãnh đạo đóng cửa trước khi có xác nhận ngày 4/6 của Giám đốc điều hành đương nhiệm USAGM Michael Pack.
Cơ quan cho biết trong một tuyên bố ngày 18/8 là “nhu cầu quan trọng cần hỗ trợ là các công nghệ để cho phép cá nhân truy cập và chia sẻ thông tin trực tuyến một cách an toàn.”
Sứ mệnh của OIF là hỗ trợ việc thử nghiệm, triển khai và quản lý các công nghệ nhằm phá vỡ các kỹ thuật chặn, lọc internet và các kỹ thuật kiểm duyệt khác, chủ yếu được sử dụng bởi các chế độ áp bức như Trung Quốc và Iran, cơ quan này cho biết trong bản thông cáo.
Ông Pack cho biết: “Không giống như ban lãnh đạo USAGM trước đây, những người đã cho OIF ra rìa, tôi coi việc tăng cường vượt tường lửa internet là ưu tiên hàng đầu. Việc chặn truy cập thông tin là một điều kinh khủng… Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tài trợ cho một loạt các công cụ vượt tường lửa trên internet.”
Với thông báo rằng OIF đã hoạt động trở lại, ông Pack đang chuyển sang thiết lập lại quyền kiểm soát đối với các nỗ lực vượt tường lửa của USAGM, vốn đã bị thách thức bởi nỗ lực trước đó nhằm thành lập một tổ chức có tên Quỹ Công nghệ Mở (OTF) độc lập với sự kiểm soát của USAGM.
Một vấn đề trọng tâm của cuộc xung đột nội bộ USAGM là cuộc tranh luận xem nên sử dụng công nghệ nguồn mở hay nguồn đóng. Khi ông Pack tìm cách giành lại quyền kiểm soát, USAGM và một nhân viên chủ chốt khác đã bị tấn công.
Phá vỡ sự kiểm duyệt
Các cơ chế kiểm duyệt internet chủ yếu được sử dụng ở các quốc gia độc tài như Trung Quốc và Iran. Phá bỏ các cơ chế đó là mục tiêu chung của các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận cố gắng trao quyền cho công dân trong các chế độ áp bức bằng cách mở cửa truy cập internet, nhưng các phương tiện để làm như vậy thường được tranh luận sôi nổi.
Một điểm gây tranh cãi chính là việc sử dụng phần mềm nguồn mở so với phần mềm nguồn đóng (thường được gọi là “bản quyền”).
OIF sẽ bắt đầu sự tồn tại mới của mình bằng cách tài trợ cho một phần mềm mỗi loại. Psiphon nguồn mở và ACI nguồn đóng bản quyền của Cisco là những người hưởng lợi đầu tiên từ việc OIF được hồi sinh.
Trong phát biểu dành riêng cho The Epoch Times, bà Katrina Lantos Swett, một chuyên gia nhân quyền nổi tiếng và là chủ tịch của Tổ chức Nhân quyền và Công lý Lantos, nói rằng “Quỹ Lantos ủng hộ và tài trợ tất cả các loại công cụ tự do internet, bao gồm cả các công cụ vượt tường lửa.”
“Freegate và Ultrasurf đều là những công cụ vượt tường lửa quy mô lớn đã nhận được tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ trong quá khứ và chúng tôi rất vui khi thấy các khoản tài trợ trong tương lai sẽ được trao cho các công nghệ đã được thử nghiệm thực địa, và những công nghệ đã được qua quá trình kiểm tra bảo mật nghiêm ngặt”, bà nói.
“Chúng tôi cũng tin rằng tất cả các công nghệ cho tự do internet mà đã được nhận tài trợ phải được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở liên tục, để đảm bảo rằng tiền đang được đầu tư cho các công cụ hiệu quả nhất hiện có”, bà Lantos Swett cho biết thêm.
USAGM cũng đặt dưới sự tài trợ và bảo trợ giám sát của mình một tổ chức được gọi là Quỹ Công nghệ Mở (OTF). Nó, giống như OIF, đã kinh doanh hỗ trợ các công cụ vượt tường lửa internet.
Tuy nhiên, OTF luôn kiên định trong việc sử dụng các giải pháp nguồn mở bản quyền kể từ khi thành lập như một chương trình trong Đài Á Châu Tự do (RFA).
Nổi loạn
Việc OTF kiên quyết loại trừ bất kỳ công cụ tự do internet nào dùng phần mềm nguồn đóng có thể là một trong những lý do khiến việc lãnh đạo chương trình đã trở nên nổi loạn vào năm ngoái.
Vào tháng 9/2019, hồ sơ của Hoa Kỳ cho thấy Libby Liu, tại thời điểm đó là người đứng đầu RFA và chương trình OTF, đã thành lập Quỹ Công nghệ Mở với tư cách là một công ty bất vụ lợi trong nước dưới tên của chính cô ta.
Cô Liu được liệt kê là “người sáng lập” trong danh sách “chủ sở hữu” trong hồ sơ đăng ký của công ty.
Các quan chức cao cấp tại USAGM khẳng định rằng cô Liu không có ủy quyền từ bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức chính phủ nào để chuyển OTF thành tổ chức riêng. OTF nhận toàn bộ ngân sách từ USAGM.
Ngoài ra, OTF đã bỏ văn phòng của mình trong USAGM’s Radio Free Asia ở trung tâm thành phố Washington, D.C., thuê văn phòng mới cách đó khoảng một dãy nhà. Tuy nhiên, theo các quan chức, OTF không để lại địa chỉ chuyển tiếp và các quan chức tại USAGM nói rằng họ phải tự tìm kiếm mới biết địa chỉ văn phòng mới.
Khi ông Pack nhậm chức chỉ hơn 9 tháng sau đó, ông đã sa thải những người đứng đầu mạng USAGM và OTF, bao gồm cô Liu và một số thành viên hội đồng quản trị.
Giờ đây, đã xảy ra một vụ kiện nhằm hủy hiệu lực của những quyết định cho thôi việc đó và mở phong tỏa tiền tài trợ, điều mà các quan chức bị sa thải nói rằng đang bị giữ lại.
Các quan chức cao cấp tại USAGM bác bỏ các tuyên bố trong vụ kiện về việc ông Pack không có thẩm quyền sa thải các giám đốc của mạng lưới và Liu tại OTF. Ngoài ra, các quan chức cao cấp của USAGM nói rằng tiền cho OTF không bị giữ lại, mà rằng nó đang được thanh toán theo một lịch trình đã thay đổi.
Phần mềm nguồn mở so với phần mềm nguồn đóng
Một số chuyên gia có ý kiến khác với quyết định giáo điều của OTF về loại bỏ các công nghệ vượt tường lửa nguồn đóng.
CoreDNA, một công ty của Úc cung cấp nền tảng đám mây thống nhất cho các doanh nghiệp kỹ thuật số, trên trang web của họ, tuyên bố rằng “phần mềm nguồn mở có sẵn cho công chúng sử dụng và sửa đổi miễn phí từ thiết kế ban đầu của nó”.
“Điều đó có nghĩa là một phần mềm có thể được phát triển và thay đổi bởi các nhà phát triển khác tiếp tục ở mọi nơi trên thế giới.”
Do đó, blog của CoreDNA về chủ đề này nói tiếp rằng, phần mềm nguồn mở “cũng phải đi kèm với nhãn cảnh báo”.
“Trong khi một web mở và định hướng ngang hàng được hoan nghênh về mặt triết học, nó có thể khiến chúng ta bị tổn hại bởi các nhà phát triển có mục đích xấu, những người chọn đường phá mọi thứ vì lợi ích của họ. Do đó, cần phải có nhãn cảnh báo.”
Phần mềm nguồn đóng không cần nhãn cảnh báo đó.
Mã nguồn của phần mềm nguồn đóng “không được chia sẻ với công chúng để bất kỳ ai xem hoặc thay đổi”, công ty tuyên bố.
‘Biên giới Nhân quyền Tiếp theo’
“Tự do Internet là biên giới tiếp theo của nhân quyền”, bà Lantos Swett cũng nói với The Epoch Times. Bà cũng từng là chủ tịch và phó chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ và giảng dạy về nhân quyền và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Đại học Tufts.
Bà nói rằng “một vài mục tiêu rõ ràng” mà quỹ viện trợ bà đang lãnh đạo sẽ cố gắng đạt được.
“Mở internet cho những người trong xã hội khép kín. Cung cấp kinh phí và công cụ để trao quyền cho mọi người nhìn xa hơn những quan điểm ngoài kiểm duyệt của các chính phủ độc tài của chính họ. Hãy cho họ tự do học hỏi, tổ chức và phát triển giống như cách chúng ta làm trong các xã hội tự do.”
Tuy nhiên, không giống như OTF và những người ủng hộ nó, bà Lantos Swett nói rằng “chúng tôi là những người đề xuất tự do internet dưới mọi hình thức của nó”.
“Điều này bao gồm cả công nghệ nguồn mở và nguồn đóng.”
Điều quan trọng là phải có “một bộ công cụ lớn và phương pháp tiếp cận rộng và linh hoạt” không chỉ bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, bao gồm cả những người đang bị giám sát chặt chẽ, mà còn điểm trọng yếu là “phá vỡ tường lửa hiện tại cho hàng triệu người dùng trong các xã hội khép kín”.
Nguồn tài trợ cho những công cụ vượt tường lửa là vấn đề bà Lantos Swett quan tâm trong nhiều năm.
Bà nói: “Các công cụ vượt tường lửa cung cấp một trong những cách hiệu quả nhất để hạ gục, Bức tường lửa lớn của Trung Quốc là một ví dụ.”
“Cuối cùng thì,” bà Lantos Swett nói, những công cụ đó có thể “đục những lỗ hổng lớn” trên rào cản kỹ thuật số khét tiếng của Trung Quốc.
Mặc dù [những phần mềm này] hiệu quả, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến “xu hướng giảm của nguồn tài trợ” và trong một số trường hợp là “hoàn toàn thiếu tài trợ” cho các công cụ vượt tường lửa quy mô lớn.
“Chúng tôi không coi việc tài trợ cho tự do internet là phải chọn một trong hai kịch bản, trong đó chúng tôi chỉ tài trợ cho các công cụ vượt tường lửa nguồn mở hoặc nguồn đóng bản quyền. Nhưng chúng tôi thấy rõ rằng các tổ chức thuộc nhóm hai nên được nhận nguồn tài trợ thích hợp để đảm bảo có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đến từ các xã hội khép kín.”
“Chúng tôi cũng hỗ trợ sự phát triển liên tục của các công nghệ mới,” bà nói.
Bà Lantos Swett cũng cân nhắc về cuộc tranh cãi giữa USAGM và phần phụ đầu tiên của nó, OTF.
Trên tờ The Hill vào tháng 5, bà Lantos Swett đã viết, “Thật điên rồ khi nghĩ rằng việc tái lập OTF vào năm 2019 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập và là người nhận tài trợ duy nhất cho các quỹ tự do internet của USAGM sẽ dẫn đến bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào.”
“Chúng tôi đã vận động từ năm 2009 để chuyển một phần quỹ tự do internet của chính phủ Hoa Kỳ” sang USAGM.
Kể từ đó, bất chấp những đột phá tiềm năng, “chúng tôi thường xuyên bị thất vọng khi thấy sự lúng túng, định hướng sai và thậm chí đôi khi có sự phân biệt đối xử trắng trợn đối với các quyết định về tài trợ.”
Bất chấp “đối thoại thường xuyên” với ban lãnh đạo cũ của cả USAGM và OTF mà cô Liu đứng đầu, “nhìn chung chúng tôi đã chứng kiến sự thiếu quyết tâm hỗ trợ đến cùng đối với một số công cụ vượt tường lửa hiệu quả nhất hiện có”.
“Khi OTF được thành lập lại với tư cách là một tổ chức bất vụ lợi vào cuối năm 2019 dưới sự quản lý của cùng một lãnh đạo, chúng tôi không mấy tin tưởng rằng chúng tôi sẽ thấy sự thay đổi có ý nghĩa và nỗi lo ngại này đã tồn tại quá lâu.”
Tuy nhiên, bà Lantos Swett “lạc quan một cách thận trọng” rằng những thay đổi tại USAGM có thể dẫn đến “tăng cường tài trợ cho các công cụ vượt tường lửa, cùng với việc tiếp tục tài trợ cho các loại công cụ tự do internet khác”.
“Chúng tôi hoan nghênh mọi chương trình hành động theo hướng này, nhưng với những gì chúng tôi đã chứng kiến trong quá khứ, chúng tôi sẽ thận trọng trong nhận xét của mình cho đến khi chúng tôi thực sự thấy ban lãnh đạo tại USAGM hành động như thế nào.”
“Một lần nữa, mục tiêu của chúng tôi là mở tự do internet trong các xã hội bị khép kín. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với bất kỳ ai có chung mục tiêu này và chúng tôi ủng hộ việc theo đuổi đầy đủ các công cụ và phương pháp tiếp cận mang lại hứa hẹn cho việc đạt được mục tiêu đó”, bà nói.
Các cuộc tấn công vào USAGM
Kể từ khi sự việc xảy ra, USAGM và đặc biệt là một nhân viên của ông Pack đã bị tấn công trên mạng xã hội và báo chí.
Cô Mora Namdar, phó chủ tịch phụ trách tuân thủ pháp luật và rủi ro tại USAGM, đã trở thành tâm điểm chỉ trích chính trên Twitter.
Một người dùng Twitter, Nima Fatemi, đã viết:
“Đây là một thủ đoạn đe dọa ngớ ngẩn được sử dụng bởi Michael Pack và cộng sự đáng hổ thẹn của anh ta, người làm Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý’; Một tiêu chuẩn thấp mới cho chính phủ Hoa Kỳ. Xin chúc mừng Mora Namdar vì đã trở thành một con rối vớ vẩn cho phát xít. #saveinternetfreedom”.
“Chiến thuật” mà Fatemi đề cập đến có thể là việc kiểm tra theo kế hoạch, phối hợp với OTF, mà cô Namdar đã thực hiện đối với các văn phòng mới của OTF, khi vị trí của nó đã được xác định
Fatemi được biết đến là “nhà nghiên cứu bảo mật độc lập, tập trung vào công nghệ mã hóa, quyền riêng tư và công nghệ vượt kiểm duyệt” trên trang web Dxfest.com.
Ông Pack đã bảo vệ cô Namdar trong một thông cáo báo chí và trên Twitter.
“Những nỗ lực của những người có tiền và quyền lực miệt thị cô ấy, đều rõ ràng rất yếu kém và không thuyết phục. Tôi thật may mắn khi có cô Namdar trong đội của mình,” ông Pack viết.
“Chiến dịch được tiến hành bởi những cá nhân có vẻ như lo che đậy tham nhũng và những thất bại trong quá khứ hơn là làm việc đại diện cho người dân Mỹ, sẽ làm mọi công dân Mỹ đều phẫn nộ. Đặc biệt, các cuộc tấn công cá nhân và sai sự thật nhằm vào Mora Namdar và các thành viên khác trong đội ngũ nhân viên của tôi đang làm việc để thúc đẩy tự do và nhân quyền là hoàn toàn không có giá trị”, ông viết trên Twitter hôm 21/8.
“Người ta chỉ có thể phỏng đoán rằng mong muốn gây ra vụ bê bối của OTF là để đánh lạc hướng khỏi nhiều sai sót nghiêm trọng và không muốn minh bạch về các hoạt động của mình.”
Cô Namdar là một luật sư, con gái của những người nhập cư từ Iran đến Hoa Kỳ trước cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, sau đó ở lại Hoa Kỳ. Cô cũng là một nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết tới.
Cô Namdar nói với The Epoch Times rằng “tất cả những người đã tấn công tôi chưa bao giờ gặp tôi.”
“Tôi là một người ủng hộ nhiệt thành trong việc diệt tận gốc nạn tham nhũng.”
Tuy nhiên, cô Namdar cũng có nhiều người thông cảm và phản ứng những lời chế giễu trên mạng xã hội nhắm vào cô.
“Trên Twitter, những người tôi không biết đã lên tiếng bênh vực tôi.”
Ông Pack, một người được TT Trump bổ nhiệm, người mà sự đề cử đã phải đợi [chuẩn y] Thượng viện trong hơn hai năm, đã phải chịu đựng một loạt chỉ trích dữ dội của phương tiện truyền thông hồi đầu mùa hè từ các đảng viên Đảng Dân Chủ và một số đảng viên Cộng Hòa không bao giờ ủng hộ TT Trump, như một công cụ chờ đợi tổng thống sẽ theo đuổi chính sách phát biểu có chọn lọc có lợi cho chính quyền.
Các dự đoán về sự can thiệp từ Tòa Bạch Ốc vào quá trình báo chí tại các phương tiện như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Trong khi đó, vào ngày 1/7, Quỹ Công nghệ Mở đã đăng một thông báo trên trang web của mình với tiêu đề “Tạm dừng vòng xét tháng 9”. Thông báo tiếp tục nói:
“Hiện tại do chưa có sự rõ ràng về tính khả dụng và thời điểm [giải ngân] của phần còn lại của quỹ cho năm tài chính 2020 của chúng tôi, chúng tôi đã quyết định hoãn việc mở các vòng sắp tới của Quỹ Tự do Internet và Quỹ Cơ sở hạ tầng cốt lõi và sẽ không nhận các đơn xin tài trợ.”
Quỹ này tiếp tục nói với độc giả, “Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của bạn – vui lòng liên hệ trực tiếp với các thành viên trong nhóm hoặc liên hệ qua [email protected].”
Tuy nhiên, không ai trả lời yêu cầu bình luận được gửi đến địa chỉ email đó. Ngoài ra, một email được gửi đến địa chỉ email cho các câu hỏi báo chí được liệt kê trên trang web của OTF đã bị trả lại. Không có số điện thoại của tổ chức được liệt kê trên trang web. Danh sách LinkedIn cho Liu và Laura Cunningham, giám đốc chính của OTF dưới thời Liu, không bao gồm chức năng nhắn tin.