Cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc: 25 triệu tấn ngũ cốc tồn đọng bị chặn xuất cảng khỏi Ukraine
Theo một quan chức của một cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc, một lượng lớn các lô hàng ngũ cốc tồn đọng với tổng khối lượng gần 25 triệu tấn đang bị mắc kẹt ở Ukraine và không thể vận chuyển ra khỏi nước này do “những thách thức về cơ sở hạ tầng” và việc các cảng bị phong tỏa ở Biển Đen.
Việc chặn vận chuyển số ngũ cốc này có thể làm tăng giá lương thực cao trên toàn cầu, vốn đã tăng với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận trong tháng Ba theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tăng 13% trong tháng lên 159.3 điểm, mức cao nhất mọi thời đại.
Trước khi các lực lượng Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, quốc gia này là một trong những nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới, chuyên về các sản phẩm ngũ cốc chủ lực như lúa mì, ngô, và hạt cải dầu, hạt hướng dương, và dầu hướng dương.
Cùng với giá cả tăng cao, các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, và sự tồn đọng mới nhất này chắc chắn sẽ làm tăng thêm mối lo ngại vốn đang ngày càng gia tăng.
Ông Josef Schmidhuber, phó giám đốc FAO thuộc bộ phận thị trường và thương mại, nói trong một cuộc họp báo ở Geneva hôm thứ Sáu (06/06), “Đó là một tình huống gần như trớ trêu mà chúng ta thấy vào lúc này ở Ukraine với gần 25 triệu tấn ngũ cốc có thể được xuất cảng nhưng không thể rời khỏi đất nước này chỉ vì thiếu cơ sở hạ tầng, các cảng bị phong tỏa.”
Ông Schmidhuber cho biết sự tắc nghẽn của ngũ cốc có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt cơ sở lưu trữ trong vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng Bảy và tháng Tám, đặc biệt nếu các cảng ở Biển Đen vẫn bị quân đội Nga phong tỏa.
Kể từ khi bị các lực lượng của Moscow xâm lược, Ukraine đã phải xuất cảng ngũ cốc bằng tàu hỏa qua biên giới phía tây hoặc từ các cảng nhỏ trên sông Danube của họ thay vì bằng đường biển. Tuy nhiên, đã có thông tin rằng những toa xe chứa ngũ cốc đã phải đối mặt với nhiều vấn đề thủ tục giấy tờ và thách thức hậu cần cùng tình trạng thiếu lao động và tàu hỏa.
“Bất chấp chiến tranh, tình hình thu hoạch không có vẻ thảm khốc như vậy. Điều đó thực sự có thể có nghĩa là không có đủ khả năng lưu trữ ở Ukraine, đặc biệt là nếu không có hành lang lúa mì mở cửa cho xuất cảng từ Ukraine,” ông nói.
Phó giám đốc FAO cũng lưu ý thêm về những lo ngại liên quan đến các báo cáo rằng một số kho chứa ngũ cốc ở Ukraine đã bị phá hủy trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.
Ông Schmidhuber không giải thích chi tiết về những báo cáo đó, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm 05/05 rằng ước tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 400,000 tấn ngũ cốc đã bị đánh cắp. The Epoch Times không thể xác minh các tuyên bố này của Bộ Quốc phòng.
Bình luận của ông Schmidhuber được đưa ra ngay sau khi dữ liệu từ S&P Global cho thấy tình trạng thiếu nguồn cung thực phẩm đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng Tư.
S&P Global cho biết, qua khảo sát, Chỉ số Thiếu hụt Nguồn cung ứng Toàn cầu báo cáo rằng tình trạng thiếu hụt chỉ dưới mức gấp bảy lần mức bình thường của tháng trước, không thay đổi so với mức cao trong bốn tháng của tháng Ba. Năng lực vận tải hàng hóa vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc trong tháng Tư cho biết 45 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng và 8 triệu đến 20 triệu người khác có nguy cơ bị đói do ảnh hưởng của chiến tranh.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: