Cơ quan LHQ cộng tác với cơ quan Trung Cộng nổi tiếng với các vi phạm nhân quyền
Một cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) được lập ra để chống ma túy và tham nhũng đang bị chất vấn vì đã tham gia vào một thỏa thuận với một cơ quan ngoài tư pháp Trung Quốc, vốn nổi tiếng vì những vi phạm về nhân quyền.
Hôm 29/06, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid đã công bố một cuộc điều tra mới về hệ thống giam giữ bí mật của Trung Quốc được gọi là “liuzhi” (giam giữ), cũng như đệ trình các kết quả điều tra cho U.N. Special Procedures, trong đó bao gồm các báo cáo viên đặc biệt và các nhóm làm việc chuyên gia.
Nhóm nhân quyền này gọi hệ thống liuzhi này là một “hệ thống hợp pháp hóa sự mất tích.”
Mối bận tâm của nhóm nhân quyền xoay quanh việc Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của LHQ (UNODC) chọn làm việc với Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), một cơ quan Trung Cộng đứng đằng sau hệ thống liuzhi. Hai bên đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) hồi tháng 10/2019.
Kể từ sau thời điểm đó, NSC đã đưa ít nhất 28,983 nạn nhân vào hệ thống liuzhi, theo ước tính của nhóm nhân quyền này. Cùng trong khoảng thời gian nói trên thì chính quyền Trung Cộng xác nhận hiện chỉ đưa có 5,909 người vào hệ thống này.
Nhóm nhân quyền cũng ước tính rằng mỗi ngày có trung bình tối thiểu từ 16 đến 76 người phải chịu đựng hệ thống liuzhi này.
Nhóm nhân quyền đã tuyên bố rằng “NSC chịu trách nhiệm về các hành vi cưỡng chế mất tích, tra tấn, cùng các hành vi vô nhân đạo khác với tính chất tương tự cố ý gây ra sự thống khổ, hay chấn thương nghiêm trọng lên thân thể hoặc sức khỏe tinh thần hay thể chất trên diện rộng và có tính hệ thống, tất cả các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã được báo cáo với LHQ.”
Có một số chi tiết hạn chế trong thỏa thuận này, ngoại trừ việc hai bên sẽ làm việc trong các lĩnh vực bao gồm chia sẻ thông tin về phòng chống tham nhũng và tội phạm đào tẩu hồi hương. Do đó, Safeguard Defenders cho biết họ đã yêu cầu UNODC công bố toàn bộ nội dung của Biên bản ghi nhớ, nhưng yêu cầu này đã bị từ chối.
“Nếu 28,983 người bị giam giữ [tùy tiện], mất tích và [bị tra tấn] kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ là không đủ để UNODC nhận ra NSC không phải là đối tác phù hợp, chưa nói đến việc phát triển hợp tác sâu hơn với cơ quan này, [thì điều gì mới đủ]?” Safeguard Defenders chất vấn.
NSC, một cơ quan phi tư pháp, là cơ quan chống tham nhũng siêu việt do Trung Cộng thành lập vào tháng 03/2018. Cơ quan này có nhiệm vụ điều tra hành vi phạm tội về kinh tế của các doanh nhân, đảng viên và nhân viên của các cơ quan nhà nước.
NSC nắm giữ quyền lực rất lớn, bao gồm cả khả năng ban hành trát lệnh, phong tỏa tài sản, triệu tập nghi phạm và giam giữ nghi phạm ít nhất sáu tháng trong hệ thống liuzhi, nơi họ không được phép gặp mặt thân nhân hoặc luật sư.
Bà Laura Harth, giám đốc chiến dịch của tổ chức bất vụ lợi Safeguard Defenders, nói rằng các cơ quan của LHQ đều “bị ràng buộc với các quyền cơ bản của con người có trong các hiệp ước và công ước về nhân quyền,” trong đó nghiêm cấm việc giam giữ tùy tiện, cưỡng chế mất tích, tra tấn và không được tiếp cận với cơ quan đại diện hợp pháp.
“Tuy nhiên, khi ký Biên bản ghi nhớ và công nhận cơ quan tư pháp NSC là đại diện hợp pháp của Chính quyền Trung Cộng trong phạm vi của Công ước Chống Tham nhũng, UNODC hoàn toàn không tuân theo nghĩa vụ của mình trong vấn đề này,” bà Harth cho biết trong một email gửi cho The Epoch Times.
Bà lưu ý rằng những kẻ tình nghi có thể bị giam giữ dưới trướng của họ trong hơn sáu tháng.
“Mục đích duy nhất cho thời gian bên trong [trại giam]-lên đến sáu tháng-là để làm ra một lời thú tội, và một nghi phạm có thể sẽ ở lại chừng nào còn cần thiết để bảo đảm có được một lời thú tội như vậy,” bà Harth nói.
Hồi tháng 05/2018, chưa đầy hai tháng sau khi NSC được thành lập, trường hợp tử vong đầu tiên được biết đến trong hệ thống liuzhi đã được báo cáo. Theo thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Caixin của Trung Quốc, Safeguard Defenders đưa tin rằng người đàn ông thiệt mạng là Trần Dũng (Chen Yong), bị giam giữ trong liuzhi trong 26 ngày trước khi tử vong. Ông Trần là tài xế cho một quan chức địa phương, người bị tình nghi trong một vụ án tham nhũng.
Gia đình ông Trần đã nhìn thấy thi thể của ông, bị làm cho biến dạng và bầm tím, họ cho rằng ông ấy đã bị “tra tấn cho đến chết,” theo nhóm nhân quyền.
Một người khác được biết đến trong hệ thống này là ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu chủ tịch Interpol. Ông mất tích sau khi trở về Trung Quốc hồi tháng 09/2018, sau đó NSC đã đưa ra thông báo xác nhận việc giam giữ ông này vào tháng sau đó. Tháng 01/2020, ông Mạnh bị kết án tù 13 năm sáu tháng sau khi nhận tội nhận hối lộ hơn 2 triệu USD.
Biên bản ghi nhớ mà NSC đã ký với UNODC không phải là duy nhất. Theo trang web của NSC, ủy ban này cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với một số quốc gia, bao gồm cả Argentina, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
“Ít nhất đối với NSC, việc ký kết Biên bản ghi nhớ này đã hợp pháp hóa một cách hiệu quả hành động chuyển giao hợp tác tư pháp và điều tra tội phạm của Trung Quốc cho một cơ quan phi tư pháp,” Safeguard Defenders cho hay.
Liuzhi không phải là hình thức cưỡng chế mất tích duy nhất ở Trung Quốc. Trung Cộng cũng thực hiện hành vi “bắt cóc hàng loạt được nhà nước hậu thuẫn” đối với người dân của mình và ngoại kiều theo một hệ thống gọi là “Giám sát Khu dân cư tại một Địa điểm được Chỉ định” (RSDL). Hệ thống này do các sĩ quan cảnh sát từ các bộ công an và an ninh quốc gia của Trung Quốc thực hiện.
Hồi tháng 08/2019, có 27 tổ chức nhân quyền, bao gồm cả Safeguard Defenders, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Toàn Thế giới và Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng, đã công bố một tuyên bố chung kêu gọi chế độ Trung Cộng chấm dứt mọi hình thức cưỡng chế mất tích, bao gồm cả hệ thống RSDL và hệ thống liuzhi.
Safeguard Defenders đã yêu cầu U.N. Special Procedures thực hiện “phân tích toàn diện” về hệ thống liuzhi và việc hệ thống này “phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền và luật pháp quốc tế” ra sao.
Bà Harth kêu gọi UNODC công bố nội dung của Biên bản ghi nhớ. Bà nói rằng cơ quan của LHQ nên ngừng ngay lập tức bất kỳ hợp tác nào với NSC, coi cơ quan của Đảng này là “đại diện hợp pháp” của Trung Cộng.
UNDOC nói với The Epoch Times rằng họ không gặp vấn đề gì khi tiết lộ Biên bản ghi nhớ nếu NSC cũng đồng ý việc này.
UNDOC viết trong email, “Với tư cách là một tổ chức của LHQ và là một bộ phận tích hợp của Ban thư ký LHQ, UNODC có nghĩa vụ áp dụng các tiêu chuẩn quy định trong chính sách về nhân quyền LHQ trong bất kỳ công việc nào mà tổ chức này thực hiện, dù là kỹ thuật, quy chuẩn cũng như bất kỳ công việc liên quan nào khác.”
Do Frank Fang thực hiện
Với sự đóng góp của Cathy He
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: