Cơ quan giám sát Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bảo vệ ông Pompeo trước việc bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út
Trong một báo cáo mới đây, cơ quan giám sát của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết việc Ngoại trưởng Mike Pompeo lách luật trước quốc hội bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp [quốc gia] để bán số vũ khí trị giá 8.1 tỷ USD cho Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là không vi phạm luật.
Bà Diana Shaw, người giữ vai trò là quyền tổng thanh tra của cơ quan, cho biết trong một báo cáo hôm 10/8 tóm tắt đánh giá về vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc chuyển giao vũ khí cho Ả Rập Xê Út rằng quyết định của ông Pompeo trong việc đẩy nhanh việc bán vũ khí tuân thủ luật liên bang. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thanh tra nhận thấy rằng Bộ Ngoại giao đã không làm đủ để ngăn chặn việc các quốc gia vùng Vịnh sử dụng vũ khí gây ra những vụ thiệt mạng hàng loạt ở Yemen.
Hôm 10/8, một quan chức Bộ Ngoại giao, người mở cuộc họp báo với phóng viên qua điện thoại để tường trình về bản báo cáo, nói rằng chính phủ đã cố gắng nỗ lực hơn để tăng cường các quy trình đánh giá rủi ro và củng cố các biện pháp giảm thiểu nhằm giảm số thương vong dân sự.
Vào tháng 5/2019, ông Pompeo đã viện dẫn một điều khoản hiếm khi được sử dụng trong luật liên bang để gạt bỏ ý kiến của quốc hội. Một số nghị sĩ Đảng Dân Chủ phản đối khi ông Pompeo thông báo với quốc hội về quyết định sử dụng lỗ hổng khẩn cấp trong Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí để tiến hành bán vũ khí, bao gồm đạn dẫn đường chính xác, cùng các loại bom và đạn dược khác.
Quốc hội đã ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí, với lý do lo ngại về thương vong dân sự ở Yemen, nhưng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp [quốc gia] của ông Pompeo đã phá vỡ sự ngăn chặn này, với lý do “hoạt động thâm ác của Iran” đã đe dọa sự ổn định của khu vực và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trong báo cáo hôm 11/8, cơ quan giám sát của Bộ Ngoại giao kết luận rằng “chứng nhận khẩn cấp của Ngoại trưởng đã được thực thi theo” Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí.
Vào thời điểm đó, khoảng 26 thành viên quốc hội đã viết một lá thư cho cựu tổng thanh tra Steve Linick, thúc giục ông xem xét lại vấn đề, nói rằng có “những lý do đáng ngờ” để viện dẫn cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông Linick đã bị sa thải trong khi văn phòng của ông đang điều tra tính hợp pháp của việc bán vũ khí. Phía Tổng thống Donald Trump nói rằng ông đã sa thải người đứng đầu cơ quan giám sát vì mất niềm tin vào ông [Linick], đồng thời ông Pompeo cũng cáo buộc tổng thanh tra phá hoại công việc của Bộ Ngoại giao. Việc sa thải ông Linick đã gây ra một sự phản đối kịch liệt, chủ yếu là từ phía các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ.
Hạ nghị sĩ Eliot Engel (Dân chủ-New York), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sa thải tổng thanh tra với động cơ chính trị và việc tổng thống đang can thiệp vào những vị trí quan trọng này,” và nói thêm rằng: “Việc sa thải ông Linick diễn ra giữa bối cảnh cuộc điều tra như vậy cho thấy đây là một hành động trả đũa bất chính”.
Trong lời khai ở Capitol Hill hồi đầu tháng 6, ông Linick bác bỏ những lời biện minh về việc sa thải ông, nhưng không suy đoán về lý do vì sao ông bị sa thải. Ông nói: “Tôi có thể nói với quý vị rằng, tôi không tin có bất cứ lý do chính đáng nào có thể biện minh cho việc sa thải tôi”.
Tác giả: Tom Ozimek