Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng bị phơi bày vì việc làm không trung thực kiểu ‘Bộ Sự thật’
Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa là một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ “làm việc với các đối tác để chống lại các mối đe dọa ngày nay và hợp tác để xây dựng một cơ sở hạ tầng an toàn và linh hoạt hơn cho tương lai.”
Tuy nhiên, thay vào đó, gần đây cơ quan này lại hoạt động trong lĩnh vực kiểm duyệt thông tin trên các nền tảng truyền thông xã hội tư nhân, tại các trường đại học, và nhiều nơi khác. Điều này rất giống với các nỗ lực về thông tin sai lệch khác tại DHS, Tòa Bạch Ốc, và các cơ quan khác của chính phủ Tổng thống Biden mà gần đây đã bị đưa ra ánh sáng.
Chữ “I” trong Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh Mạng là viết tắt của “cơ sở hạ tầng,” chứ không phải là “thông tin.” Cơ quan này không được quyền cảnh báo và gỡ xuống những gì họ cho là “thông tin sai lệch.” Họ chỉ được phép dành thời gian và nguồn lực của mình để bảo vệ cơ sở hạ tầng trong 16 lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Nếu sự lơ là nhiệm vụ có mục đích chính trị và kiểm soát diễn ngôn này nghe có vẻ quen thuộc, thì có thể là do tất cả sự chú ý trong năm vừa qua đều xoay quanh Ban Quản trị Thông tin sai lệch hiện đã bị giải tán của Bộ An ninh Nội địa.
Như nhiều người đã lưu ý, chắc chắn chúng ta chưa thấy được nỗ lực chống-“thông tin sai lệch” cuối cùng của các cơ quan liên bang, và cụ thể là Bộ An ninh Nội địa. Nhưng có lẽ còn quan trọng hơn, ban quản trị này không phải là ví dụ đầu tiên trong những nỗ lực kiểu “Bộ Sự thật” này.
Không có gì ngạc nhiên khi Bộ An ninh Nội địa đã định nghĩa lại, thao túng, và kiểm soát “thông tin gây hiểu nhầm,” “thông tin sai lệch,” “các mối đe dọa đối với nền dân chủ,” v.v. trong nhiều năm.
Vậy, cụ thể điều này đã xảy ra như thế nào tại Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng?
Kể từ khi bổ sung các cuộc bầu cử vào danh sách cơ sở hạ tầng quan trọng, diễn ra vào cuối nhiệm kỳ chính phủ Obama-Biden, trong một loạt bài báo và video hấp dẫn, Tổ chức vì Tự do Trực tuyến đã phơi bày chính xác cách việc này đã xảy ra:
“Ở một cấp độ, điều đó đã xảy ra thông qua việc che giấu sự thật một cách khéo léo: Hồi năm 2017, từ ‘an ninh mạng’ đã được định nghĩa lại hoàn toàn để có nghĩa là ‘bảo vệ nền dân chủ trên mạng’; vào năm 2018, ‘thông tin sai lệch’ được định nghĩa là ‘mối đe dọa đối với nền dân chủ’; và do đó, vào năm 2019, DHS có thể trích dẫn ‘an ninh mạng’ như bao gồm ‘việc phòng thủ trên mạng chống lại thông tin kỹ thuật số sai lệch,’ yêu cầu các kỹ thuật khác nhau của việc kiểm duyệt kỹ thuật số để ngăn chặn thông tin kỹ thuật số sai lệch …
“Câu trả lời ngắn gọn là vào cuối năm 2019, DHS đã loại bỏ cái mà chúng ta có thể gọi là ‘sự chuyển đổi ‘thông tin sai lệch’ từ ngoại quốc sang quốc nội.’”
Các chiến dịch thông tin sai lệch trong Bộ An ninh Nội địa đã được che giấu trong nhiều năm đằng sau những cái tên khác, khi họ thuê các nhà thầu và các tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ truyền thông xã hội kiểu cơ quan giám sát, và còn thiếu một tổ chức chính thức, duy nhất chịu trách nhiệm giám sát các nỗ lực toàn diện để loại bỏ thông tin hoặc các ý kiến trái ngược với tình hình hiện tại.
Đúng hơn, bộ này đã hoạt động như một “điều phối viên” của các tổ chức. Trong lịch sử, các cơ quan chính phủ hầu như đã xoay sở để thực hiện thành công việc này và vẫn không bị chỉ trích trong khi những người khác làm công việc không trung thực của họ.
Cho đến năm nay dù Bộ An ninh Nội địa mắc sai lầm trong việc thành lập Ban Quản trị Thông tin sai lệch chính thức, nhưng các nỗ lực chính trị hóa của cơ quan này hầu như đã không được kiểm soát.
Và dưới sự lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm, những nỗ lực của cơ quan này đã tăng lên theo cấp số nhân.
Giờ đây, nhiều người trong chúng ta đã biết được bề rộng và chiều sâu của những nỗ lực của chính phủ chúng ta trong việc kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận và trấn áp sự thật, vì vậy đừng từ bỏ các yêu cầu của chúng ta về quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm giải trình.
Có những chức năng quan trọng mà Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng phải thực hiện. Họ chịu nhiều trách nhiệm trong việc bảo vệ các điểm yếu của quốc gia chúng ta trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng trước các khả năng bị tàn phá, chẳng hạn như các cuộc tấn công xung điện từ.
Chúng ta phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng và mã độc tống tiền nguy hiểm từ những nước như Nga, Trung Quốc, và Iran. Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng có quá nhiều nhiệm vụ nghiêm túc vì thế đừng lãng phí thời gian vào những công việc tưởng tượng nhằm thúc đẩy một quan điểm và trừng phạt các đối thủ chính trị.
Cơ quan này đang từ bỏ việc giải quyết những mối đe dọa rất thực tế đó để theo đuổi quyền lực chính trị.
Người dân Hoa Kỳ, thông qua các đại diện được bầu cử của chúng ta, có mọi quyền hủy bỏ ngân sách — và yêu cầu chấm dứt — hành vi lạm quyền của chính phủ.
Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan trực thuộc cơ quan này tiếp tục chuyển nguồn lực của họ cho “các mối đe dọa tưởng tượng trong nước.” Quốc hội nên hủy bỏ ngân sách cho những nỗ lực chính trị đó cho đến khi Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng quay trở lại — và chứng minh — cam kết của mình trong việc phục vụ người dân Hoa Kỳ như đã định.
Bộ An ninh Nội địa được thành lập để ứng phó với các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Sau khi đánh dấu kỷ niệm 21 năm các cuộc tấn công đó hôm Chủ Nhật (11/09), chính phủ ông Biden cần phải ngừng sử dụng DHS để thúc đẩy chương trình nghị sự cánh tả của mình thông qua nội dung bị kiểm soát trong khi hạt nhân, không gian mạng, nước, năng lượng, và các lĩnh vực khác của chúng ta trở nên dễ bị đột nhập và tấn công hơn. Thay vào đó, họ phải khôi phục lại mục đích ban đầu của bộ này — đó là bảo vệ quê hương.
Được tái bản với sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của The Heritage Foundation.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times