Có phải Trung Quốc đang cố gắng gian lận để đạt được vinh quang tại Olympic?
Đội tuyển khúc côn cầu nam của Hoa Kỳ sẽ đối đầu với Trung Quốc vào ngày 10/02/2022. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, họ sẽ đối đầu với một đội tên là Trung Quốc nhưng chủ yếu gồm những người phương Tây.
Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Sao lại như thế?
Chẳng phải Trung Quốc được coi là có một số chính sách nhập cư cứng rắn nhất hành tinh này sao? Có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, Trung Quốc – cụ thể hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đang cố gắng gian lận để đạt được vinh quang tại Olympic.
Như ký giả Justin Olsvik đã lưu ý gần đây, 27/01 là ngày chốt danh sách cuối cùng của đội tuyển khúc côn cầu nam Trung Quốc. Tuy nhiên, trong số 24 tuyển thủ được xác nhận sẽ đại diện cho quốc gia này, chỉ có chín người là người Trung Quốc. 15 người còn lại là người Canada, người Mỹ, và người Nga. Cụ thể, có 11 người Canada, ba người Mỹ, và một người Nga. Để mà nói rằng “đội tuyển quốc gia Trung Quốc dựa vào các vận động viên ngoại quốc để duy trì tính cạnh tranh dù chỉ ở mức nhỏ nhất,” như Olsvik đã nhận xét, là một lời đánh giá thấp quá mức.
Công bằng mà nói với Olsvik, anh đã tiếp nối lời đánh giá thấp quá mức này bằng cách thảo luận về một vài số liệu thống kê khá thú vị. Trong thế giới khúc côn cầu, như một số độc giả chắc chắn biết, “điểm số” được trao cho các cầu thủ cho mỗi bàn thắng ghi được hoặc mỗi lần hỗ trợ ghi bàn. Hầu hết độc giả đều quen thuộc với NHL, hoặc Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia. Tuy nhiên, cũng tồn tại một thứ gọi là KHL, hoặc Kontinental Hockey League. Giải đấu khúc côn cầu chuyên nghiệp mang tính chất quốc tế này được thành lập vào năm 2008. Các câu lạc bộ đến từ Belarus, Phần Lan, Latvia, Kazakhstan, Nga, và tất nhiên là cả Trung Quốc đều đến tranh tài tại giải đấu này.
Năm 2019, ký giả thể thao Jon Sorensen lưu ý rằng các quan chức KHL đã lên kế hoạch giới thiệu “bóng khúc côn cầu, và chip thông minh” mà sẽ được “gắn trong mỗi chiếc áo thi đấu của các cầu thủ.”
Tại sao?
Ký giả Sorensen viết rằng, “các cảm biến và hệ thống viễn thông mới” này được giới thiệu để “cung cấp dữ liệu và các phân tích nâng cao về mỗi cầu thủ và mỗi đội bóng, đồng thời cung cấp dữ liệu và thông tin trong thời gian thực cho các quan chức, người hâm mộ, huấn luyện viên, và đài truyền hình.”
Chẳng lạ gì khi người Trung Quốc rất chú ý đến các số liệu thống kê. Và vì lý do chính đáng.
Như Olsvik đã đề cập ở trên, mùa giải trước, “24 thành viên của đội Olympic Trung Quốc đã tích lũy được tổng cộng 198 điểm.” Trong số điểm đó, “99.5% là do người ngoại quốc giành được,” chỉ có một người chơi Trung Quốc là anh Rudi Ying đã giành được một điểm duy nhất. Ba cầu thủ hàng đầu — Spencer Foo, Tyler Wong, và Brandon Yip, tất cả đều là người gốc Canada — chiếm “44% số điểm của cả đội”.
Sau đó, Olsvik tự hỏi liệu việc chiêu mộ “vận động viên từ các quốc gia khác” về bản chất có phải là một hành vi trái đạo đức hay không. Chà, phải vậy không? Điều đó sẽ do độc giả quyết định.
Giờ thì tất nhiên là chẳng có gì sai khi trở thành một công dân nhập tịch của một quốc gia khác. Tuy nhiên, khi gần 2/3 đội khúc côn cầu (và bóng đá) của một quốc gia gồm các vận động viên nhập tịch, thì cần phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc. Chắc chắn, Trung Quốc đang không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp — nhưng việc sử dụng tài năng ngoại quốc để giúp nâng cao hình ảnh của nhà cầm quyền nước này dường như có phần phi đạo đức. Người ta có thể (và có lẽ là nên) nói rằng Trung Quốc đang cố gắng gian lận theo cách của họ để đạt được thành công ở Olympic.
Chúng ta có nên ngạc nhiên chăng? Không nhất thiết phải vậy. Chúng ta đã biết đôi lúc không có thứ gọi là công bằng, như trong tình yêu và chiến tranh. Và đối với ĐCSTQ, việc tích lũy các huy chương — cụ thể hơn là việc tích lũy các huy chương vàng — rất giống với chiến tranh, kể cả khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có nói khác đi. Bất cứ điều gì cần làm sẽ phải được làm, kể cả khi điều cần làm bao gồm việc chiêu mộ sự phụng sự của người ngoại quốc và giới thiệu họ là vận động viên “Trung Quốc”.
Điều đó đúng với đội khúc côn cầu nam và cũng đúng với đội nữ.
Tháng 03/2018, trong một cuộc phỏng vấn với SupChina, bà Shirley Hon, khi đó là một giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của Côn Luân Hồng Tinh (Kunlun Red Star Group), một đội khúc côn cầu hàng đầu của Trung Quốc, đã được hỏi về Thế vận hội Mùa Đông 2022. Cụ thể hơn, bà được hỏi những yêu cầu tối thiểu đối với cả hai đội khúc côn cầu nam và nữ là gì.
Bà Hon, một người phụ nữ rất hiểu biết, đã trả lời như sau: “Mục tiêu của đội nam là lọt vào vòng tứ kết.” Đối với đội nữ, không có gì khác hơn một tấm huy chương vàng sẽ làm hài lòng giới tinh hoa ở Bắc Kinh.
Theo SB Nation, nhằm cố gắng đạt được huy chương vàng, bà Digit Murphy — một người Mỹ và là huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia nữ tại thời điểm đó — đã được cấp không ít tài nguyên: “hai đội chuyên nghiệp hoàn toàn mới, một đội hình cầu thủ và huấn luyện viên đến từ phương Tây, và một nhà thi đấu mới ở Thâm Quyến.”
Đội hình này đã được tạo ra để thu hút nhân tài từ ngoại quốc. Một trong những tân binh của bà Murphy là một người phụ nữ tên là Kelli Stack, “một sự cắt giảm bất ngờ từ đội tuyển Olympic Hoa Kỳ”.
Tờ SB Nation cho biết bà Murphy hoàn toàn chấp nhận lời kêu gọi của Bắc Kinh để làm bất cứ điều gì cần thiết cho việc bảo đảm đạt được huy chương vàng vào năm 2022. Ý tưởng của bà là hiện thực hóa các kế hoạch của Bắc Kinh, sau đó đưa các kế hoạch này tiến thêm một “bước nữa”. Bà Murphy đã miệt mài làm việc để chiêu mộ những người bà gọi là “các đại sứ”. Đây là “những cầu thủ hàng đầu của phương Tây được nhập cảng đến Trung Quốc không chỉ để chơi khúc côn cầu, mà còn để chia sẻ và quảng bá trò chơi này trên khắp các giai tầng văn hóa.”
Ngày nay, với sự trợ giúp của bà Murphy và những người phương Tây khác, đội tuyển khúc côn cầu nữ của Trung Quốc đang săn lùng huy chương vàng. Liệu họ có thành công? Nếu bảng xếp hạng thế giới hiện tại là bất cứ điều gì phản ánh thực tế, thì có lẽ là không. Tuy nhiên, sự sẵn lòng của rất nhiều người ngoại quốc để hỗ trợ cho một quốc gia chịu trách nhiệm về những tội ác không thể diễn tả bằng lời chống lại nhân loại nên khiến tất cả chúng ta cảm thấy thất vọng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Ánh Dương và Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: