Cô June thân mến: Các anh làm cháu giận rồi!
Cô June thân mến,
Cháu 10 tuổi rồi, cháu có ba anh trai thỉnh thoảng làm cháu RẤT GIẬN! Các anh chọc cháu và cháu thực sự nổi giận. Cháu và các anh không đánh nhau, bọn cháu chủ yếu chỉ cãi nhau, nhưng cháu luôn cảm thấy không yên sau khi đã bớt giận (cháu khá là nóng tính). Cháu muốn biết liệu cô có lời khuyên nào để cháu không phản ứng thô lỗ như thế nữa khi các anh của cháu không đối xử dễ thương với cháu hay không. Cháu không cố gắng nói xấu các anh bằng cách viết lá thư này đâu. Phần lớn thời gian các anh đều rất dễ mến.
Chân thành gửi đến cô,
Bé E.
=========
Bé E. thân mến,
Lời đầu thư, cô nghĩ rằng thật tuyệt vời khi cháu đang ở tuổi lên 10 mà có thể tự chịu trách nhiệm về những hành xử của mình.
Có chứ, chắc chắn cháu có thể thay đổi thái độ của mình rồi! Và cô mạnh dạn đoán rằng một khi cháu làm vậy, các anh của cháu sẽ ngừng trêu chọc cháu, bởi vì các anh cháu có thể làm vậy vì phản ứng của cháu thôi. Cô không thể nói chính xác vì sao mà các anh trai cháu lại cư xử như vậy, nhưng đa số con trai thường hay cư xử như vậy, cứ như là bản chất của đàn ông vậy.
Từ khi cô còn bé, cô đã thấy rất nhiều lần các bạn nam trêu chọc các bạn nữ, đùa rất hăng đấy, và hiện giờ thì đôi khi cô thấy giữa con trai và con gái của cô cũng có sự chọc ghẹo như thế, tuy bình thường hai đứa rất hòa thuận với nhau. Con trai cô (là anh) [nhìn em mình] lém lỉnh và nói điều gì đó mà cậu biết chắc rằng sẽ làm em gái khó chịu.
Bây giờ, cô biết rằng mất bình tĩnh thì sẽ không tốt một chút nào, vì cô cũng đã từng trải qua điều đó rồi! Tuy nhiên, cháu sẽ trở nên tự tin và tự chủ hơn khi cháu học được cách kiểm soát phản ứng của mình. Và cô tin rằng chúng ta có thể học cách xử lý mọi tình huống khó khăn với sự bình tĩnh, kính trọng và lòng bao dung dành cho người khác.
Đầu tiên, điều quan trọng là không so sánh những thử thách của mình với thử thách của người khác, vì tất cả chúng ta đều rất khác nhau theo những cách có thể không dễ nhận ra.
Ví dụ như chúng ta đều được sinh ra với những tính khí tính cách khác nhau, và từ đó chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Vì vậy, nếu điểm yếu của cháu là nóng tính, cháu cũng có thể có điểm mạnh [khác] để bù đắp điểm yếu đấy.
Có lẽ tổng quan thì cháu là một bé gái ấm áp, chỉ đôi khi nổi giận thôi nhưng chủ yếu, cháu vẫn là người biết yêu thương và quan tâm người khác. Cháu có thể có một người chị hoặc một người bạn không dễ nổi nóng, nhưng cô bé ấy có thể là người hay phê phán và luôn phải đấu tranh với chính mình để có thể yêu thương và quan tâm người khác.
Vấn đề ở đây là, nếu cháu có thêm động lực từ điểm mạnh của người khác thì rất tuyệt vời, nhưng nếu cháu so sánh bản thân theo cái cách có thể khiến cháu cảm thấy chán nản thì sẽ không tốt đâu, vì khi đó cháu sẽ không nhìn thấy điểm mạnh thật sự của mình.
Sự thật là tất cả chúng ta đều đang mang trên mình gánh nặng nào đấy; chỉ là đối với một số người, những gánh nặng này thường không dễ nhận ra hơn. Vài năm trước, cô có đọc một cuốn sách của một nhà trị liệu, khách hàng của nhà trị liệu này là những người nổi tiếng, và cả những người giàu có, và quyền lực; điều đọng lại [từ quyển sách] là ở chỗ: ngay cả những người đứng trên đỉnh của danh vọng và thành công cũng có những gánh nặng của riêng mình, chỉ là những khó khăn của họ thì không dễ nhận ra.
Cô thấy rằng nếu cháu nhìn nhận những điểm yếu của mình là cơ hội tuyệt vời để phát triển những điểm mạnh mới thì sẽ có ích hơn. Cũng như thế, nếu chúng ta sở hữu một đôi chân khỏe nhưng đôi tay yếu, chúng ta vẫn có thể [cải thiện] bằng cách chống đẩy và [thực hiện] các bài tập khác để phát triển cơ bắp ở phần trên cơ thể. Vì thế, chúng ta cũng có thể có cách tiếp cận tương tự, và có trọng tâm, đối với bất kỳ phần tính cách nào của mình và từ đó chúng ta sẽ phát triển điểm mạnh của mình hơn nữa.
Hẳn là có nhiều cách để kiểm soát cơn giận dữ, [nhưng cô muốn đề cập] dưới đây một số cách mà cô thấy sẽ giúp ích được cho cháu:
- Thôi tức giận trước khi chúng trở nên mạnh hơn. Hãy quan sát và để ý khi nào cơn tức giận bắt đầu tích tụ bên trong cháu, thì lúc đấy, cháu không nên tiếp tục tiếp xúc với người làm cháu giận nữa. Đơn giản là cháu có thể nói với anh trai rằng cháu đang bắt đầu thấy khó chịu và cháu không muốn tiếp tục nói chuyện nữa và cháu cần bình tĩnh lại. Nếu cháu vẫn cần phải nói chuyện với anh, cháu có thể tiếp tục sau khi đã lấy lại được sự bình tĩnh.
- Chuẩn bị lời nói. Hãy nghĩ trước một số câu nói cụ thể để nói với anh khi cần dừng cuộc tranh cãi. Những câu nói này cần chân thành và tự nhiên đối với cháu (nếu cháu có thể tập nói trong đầu hay nói ra thành tiếng cho đến khi cảm thấy phù hợp với bản thân thì sẽ tốt hơn). Cháu nên dùng những cụm từ đơn giản, lịch sự và tích cực nhất có thể. Ví dụ, thay vì nói “Anh đừng nói nữa! Anh đang làm em nổi cáu lên đây! Em sẽ không nói chuyện với anh nữa đâu!”, hãy thử nói một câu gì đó, đại loại như, “Anh [tên của anh cháu], xin phép anh đừng nói nữa. Em cảm thấy khó chịu rồi. Bây giờ em muốn bình tĩnh lại”. Sau đó, cháu có thể đi về phòng mình hoặc ra ngoài hoặc đi đến một nơi nào đó mà cháu có thể bình tĩnh trở lại. Nói chuyện với cha mẹ cũng có thể giúp ích cho cháu.
- Hình dung về sự thành công. Hãy tưởng tượng khi cháu đã vượt qua những tình huống này một cách bình tĩnh và dễ dàng. Các vận động viên chuyên nghiệp và những người thành công trong các lĩnh vực khác nhau luôn dành thời gian để hình dung các việc họ cần thực hiện để đạt được kết quả mong muốn, bởi vì nếu cháu có một phương án rõ ràng trong đầu, cháu sẽ dễ dàng thực hiện nó trên thực tế hơn.
- Tha thứ. Khi cháu mất bình tĩnh, điều quan trọng là cháu có thể tha thứ cho chính mình và cho người khác. Tất cả chúng ta đều phạm phải sai sót, và tha thứ chính là cách để chúng ta học hỏi [thông qua những sai sót ấy]. Một cách cô thấy hữu ích là lặp lại câu “[Tên], tôi tha thứ cho bạn,” cho đến khi cô cảm thấy bình tĩnh và bao dung trở lại.
Điều cuối cùng cô đề xuất với cháu là hãy rèn luyện để kính trọng các anh trai hơn một chút. Có một cuốn sách kinh điển của Trung Quốc tên là “Đệ tử quy”, đây là quyển sách giáo dục trẻ em cách hành xử với các thành viên trong gia đình. Đối với anh chị em trong nhà, quyển sách khuyên rằng, “Huynh đạo hữu, đệ đạo cung. Huynh đệ mục, hiếu tại trung”, tức là “Anh thương em, em kính trọng anh; Anh em hòa thuận là thực hành đạo hiếu [với cha mẹ]”.
Cô nghĩ rằng câu nói này rất sâu sắc. Khi các anh cháu cảm thấy mình được kính trọng, những phẩm chất tốt đẹp của các anh sẽ bộc lộ ra thôi.
Thương mến gửi đến cháu,
Cô June
=========
Nếu bạn có câu hỏi về gia đình hoặc mối quan hệ cho chuyên mục tư vấn của chúng tôi, June thân mến, hãy gửi câu hỏi của bạn đến [email protected] hoặc Người nhận: Dear June, The Epoch Times, 5 Penn Plaza, August Fl. New York, NY, 10001
June Kellum là một bà mẹ ba con đã kết hôn và là nhà báo lâu năm của Epoch Times, chuyên viết về các chủ đề gia đình, các mối quan hệ và sức khỏe.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: