Chuyên gia: Việc mở rộng sản xuất Lithium của TT Biden có hại cho môi trường như nhiên liệu hóa thạch
Việc gia tăng sản xuất lithium trong nước đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch năng lượng xanh của Tổng thống (TT) Joe Biden, vì năm 2021 đánh dấu đợt khai triển pin năng lượng mặt trời, gió, và điện lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác lithium đã âm thầm tiết lộ bản thân việc này là một yếu tố góp phần đáng kể vào ô nhiễm môi trường trong xu hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch đang rầm rộ.
Hôm 02/05, chính phủ TT Biden đã công bố khoản đầu tư hơn 3 tỷ USD để sản xuất thêm pin lithium và các thành phần của chúng. Đó là một phần quan trọng trong mục tiêu của tổng thống để có ít nhất một nửa doanh số bán xe tại Hoa Kỳ là xe điện vào năm 2030.
Hiện nay, có hai cách chính để có được nguyên tố đang được săn lùng này: Khai thác quặng đá cứng và khai thác từ hồ chứa nước muối.
Mặc dù phần lớn lượng carbon thải ra từ khai thác phụ thuộc vào loại đá mà lithium được khai thác, nhưng kỹ thuật này vẫn tạo ra ít nhất 15 tấn CO2 cho mỗi tấn lithium thu hoạch được.
Nói chung, khai thác mỏ là một ngành kinh doanh nhiều chất thải. Việc khai thác khoáng sản như lithium và than — một loại nhiên liệu hóa thạch — đều thuộc lĩnh vực này. Cùng nhau, ngành công nghiệp khai thác mỏ tạo ra từ 1.9 đến 5.1 gigaton khí thải carbon hàng năm.
Cách tiếp cận khác để có được lithium là chiết xuất kim loại này khỏi các hồ chứa nước muối ở những khu vực có bãi muối. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi trung bình 500,000 gallon nước để thu được một tấn lithium. Mặc dù đây là một quá trình ít sử dụng carbon hơn, nhưng việc chiết xuất bằng nước muối vẫn tạo ra hàng chục ngàn gallon nước thải có độc tính cao cần được lưu trữ hoặc xử lý thích hợp.
Và đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về hậu trường sản xuất năng lượng xanh.
Các nguyên tố như cobalt và nickel cũng rất quan trọng đối với các công nghệ tái tạo như pin xe hơi điện, vốn là một loại yếu tố gây ô nhiễm nặng khác.
Cùng một mức độ ô nhiễm, tiếp thị tốt hơn
Khai thác đá cứng lộ thiên là phương pháp được lên kế hoạch sử dụng tại Thacker Pass, nơi có trữ lượng lithium lớn nhất ở Hoa Kỳ.
Pin năng lượng gió, mặt trời, và pin xe hơi điện phụ thuộc vào kim loại nhẹ nhất thế giới để hoạt động.
Trong khi đó, một số chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực tế không quá xanh của năng lượng tái tạo.
Giám đốc điều hành của Greenly, ông Matthieu Vegreville nói với The Epoch Times: “Trong khi pin lithium-ion có trọng lượng nhẹ và thuận tiện cho các thiết bị điện tử hiện đại ngày nay, chúng không chỉ thải ra một lượng lớn khí carbon dioxide để sản xuất mà còn sử dụng nguồn dự trữ nước quý giá.”
Ông Vegreville giải thích lượng khí thải carbon của việc khai thác lithium, so với các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch khác như than và dầu, thường tạo ra nhiều khí thải carbon hơn. Đó là bởi vì các sản phẩm lithium như pin đòi hỏi một quá trình sử dụng nhiều nguyên liệu hơn.
Ông nói thêm: “Và khi nhu cầu về vật liệu pin tăng lên, thì nó không làm cho quá trình này trở nên dễ dàng hơn.”
Chủ tịch Hiệp hội Khai thác mỏ Quốc gia, ông Rich Nolan, đã lưu ý trong một thông cáo báo chí rằng việc TT Biden thúc đẩy sản xuất lithium trong nước sẽ khiến Mỹ độc lập hơn về năng lượng trong khi tiếp tục chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Ông Nolan nói thêm rằng Hoa Kỳ cần phải phát triển trên động lực xanh này và phê chuẩn các mỏ đá cứng mới hoặc đối mặt với việc tiếp tục phụ thuộc vào địa chính trị khoáng sản “hoàn toàn bị chi phối bởi Trung Quốc.”
Trong một thông cáo báo chí ngày 02/05, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết khoản đầu tư lịch sử của TT Biden vào sản xuất và tái chế pin điện sẽ mang lại cho Hoa Kỳ “cú xóc cần thiết để trở nên an toàn hơn và ít phụ thuộc hơn vào các quốc gia khác.”
Mặc dù một số chuyên gia môi trường tin vào kết quả này khi nói đến việc khai thác lithium, nhưng kết quả không biện minh cho phương thức thực hiện.
Ông John Hadder, giám đốc của Great Basin Resource Watch, nói với The Epoch Times: “Quan điểm của chúng tôi là: khai thác rất hủy hoại môi trường và cộng đồng. Việc này cần được tiếp cận một cách thận trọng.”
Ông Hadder đã đấu tranh để Nevada giải quyết các quy định giám sát và phản ứng môi trường từ dự án Thacker Pass gây tranh cãi ở tiểu bang đó. Ông cũng cho rằng nếu các chính trị gia thực sự quan tâm đến việc giảm khí thải nhà kính một cách nhanh chóng, thì có nhiều cách rẻ hơn, nhanh hơn, và dễ dàng hơn để làm.
“Nếu quý vị muốn giảm khí nhà kính một cách nhanh chóng, chúng ta có thể làm điều đó bằng cách thay đổi việc sử dụng năng lượng và phương tiện giao thông công cộng hiện tại,” ông nói trước khi thêm rằng, “Chúng ta đã biết là biện pháp này là khả thi rồi. Chúng ta đã làm điều đó trong thời COVID.”
Dự án Thacker Pass đã vấp phải sự phản đối đáng kể từ các nhà bảo vệ môi trường.
Hồi tháng Ba, tổ chức của ông Hadder đã đệ đơn kháng cáo lên Ủy ban Môi trường tiểu bang Nevada, thách thức giấy phép kiểm soát ô nhiễm nước của tiểu bang. Đơn kháng cáo này đã bị bác bỏ hôm 28/06 sau khi Ủy ban Môi trường tiểu bang xác nhận giấy phép còn tranh chấp.
Mặc dù vì những lo ngại về ô nhiễm nước ngầm, chính phủ Nevada chỉ chấp thuận việc khoan trên mực nước ngầm cho Thacker Pass.
Ông Hadder nói thêm rằng quá trình khai thác quặng lithium sẽ sử dụng quy trình gọi là quy trình rửa trôi (acid-leech), quy trình này yêu cầu sử dụng acid sulfuric (H₂SO₄).
Trớ trêu thay, phần lớn lượng lưu huỳnh cần thiết cho việc này sẽ được mua từ ngành công nghiệp dầu khí vì đây là cách rẻ nhất để có được hóa chất này.
Kết hợp với vấn đề này là sự thiếu vắng phân tích rò rỉ cho dự án, mà ông Hadder tin rằng đang tạo ra một thùng thuốc nổ môi trường.
Ông nói, “Nước thải sẽ loang ra đến bao giờ và việc quản lý sẽ ra sao sau này? Vấn đề này chưa được giải quyết ổn thỏa.”
Ông Vegreville nói thêm rằng vấn đề với việc khai thác lithium tương tự như vấn đề với nhựa, “Một khi lithhium được tạo ra, nó không thể bị phá hủy.”
Hồi tháng 11/2021, trong hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận xét: “Chúng ta đang đào mồ chôn chính mình” với hoạt động khai thác, khoan, và đốt.
Mặc dù vậy, dữ liệu và tác động của việc sản xuất lithium đã bị bỏ qua để đổi lấy việc thay thế bằng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng tương tự với nhãn hiệu khác — “năng lượng xanh.”
Vấn đề về pin
Ở đầu bên kia của cuộc tranh luận về lithium là pin điện đã qua sử dụng. Pin lithium được thải bỏ không đúng cách có thể rất không ổn định, gây ra các vụ cháy bãi rác có thể kéo dài trong nhiều năm. Kết quả là các hóa chất độc hại thải vào không khí cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí và lượng khí thải carbon.
Ông Vegreville giải thích rằng pin có thể được tái chế, nhưng các khối lithium-ion đặc biệt nguy hiểm do nguy cơ hỏa hoạn.
Ông nói: “Một trong những cách thân thiện với môi trường nhất để thải bỏ pin lithium-ion là tháo dỡ nó.”
Mặc dù nhu cầu về pin lithium sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 116 tỷ USD vào năm 2030, nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng việc sản xuất có thể vượt quá khả năng xử lý rác thải đúng cách của ngành.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thừa nhận cần có các cơ sở tái chế và lưu trữ chất thải nguy hại đặc biệt để đối phó với dòng chảy pin điện. Một pin tiêu chuẩn của xe hơi điện trung bình nặng hơn 1,000 pound (453.6 kg).
Nói cách khác, ngành tái chế sẽ cần phải là một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD được quản lý chặt chẽ theo đúng nghĩa của nó để giảm thiểu ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ.
Hơn nữa, ông Hadder cho biết nhu cầu chính trị hiện tại đối với lithium có thể dẫn đến việc thúc đẩy các dự án độc hại hơn, không bền vững về lâu về dài. Và trong khi ông ủng hộ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nói chung, thì tâm lý đổ xô tìm vàng hiện tại đối với lithium là bất cứ điều gì ngoại trừ sự xanh.
Ông Hadder nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự lặp lại của các mô hình và cách làm của quá khứ.”
Cô Autumn là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.