Chuyên gia về Trung Quốc: Trung Cộng tổ chức kỷ niệm Trăm năm trong thấp thỏm
Vào thứ 6 (ngày 25/6), tờ Wall Street Journal đã đăng tải bài viết chuyên đề của giáo sư Đại học Columbia, chuyên gia về Trung Quốc, ông Andrew Nathan. Bài viết nói rằng, trải qua trăm năm tồn tại, Trung Cộng hiện đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng về tính hợp pháp, luôn thấp thỏm về ngày tan rã.
Ông nói, Trung Cộng đang kỷ niệm 100 năm thành lập trong thấp thỏm lo âu, Trung Cộng đang phải đối mặt với khủng hoảng về tính hợp pháp. Trung Cộng “với tư cách là Đảng cầm quyền, nhưng lợi ích của nó lại mâu thuẫn rất rõ ràng với mục tiêu dài hạn mà nó đã đặt ra cho Trung Quốc.”
Ông Nathan nói rằng, Trung Cộng tuyên bố đến năm 2049 sẽ xây dựng Trung Quốc thành một nước “xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh, dân chủ, văn minh và hài hoà.” Tuy nhiên, liệu nó có lường trước được rằng, khi người dân sống trong xã hội ngày càng phát triển, họ sẽ không thể chấp nhận chế độ cai trị “ngu dân” hiện tại của Trung Cộng, chứ đừng nói đến việc Trung Cộng càng ngày càng trở nên độc tài, chuyên chế.
Ông Nathan đã đưa ra nhiều dẫn chứng về lịch sử cầm quyền và giết người vô số của Trung Cộng kể từ khi nó thành lập. Ngoài ra, ông còn nói cách nó “luồn lách” che giấu tội ác và tồn tại đến tận ngày hôm nay.
Trung Cộng ra đời vào năm 1921, khi đó Trung Quốc gặp phải nạn lũ lụt, nạn đói, chủ nghĩa quân phiệt xâm lược, đất nước mục nát, rối ren. Trung Cộng lúc đó là lực lượng chính trị yếu kém và không có hy vọng nhất.
Năm 1927, Trung Cộng kích động cuộc nổi dậy của công nhân ở Thượng Hải. Tuy nhiên cuộc nổi dậy đã nhanh chóng bị chính phủ Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo dẹp tan. Tưởng Giới Thạch còn bắt đầu cuộc thanh trừng những người cộng sản trên cả nước. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Mao Trạch Đông lúc đó là một lãnh đạo nhỏ bé của Đảng đã quyết định thử một sách lược không chính thống. Ông ta phát động một cuộc nổi loạn nông dân tại một vùng núi cách Thượng Hải 600 dặm về phía tây nam. Không lâu sau, quân đội của Tưởng Giới Thạch đã bao vây quân đội của Mao Trạch Đông và đánh đuổi họ ra khỏi khu căn cứ. Đảng Cộng sản bắt đầu “cuộc trường chinh” tháo chạy đến vùng cực tây bắc Diên An, lực lượng tổn thất nặng nề.
Sau khi Hồng quân đến Diên An, Trung Cộng tự tô vẽ mình là một lực lượng dân tộc yêu nước đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, thu hút nhiều trí thức ở Diên An đến Diên An, tiếp nhận đào tạo theo chủ nghĩa Mác – Mao Trạch Đông.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vì Quốc Dân Đảng đã đánh đuổi Nhật Bản nên lực lượng còn lại vô cùng mỏng manh. Lợi dụng điều đó, đội quân nông dân của Mao Trạch Đông dưới sự giúp đỡ của Liên Xô đã đánh đuổi quân đội của Tưởng Giới Thạch ra khỏi Trung Quốc.
Ông Nathan nói rằng, trong những ngày đầu thành lập nước Cộng hòa Nhân dân, mặc dù rất ít người tin theo hoặc thậm chí hiểu chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mao, nhưng vì ước mơ giải phóng suốt bao nhiêu năm sống trong xiềng xích đô hộ, hầu hết người Trung Quốc đều nhiệt tình đón nhận sự cai trị của Đảng Cộng sản. Để duy trì quyền lực chính trị, Trung Cộng đã xây dựng chủ nghĩa tôn sùng Mao Trạch Đông, đắp nặn Mao là nhà lãnh đạo tinh thần đã thúc đẩy Trung Quốc tiến tới một đất nước tự cường và thịnh vượng.
Hưởng không khí “thái bình” chưa được bao lâu, người dân Trung Quốc lại bị Mao Trạch Đông lôi vào hàng loạt các thảm hoạ. Chỉ sau một năm khi Trung Cộng cướp được chính quyền, Mao đã dẫn quân tham dự vào Chiến tranh Triều Tiên, khiến thương vong gần một triệu người.
Năm 1958, Mao phát động Đại nhảy vọt khiến 30-40 triệu người tử vong trong Nạn đói. Năm 1966, Mao khởi xướng Đại Cách mạng Văn hoá, khiến khoảng 100 triệu người mất việc làm, bị đàn áp, thậm chí là bị xử tử.
Năm 1976, ngay sau khi Mao qua đời, vợ Mao và 3 đồng minh chính trị bị bắt và bị đưa ra xét xử như một “bè lũ bốn tên” thay Mao Trạch Đông gánh tội vì đã khởi xướng Cách mạng Văn hoá.
Trong những năm Trung Cộng cai trị, mức sống ở Trung Quốc không còn tốt như những năm 1930 trước khi bị Nhật Bản xâm lược. Ước mơ xa vời nhất của những người dân bình thường là “3 thứ lớn” – đồng hồ, xe đạp và máy radio. Người dân bắt đầu nghi ngờ về vai trò của bộ máy chính quyền Trung Cộng.
Để cứu Đảng, nhà lãnh đạo kế nhiệm Đặng Tiểu Bình đã chuyển từ đấu tranh giai cấp sang hiện đại hoá. Năm 1978, ông khởi xướng chiến dịch “cải cách mở cửa”, trong 10 năm đầu, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 8,6%.
Tuy nhiên, Trung Cộng tiến hành tự do hoá kinh tế nhưng chưa bao giờ cho phép tự do hoá chính trị. Đặng Tiểu Bình kiên quyết duy trì “Bốn nguyên tắc cơ bản”, không cho phép bất cứ ai tỏ ra nghi ngờ chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Mao Trạch Đông, chế độ độc tài dân chủ nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Đến năm 1988, cuộc cải cách mở cửa khiến gia tăng lạm phát và tham nhũng. Đồng thời, kiến thức về nền chính trị phương Tây tiến nhập vào Trung Quốc, khiến người dân đã suy nghĩ lại về tương lai của Trung Quốc và tự đặt ra câu hỏi, liệu chế độ Đảng Cộng Sản có thực sự phù hợp với Trung Quốc hay không.
Năm 1989, Trung Cộng một lần nữa rơi vào nguy cơ diệt vong. Mùa xuân năm đó, hàng chục triệu người dân tại hơn 300 tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức các cuộc biểu tình dân chủ, hàng chục nghìn sinh viên biểu tình và tuyệt thực ở Quảng trường Thiên An Môn để kháng nghị và yêu cầu mau chóng thực hiện tự do dân chủ. Để “bịt miệng” và răn đe người dân, Trung Cộng đã gây ra thảm kịch đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn, tiến hành truy quét và bắt giam những người có “tư tưởng chống đối” trên toàn quốc. Cuộc thảm sát đã gây chấn động khắp Trung Quốc và nước ngoài. Số người biểu tình bị tàn sát đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Ông Nathan không đề cập đến những tội ác mà Trung Cộng gây ra từ năm 1989 đến năm 2012. Trong những năm đó, Giang Trạch Dân nhờ “công trạng” tắm máu tại Thiên An Môn 4/6 đã lên chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông ta nhấn mạnh toàn dân nên không ngừng làm giàu, chạy theo đồng tiền, hưởng thụ vật chất, khiến đạo đức xã hội ngày một băng hoại. Đặc biệt, việc Trung Cộng đàn áp các học viên Pháp Luân Công vào năm 1999, dốc toàn lực của bộ máy nhà nước để bức hại hơn 100 triệu người tu Phật này. Khi đó, Giang còn thi hành một loạt các chính sách bắt bớ, tra tấn, cưỡng bức lao động và đặc biệt là mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Tội ác này dần được đưa ra ánh sáng. Tội ác chưa từng có trong lịch sử này là một trong những nhân tố khiến Trung Cộng bị tiêu diệt.
Đến năm 2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, tại Đại hội Đảng, ông đã phát biểu: “Đảng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết gấp, nhất là tình trạng tham nhũng, hối lộ của một số cán bộ và đảng viên, xa rời quần chúng, bệnh quan liêu, chỉ chú ý đến hình thức. Những vấn đề này phải hạ quyết tâm rất lớn mới có thể giải quyết được.”
Tập Cận Bình tái thiết lập quyền thống trị của Đảng bằng cách kết hợp chiến lược cũ và chiến lược mới, tôn sùng chủ nghĩa dân tộc, ám chỉ nước ngoài lo sợ Trung Quốc hùng mạnh lên.
Ông khôi phục chiến lược cũ của Mao Trạch Đông, một lần nữa tập trung vào hình thái ý thức tôn sùng một cá nhân. Trong một lượng lớn các bài tuyên truyền của Trung Cộng, Tập Cận Bình được tô vẽ như một vị thánh toàn trí, nhân từ, khuôn mặt mỉm cười, là vĩ nhân đã dẫn dắt Trung Quốc trải qua giai đoạn lịch sử đầy thách thức.
Giới chính trị tổ chức những buổi học tập lý luận, các đảng viên phải ghi chép cẩn thận các bài phát biểu của ông Tập và học thuộc lòng các tác phẩm của ông Tập. Giới học thuật được yêu cầu phải tuân theo đường lối của đảng trong việc giảng dạy. Giới truyền thông tranh nhau nịnh hót tuyên truyền quảng bá hình thái ý thức mới của nhà cầm quyền.
Bất chấp sự phát triển không ngừng của Internet và truyền thông xã hội, cũng như việc hàng triệu người Trung Quốc đi du lịch và học tập ở nước ngoài hàng năm, nhưng chính quyền Trung Cộng vẫn kiểm soát “rất tốt” việc truyền bá thông tin ở trong nước. Dẫn chứng là, hầu hết thanh niên Trung Quốc không hề biết sự thật về thảm sát Thiên An Môn 4/6.
Ông Nathan giải thích rằng, những người Trung Quốc quan tâm đến chính trị đều nhận ra những nguy cơ và mối lo mất ăn mất ngủ của Trung Cộng. Hiện nay, khi Trung Cộng bắt đầu triển khai các phương pháp kiểm soát bằng các công nghệ tinh vi, như nhận dạng khuôn mặt, theo dõi mọi hành vi hàng ngày của công dân để xây dựng một “Hệ thống Tín dụng Xã hội”, chứng tỏ nỗi lo của nó càng ngày càng lớn.
Mặt khác, chính quyền Tập Cận Bình không từ thủ đoạn thanh trừng các luật sư nhân quyền, nhà nữ quyền, nhà hoạt động lao động, đoàn thể xã hội dân sự độc lập, những người nói lời phê bình trên Internet và mạng xã hội, những người theo Thiên Chúa Giáo, những nhà kinh doanh tư nhân như Jack Ma. Nó còn đề xuất học thuyết mới về “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, khiến hệ thống pháp luật hoàn toàn nghe theo sự không chế của Đảng.
Trong nội bộ Trung Cộng, các đảng viên cũng bị quản thúc với những yêu cầu kỷ luật càng ngày càng cao và phải hoàn toàn phục tùng mệnh lệnh của cơ quan trung ương. Nếu không, họ sẽ bị thanh trừng với tội danh tham nhũng.
Kết quả khảo sát mới nhất do chương trình khảo sát chính trị – Asian Barometer – so sánh thái độ của công chúng của 14 quốc gia cho thấy, người Trung Quốc, Việt Nam và Singapore có độ tín nhiệm cao nhất đối với cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên, điều thú vị là, cuộc khảo sát cho thấy những thanh niên thành thị có học thức ngày càng muốn có nhiều tự do hơn và một chính phủ gần gũi với dân hơn.
Cuộc khảo sát của Asian Barometer (được thực hiện ở Trung Quốc từ năm 2014 đến năm 2016) cho thấy, khi hỏi về thái độ đối với cách thức hoạt động của hệ thống chính trị, thì 21% là cư dân thành thị, những người học hết giáo dục phổ cập và có đủ thu nhập gia đình bày tỏ thái độ không hài lòng, gấp hơn hai lần so với câu hỏi về sự đồng thuận về các giá trị tự do và dân chủ như độc lập tư pháp và tam quyền phân lập.
Trung Cộng đã nhận thức được những xu hướng này. Nó tin rằng, một lượng lớn người dân Trung Quốc rất dễ bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng của “thế lực thù địch” phương Tây. Do đó, nó tiến hành đàn áp hệ tư tưởng phương Tây nghiêm khắc hơn và coi bất kỳ dấu hiệu bất đồng chính kiến nào đều là khởi đầu của sự tan rã chính trị. Đồng thời, nó cũng ngày càng lờ đi những cải cách kinh tế và xã hội mà Trung Quốc đáng nên thực hiện.
“Kể từ khi triều đại trước sụp đổ đến nay, hệ thống chính trị của Trung Quốc (Trung Cộng) đã tồn tại hơn một thế kỷ, và nó vẫn chưa kết thúc. Không thể đoán trước được chế độ sẽ thay đổi vào lúc nào và thay đổi ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn là, đàn áp không thể vĩnh viễn làm người Trung Quốc im lặng.” Ông Nathan kết luận.
Do Lâm Nghiên thực hiện
Minh Phương biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Time Hoa ngữ
Xem thêm: