Chuyên gia về Trung Quốc: Bắc Kinh không như mong đợi sau cuộc đàm phán ở Alaska
Cuộc hội đàm cao cấp đầu tiên giữa chính phủ TT Biden và Bắc Kinh đã kết thúc tại Alaska hôm 19/03, với việc Trung Cộng rời khỏi cuộc đàm phán trong tình trạng lấp lửng về hai vấn đề, một chuyên gia về Trung Quốc cho biết.
Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày ở Anchorage đã kết thúc mà không có một tuyên bố chung nào từ cả hai phía. Phái đoàn Hoa Kỳ, được dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, đã nói chuyện với giới truyền thông sau khi kết thúc cuộc họp song phương này.
“Về kinh tế, thương mại, công nghệ, chúng tôi đã nói với những vị đồng cấp của chúng tôi rằng chúng tôi đang xem xét những vấn đề này với sự tham vấn chặt chẽ từ Quốc hội, từ các đồng minh và các đối tác của chúng tôi,” ông Blinken nói với các phóng viên.
Ông nói rằng Hoa Kỳ đã nhận phải “sự chống trả” từ phái đoàn Trung Quốc khi Hoa Kỳ nêu ra những lo ngại về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở vùng viễn tây Tân Cương, cũng như các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, Tây Tạng, và Đài Loan.
Phái đoàn Trung Quốc được đại diện bởi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và nhà ngoại giao chính sách đối ngoại cấp cao Dương Khiết Trì.
Từ đó, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng một bài viết dài tổng kết hai ngày hội đàm này. Hãng thông tấn này tuyên bố phía Trung Quốc đã đưa ra phản đối rằng Hoa Kỳ không nên “can thiệp vào công việc nội bộ của mình,” chẳng hạn như về các vấn đề liên quan đến Tân Cương.
Ông Dương Vĩ (Yang Wei), nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, trong một bài xã luận được đăng trên tờ Epoch Times tiếng Hoa hôm 20/03, tuyên bố rằng hai điều còn thiếu dễ dàng thấy trong bài báo của Tân Hoa Xã là: thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ.
Ông Dương đã giải thích rằng thuế quan và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là điều mà chế độ Trung Cộng lo ngại nhất.
Ông Dương giải thích rằng cả hai điều đã không được đề cập đến đều quan trọng vì phái đoàn Trung Quốc rất có thể đã nêu lên những vấn đề này với Hoa Kỳ. Theo ông Dương, thì phía Hoa Kỳ hoặc là từ chối bất cứ điều gì mà phía Trung Quốc đưa ra hoặc đã tuyên bố rằng thuế quan và các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ vào lúc này.
Bài báo của Tân Hoa Xã đã đề cập đến việc hai bên đã nói chuyện về vấn đề thương mại nhưng lại không cung cấp thêm chi tiết.
Cựu Tổng thống Donald Trump, trong nỗ lực giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, đã áp đặt thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, điều này đã châm ngòi cho “cuộc chiến thương mại” Hoa Kỳ–Trung Quốc.
Vào tháng 01/2020, hai quốc gia đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, với yêu cầu trong giai đoạn 2020 và 2021 Trung Quốc phải mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ so với các mức mua năm 2017. Tuy nhiên, một báo cáo được công bố vào tháng Một cho thấy Trung Quốc chỉ mua 58% những gì họ đã hứa trong thỏa thuận này.
Dưới thời chính phủ TT Trump, nhiều công ty Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen thương mại do lo ngại về an ninh quốc gia, trong số đó có gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và nhà sản xuất chất bán dẫn SMIC.
Ngoài ra, chính phủ TT Trump cũng nhắm mục tiêu vào chiến lược “hợp nhất quân sự-dân sự” của Trung Quốc, vốn là chiến dịch ép buộc các công ty tư nhân và các trường đại học của Trung Quốc hỗ trợ cho sự phát triển quân sự của nước này. Hàng chục công ty Trung Quốc cũng đã bị đưa vào danh sách đen vì có liên hệ với quân đội Trung Cộng.
Bài báo của Tân Hoa Xã nêu rõ Trung Quốc mong muốn nhìn thấy chính phủ TT Biden hủy bỏ một số chính sách của chính phủ TT Trump. Bài báo tuyên bố rằng phái đoàn Trung Quốc kêu gọi phía Hoa Kỳ “loại bỏ ảnh hưởng của các chính sách sai lầm của chính phủ tiền nhiệm” trong khi yêu cầu chính phủ hiện tại “không được tạo ra các vấn đề mới.”
Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày ở Anchorage được đánh dấu bằng những trao đổi gay gắt hôm 18/03, cụ thể như việc ông Dương công kích những điều mà ông gọi là nền dân chủ chật vật của Hoa Kỳ cũng như việc ngược đãi các nhóm thiểu số, và chỉ trích các chính sách đối ngoại và thương mại của Hoa Kỳ.
Hành vi của phái đoàn Trung Quốc đã bị các nhà phân tích và một số nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ trích. Thượng nghị sỹ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arizona) đã lên Twitter nói rằng hành vi đó là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
“Đã đến lúc chính phủ TT Biden áp dụng một chiến lược đánh bại Trung Quốc,” ông Cotton viết.
Hồi tháng Hai, ông Cotton đã công bố một báo cáo mới về Trung Quốc, kêu gọi tách biệt các lĩnh vực của Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn mang tính quan trọng đối với nền kinh tế. Những lĩnh vực này bao gồm các khoáng chất quan trọng, giải trí, giáo dục đại học, viễn thông, và chất bán dẫn.
Hiện vẫn còn phải xem chính phủ TT Biden sẽ xây dựng chính sách của mình đối với Trung Quốc như thế nào sau cuộc hội đàm này.
“Chúng tôi sẽ quay về Hoa Thịnh Đốn để đánh giá xem chúng tôi đang ở đâu. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đồng minh và các đối tác về chặng đường phía trước,” ông Sullivan nói với các phóng viên tại Anchorage.
Do Frank Fang thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Xem thêm: