Chuyên gia: Úc có nguy cơ mất vị thế ở Thái Bình Dương vào tay Trung Quốc
Một chuyên gia về chiến lược tuyên bố, một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại cao nhất của Úc, “Bước tiến Thái Bình Dương”, có nguy cơ mất vị thế vào tay Trung Quốc nếu chính phủ liên bang phớt lờ nhu cầu của khu vực.
Bắc Kinh đang tiến tới kiểm soát các tuyến đường liên lạc quan trọng trên biển xuyên Thái Bình Dương dưới chiêu bài giúp các quốc đảo nằm ở vùng thấp của Thái Bình Dương phát triển kinh tế và thích ứng với mực nước biển đang dâng cao.
Ông Steve Raaymaker, giám đốc công ty Tư vấn EcoStrategic, đã lập luận trong một bài báo do Nhà chiến lược của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) xuất bản rằng các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước chính sách ngoại giao dựa trên kim tiền của Trung Quốc vì nhiều đồng minh truyền thống hơn, như Úc, đang phớt lờ nhu cầu phát triển của họ.
Ông Raaymaker lập luận rằng kết quả là các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đang bị Trung Quốc lôi kéo về phía mình bằng những lời hứa hẹn về các khoản viện trợ tài chính và phát triển hậu hĩnh khi họ phải đối mặt với mực nước biển dâng cao.
Điều này đang tạo ra một tình huống là mặc dù Úc đã đầu tư 1.9 tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ phát triển, nhưng nước này vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa.
Ông Raaymaker viết, “Chiến lược Bước tiến Thái Bình Dương của Úc cần ‘tiến bước’ thêm nữa để [những chương trình] phát triển như vậy thực sự phát huy được tác dụng ứng phó.”
Chính sách Bước tiến Thái Bình Dương được thiết kế để ứng phó với các thách thức của khu vực Thái Bình Dương về khả năng chống chịu với khí hậu và thiên tai, tăng trưởng kinh tế bền vững, y tế và giáo dục.
Ông Raaymaker tin rằng Úc chưa nhìn nhận hoặc giải quyết các mối quan tâm phát triển ở phạm vi rộng hơn của Thái Bình Dương, như mực nước biển dâng cao, và do đó, Úc không thể điều chỉnh [chương trình] viện trợ phát triển của mình để giải quyết những vấn đề này một cách cụ thể.
Trước đây, bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Úc, đã thừa nhận điểm này.
Vào năm 2019, bà Payne cho biết: “Các cuộc đối thoại của chúng tôi ở Thái Bình Dương trong vài năm qua đã cho thấy rõ rằng chúng tôi có thể và nên làm nhiều việc cùng nhau hơn để ứng phó với thách thức và các cơ hội của Lục địa xanh Thái Bình Dương mới của chúng tôi.”
Tuy nhiên, sự thừa nhận này chẳng xoa dịu được các quốc đảo ở Thái Bình Dương trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mực nước biển dâng cao đẩy [các quốc gia] hướng về Bắc Kinh
Vào năm 2019, cả Quần đảo Kiribati và Quần đảo Solomon có tầm quan trọng về mặt chiến lược đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trong khi trước đó họ vốn là đồng minh với Đài Loan.
Cả hai nước cũng đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường nổi tiếng của Bắc Kinh mà Úc coi là phương tiện cho tham vọng quân sự toàn cầu của Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Kiribati Taneti Maamau cho biết ông rất vui khi được hợp tác với Trung Quốc vì nước này “giúp các nước đang phát triển vừa và nhỏ như Kiribati tăng tốc phát triển và giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu”.
Kiribati được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất do mực nước biển dâng trên thế giới. Theo DFAT, gần như tất cả 33 hòn đảo của nó có độ cao chưa đầy 2 mét so với mực nước biển, các đảo san hô trên đất liền ở đó thường rộng chưa đến 500 mét và các cộng đồng [dân cư] của đảo quốc này thường bị tan hoang do bão và triều cường.
Do đó, Kiribati muốn bồi đắp biển, với diện tích khoảng 767 mẫu Anh vào năm 2036, theo kế hoạch phát triển 20 năm của đất nước.
Bắc Kinh rất sốt sắng hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ tốn kém này.
Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị đội tàu nạo vét được dùng cho xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng hai trung tâm trung chuyển chính ở Kiribati vốn đòi hỏi phải cải tạo đất quy mô lớn.
Chính phủ của Quần đảo Solomon cũng có chung cảm tình [với Trung Quốc] như Kiribati.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn NPR vào năm 2019, ông Robson Tana Djokovic, chánh văn phòng thủ tướng của Quần đảo Solomon; và ông Samson Viulu, một quan chức kinh tế cao cấp, cho biết: Quần đảo Solomon cảm thấy họ không phải là một phần quan trọng của cộng đồng toàn cầu vì họ không có các nền kinh tế lớn và do đó không được coi trọng khi nói đến vấn đề nước biển dâng.
Theo các quan chức đó, chính quyền Quần đảo Solomon đã quay sang Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp họ tạo ra sự phát triển kinh tế và giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng cao đối với đất nước mình.
Tuy nhiên, ông Raaymaker lập luận viện trợ này đơn giản là một ngụy lý do Trung Quốc dựng lên.
Ông Raaymaker cho biết: “Trung Quốc trực tiếp giải quyết những lo ngại như vậy và tự nhận mình là nhà lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu, mặc dù hiện họ là nước có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới”.
Ông Raaymaker cũng nói với The Epoch Times rằng các quốc gia nhỏ như Kiribati rất dễ bị lợi dụng bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với kết quả rất có khả năng giống với những gì đã xảy ra với Papua New Guinea (PNG).
PNG gần đây đang phải gánh khoản nợ ngày càng tăng với Trung Quốc và tình hình tài khóa ngày càng khó khăn cộng với sự thất bại của nhiều dự án chung giữa Trung Quốc và PNG.
Theo ông Jeff Wall, một chiến lược gia của ASPI, chính phủ PNG nợ Trung Quốc gần 5 tỷ USD bởi một loạt các dự án truyền thông do Huawei đứng đầu và các dự án cơ sở hạ tầng như Tập đoàn Năng lượng Thâm Quyến/Trạm thủy điện Sinohydro.
Tuy nhiên, nhiều dự án đã bị đình trệ hoặc được xây dựng với chất lượng thấp nhằm cho phép Trung Quốc tiếp cận quốc gia nằm ở Thái Bình Dương này.