Chuyên gia: Trung Quốc đang trên đường trở thành ‘siêu cường mạng’ toàn cầu
Theo lời chứng nhận từ một số chuyên gia, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang trên đường chuyển đổi chế độ của mình thành một siêu cường trên không gian mạng toàn cầu. Họ cho hay, để chống lại ảnh hưởng của đảng này, Hoa Kỳ sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và phát huy các giá trị của mình.
Bà Winnona DeSombre, một nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn Trung Quốc trở thành một ‘siêu cường quốc trên không gian mạng’ và đang trên đường chinh phục mục tiêu đó.”
“Trung Quốc là một địch thủ ngang hàng lớn trong không gian mạng. Khả năng tấn công mạng của nước này sánh ngang với của Hoa Kỳ, các hoạt động của họ cho thấy sự phát triển rõ ràng của các khả năng phi đối xứng cho phép họ đạt được các mục tiêu chiến lược, và khả năng phòng thủ trên không gian mạng của họ rất mạnh mẽ.”
Bà DeSombre là một trong số các chuyên gia đã làm chứng trong phiên điều trần hôm 17/02 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, một cơ quan được Quốc hội ủy nhiệm đảm trách việc nghiên cứu các tác động an ninh quốc gia của quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo bà DeSombre, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ra lệnh chuyển các ưu tiên quân sự và tuyên truyền sang tập trung vào thông tin và các hoạt động thông tin, bắt đầu từ những cuộc cải tổ lớn trong quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), vào năm 2015.
Bà nói, để chống lại sự phát triển đó, Hoa Kỳ sẽ phải hợp tác với các đồng minh để thúc đẩy các giá trị của mình trong lĩnh vực thông tin, và phải nới lỏng các hạn chế đối với việc tuyển dụng nhân tài ngoại quốc, đồng thời tạo ra các luật và quy định mới để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các mối đe dọa mạng.
Một ‘cuộc cách mạng khoa học-quân sự’
Ông Dean Cheng, một thành viên nghiên cứu cao cấp của tổ chức tư vấn chính sách Quỹ Di sản (Heritage Foundation), cho biết PLA đã xác định rằng “chiến thắng hay thất bại trong các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ phụ thuộc vào khả năng khai thác thông tin.”
Do đó, ông nói, PLA đang nỗ lực điều chỉnh công nghệ thông tin trên khắp các mạng lưới nhằm tạo ra các cơ hội quân sự mới mà PLA có thể tận dụng.
Ông Cheng nói, “Theo các phân tích của PLA, sự phát triển bền vững và liên tục của công nghệ thông tin, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và điện toán đám mây, đã kết hợp để tạo ra ‘hoàn cảnh mới’ cho các hoạt động quân sự.”
“Kết quả về căn bản là một cuộc cách mạng khoa học-quân sự, đòi hỏi các hình thức và lý thuyết hoạt động mới, và có khả năng thay đổi nhiều hơn nữa tổ chức của PLA.”
Ông Cheng cho biết, cái gọi là “trí tuệ hóa” trong chiến tranh sẽ dẫn đến việc trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy được áp dụng cho nhiều loại công nghệ quân sự hơn, để có thể xử lý nhiều dữ liệu hơn trong các hệ thống vũ khí.
Về vấn đề này, PLA đang theo đuổi phong cách chiến tranh “hệ thống trong các hệ thống”, trong đó khả năng chiến thắng các cuộc chiến sẽ không được quyết định bởi bất kỳ loại vũ khí nào, mà bằng cách làm cho các mảng hệ thống liên thông của đối thủ quay sang chống lại nhau.
Tương tự như vậy, bà Kelli Vanderlee, quản lý cao cấp của Mandiant Threat Intelligence, một công ty an ninh mạng, nói rằng ĐCSTQ và PLA đang trở nên mạnh mẽ hơn nhiều với tư cách là các tác nhân trên không gian mạng, đồng thời nâng cao độ phức tạp của các cuộc tấn công vào những mục tiêu ngoại quốc.
Bà Vanderlee nói, “Theo sau việc tái cấu trúc lực lượng quân đội và tình báo của Trung Quốc, chúng tôi tin rằng kỹ thuật tình báo (tradecraft) được các nhóm gián điệp mạng Trung Quốc sử dụng kể từ năm 2016 đã từng bước nâng tầm, ngày càng trở nên bí hiểm và tinh ranh hơn, đồng thời thực hiện các biện pháp để làm phức tạp hóa việc truy cứu trách nhiệm.”
Bà nói, ĐCSTQ đang làm tổn hại đến các doanh nghiệp và dịch vụ hợp pháp, khiến việc quy trách nhiệm cho họ trở nên khó khăn hơn và khó phát hiện các nỗ lực thu thập dữ liệu của họ hơn.
Bà cũng nói rằng ĐCSTQ tỏ thái độ ngày càng ngang nhiên trơ lì trước sự chê trách của quốc tế về hành vi sai trái của họ và dường như ngày càng ít có khả năng chấp nhận các đòn bẩy truyền thống trong đàm phán quốc tế.
Bà Vanderlee nói: “Mandiant Threat Intelligence tin rằng hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn và ít bị kiềm chế bởi các chuẩn tắc hoặc áp lực ngoại giao hơn so với chính sách và luận điệu đặc trưng, phản ánh sự táo bạo trước đây trong các lĩnh vực khác.”
Bà nói thêm rằng 5G, điện toán lượng tử, AI, và học máy đều được sử dụng trong các nỗ lực gián điệp của ĐCSTQ, và khuyến nghị Hoa Kỳ khuyến khích báo cáo sự cố và chia sẻ thông tin giữa các tập đoàn tư nhân và với các cơ quan chức năng của chính phủ.
Vấn đề của toàn xã hội
Ủy ban đã nghe nói rằng những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm mở rộng khả năng không gian mạng là một phần trong nỗ lực toàn xã hội nhằm củng cố quyền lực của ĐCSTQ trên vũ đài quốc tế, và nhà cầm quyền này đang sử dụng các cơ sở giáo dục của mình để tạo ra nguồn nhân tài giỏi giang hơn trong các lĩnh vực liên quan đến không gian mạng.
Ông Dakota Cary, một nhà phân tích nghiên cứu của tổ chức tư vấn có tên Trung tâm nghiên cứu về An ninh và Công nghệ Mới nổi, cảnh báo rằng khả năng của ĐCSTQ đang ngày càng mở rộng và được bện chặt không thể tách rời với nỗ lực tạo ra nhân tài trong khu vực tư nhân giữa các cơ sở giáo dục.
Ông Cary nói: “Khả năng mạng của Trung Quốc đang mở rộng. Việc trau dồi nhân tài và nghiên cứu là tối trọng yếu đối với việc mở rộng đó, và các trường đại học của Trung Quốc giúp ích được cho cả hai [vấn đề trên].”
Ông Cary nói rằng ĐCSTQ đã đang nỗ lực để chuẩn hóa chương trình giảng dạy về an ninh mạng cho các chương trình đào tạo cử nhân đại học kể từ năm 2015, và đã khởi xướng các chương trình chứng nhận, trường học, và trung tâm nghiên cứu mới như một phần của nỗ lực này.
Ông Cary nói, “Trong thập niên tới, khả năng không gian mạng của Trung Quốc đã sẵn sàng bùng nổ khi các trường đại học cấp bằng về an ninh mạng cho những cử nhân được đào tạo bài bản hơn và khi nghiên cứu đang tiến triển.”
Ông Cary cũng nhấn mạnh rằng một số trường đại học ở Trung Quốc đã đóng vai trò quá lớn trong việc hỗ trợ các hoạt động quân sự của PLA.
Trong một giai thoại quan trọng từ năm 2015, ông nhớ lại cách một giáo sư Trung Quốc tại Đại học Đông Nam tổ chức cuộc thi “bắt cờ” cho các sinh viên của mình, trong đó họ sẽ cạnh tranh bằng cách cố gắng xâm nhập vào một hệ thống đối lập.
Ông Cary nói, “Không giống như các cuộc thi bắt cờ thông thường, nơi những người tham gia tấn công mạng vào các đội khác để lấy điểm, giáo sư đã cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tế để ghi điểm và tạo được ấn tượng bằng cách cố gắng truy cập vào mạng của một nhà thầu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm rằng có khả năng bài tập này có thể trợ lực cho các hoạt động của PLA.
Ông cho biết, Đại học Nam Đông điều hành Phòng thí nghiệm Tử Kim Sơn (Purple Mountain Lab) cùng với Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA, và nổi tiếng với những đóng góp nghiên cứu cho quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cho hay, liên kết mật thiết nhất giữa các trường đại học và dịch vụ an ninh là ở các trường như Đại học Giao thông Thượng Hải, nơi các nhân viên hỗ trợ các hoạt động quân sự và tiến hành nghiên cứu nhằm nâng cao khả năng mạng.
Ông Cary nói, “Chương trình cấp bằng về an ninh mạng của trường đại học này nằm trên cơ sở kỹ thuật thông tin của PLA ở Thượng Hải.”
Ông giải thích rằng, từ năm 2010 đến năm 2014, trường đại học này đã thay mặt cho PLA tham gia vào các hoạt động mạng chống lại Hoa Kỳ.
Ông nói, với các trường đại học khác, rất khó để biết liệu có mối liên hệ trực tiếp với PLA hay không.
Ông nói, các nguồn tài trợ kết nối với PLA đang phổ biến rộng rãi và các chương trình an ninh mạng cũng đang hiện hữu, nhưng sự hỗ trợ trực tiếp của quân đội là khó có thể xảy ra.
Ông Cary chia sẻ, quan trọng là, ĐCSTQ đã phát triển phần lớn chiến lược của mình để sử dụng khu vực tư nhân của Hoa Kỳ. Thật vậy, ông cho biết một trong những hệ thống cạnh tranh chính được sử dụng để phát triển các khả năng mạng mới được mô phỏng trực tiếp từ chương trình DARPA.
Do đó, khi hỏi về việc làm sao mà liên kết giữa các trường đại học này với các trường đại học Hoa Kỳ có thể góp phần vào hoạt động gián điệp do nhà nước hậu thuẫn, ông Cary nói rằng có rất ít câu trả lời rõ ràng.
Ông Cary nói: “Các công cụ cần thiết để tiến hành các chiến dịch tin tặc thì đầy rẫy khắp nơi. Tất cả những gì mà hầu hết người khai thác mạng cần là một chiếc máy điện toán, kết nối internet, và đào tạo. Ngay cả khi các tổ chức này chịu sự kiểm soát xuất cảng, thì không chắc các chính sách như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng không gian mạng của Trung Quốc.”
Do đó, ông cho rằng việc trừng phạt các trường học hoặc công ty công nghệ riêng lẻ ở Trung Quốc không phải là một nỗ lực đáng giá. Nói một cách đơn giản, nếu ĐCSTQ quyết định muốn có một công nghệ, họ sẽ không chỉ dựa vào các phương tiện hợp pháp để có được nó.
Ông Cary cho biết, “Nếu một trường đại học đang nghiên cứu một công nghệ mà ĐCSTQ đã xác định là có giá trị, các nhóm tin tặc của Trung Quốc sẽ cố gắng thu thập nó, bất kể trường đó có hợp tác với các tổ chức của Trung Quốc hay không.”
Liên quan đến các tổ chức nằm trong Trung Quốc đại lục, ông Cary lưu ý rằng họ không có lựa chọn nào khác trong việc có hợp tác với PLA hay không và do đó, các biện pháp kiểm soát xuất cảng sẽ không bắt buộc họ phải làm khác. Luật pháp của ĐCSTQ yêu cầu các công ty hỗ trợ thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc, và các tổ chức phải cung cấp dữ liệu của họ cho ĐCSTQ nếu dữ liệu đó được coi là có liên quan đến an ninh quốc gia.
Ông Cary nói, “Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc cho phép chính phủ buộc các công ty hợp tác với chính phủ để tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp.”
“Chính phủ Trung Quốc đã nói rõ trong những tháng gần đây rằng ĐCSTQ lãnh đạo, các công ty chỉ việc tuân theo.”
Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia. Ông có bằng thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: