Chuyên gia: Trung Cộng đang tự ‘đào hố chôn thân’ ở nước Úc
Việc Trung Cộng không ngừng gây áp lực kinh tế và quân sự lên Úc không đạt được ý đồ “rung cây dọa khỉ” trên toàn thế giới. Nó không những không đạt được mục đích mà còn đánh mất lòng tin của các đồng minh và các nước láng giềng. Ngoài ra, nó còn phản tác dụng, khiến các nước khác cùng bắt tay chống lại Trung Cộng.
Tiến sĩ John Lee, từng là cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc. Ông hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson và là giáo sư giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney. Gần đây, ông đã đăng một bài báo trên tờ The Hill với tiêu đề “Trung Cộng đang tự đào hố chôn thân ở nước Úc”. Ông nói, Trung Cộng không những không uy hiếp được Úc, mà còn rơi vào chính chiếc hố do mình tạo ra.
Tiến sĩ Lee nói, Trung Cộng dường như không quan tâm đến cái gọi là “Định luật về sự rò rỉ”. Đó là nếu bạn phát hiện đã rơi vào bẫy, hãy ngừng đào bới thêm. Ông đã lấy việc gây áp lực hàng loạt và thái độ coi thường Úc của Trung Cộng làm đối tượng nghiên cứu. Hành vi ác ý này của Bắc Kinh chứng tỏ rằng chính quyền Trump và Biden đã đúng khi xác định rằng Trung Cộng thực sự là kẻ thù toàn diện của thời đại chúng ta.
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Dự án An ninh Quốc phòng của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), trước đây nói với tờ News.com.au rằng, mục đích của Trung Cộng khi trả đũa Úc là gửi một thông điệp đến thế giới rằng các nước nhỏ không nên to gan đứng ra chống lại Trung Cộng.
Tiến sĩ Lee nói, Úc đang chứng minh, rằng các đồng minh nhỏ bé cũng có những thế mạnh riêng của họ. Trung Cộng muốn ép một đất nước dân chủ nhỏ bé này phải hoàn toàn phục tùng là chuyện không hề dễ dàng.
“Tranh chấp này có thể tiếp diễn trong một thời gian, nhưng Úc quyết tâm giữ vững lập trường và sẽ không ngần ngại đối mặt với khó khăn. Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị nhắm mũi giáo này vào nước tiếp theo. Còn đối với Hoa Kỳ, làm thế nào có thể giúp các đồng minh củng cố tự tin trong việc chống lại Trung Cộng cũng là điều rất quan trọng.” Ông cho biết.
Việc Trung Cộng gây áp lực lên kinh tế Úc, như muối bỏ bể
Kể từ năm 2010, Trung Cộng đã thực hiện ít nhất 150 hành vi gây áp lực kinh tế đối với một số quốc gia và công ty, hơn một nửa trong số đó là vào 2 năm trở lại đây. Bài báo của Tiến sĩ Lee giải thích lý do tại sao Trung Cộng cho Úc vào tầm ngắm.
Ông viết, Úc là một mục tiêu dễ bị lựa chọn, nước này rất phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản, năng lượng và nông sản. Cứ mỗi USD hàng hóa xuất khẩu,thì có hơn một phần ba là được xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ góc độ thương mại, điều này khiến Úc trở thành nền kinh tế phát triển nhưng phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc.
Trung Cộng đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Úc như cấm than của Úc, nhưng đáng tiếc nó đã phản tác dụng về nhiều phương diện. Trước tình hình đất nước phải chịu thời tiết giá rét nhất trong 50 năm trở lại đây, Trung Cộng đã chọn cấm than Úc nhập khẩu vào Trung Quốc, điều đó đã khiến nhiều vùng ở Trung Quốc thiếu điện dùng, nhiều cư dân Trung Quốc không có lửa sưởi trong thời tiết băng giá. Còn về Úc, các công ty than của Úc sau khi rơi vào khốn đốn, đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và chuyển sang liên kết với thị trường Nhật Bản, Ấn Độ.
Năm ngoái, Úc còn thành công mở rộng thị trường ở Ả Rập Xê Út và các khu vực Trung Đông khác. Lượng lúa mạch vốn sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bán hết cho các thị trường này. Tuy nhiên, tôm hùm và rượu vang vẫn đang trong quá trình tìm thị trường mới.
Theo số liệu do Cục Thống kê Úc công bố vào tháng 6 năm nay, cả tổng sản phẩm nội địa (GDP) và xuất khẩu đều tăng trong quý đầu tiên. Điều đó cho thấy, những biện pháp trừng phạt kinh tế lên Úc, bắt nước này phải thay đổi thái độ cứng rắn trong việc chỉ trích Trung Quốc, đã không khởi được nhiều tác dụng.
Phương pháp trừng phạt Úc của Trung Cộng rất khác so với trước đây
Tiến sĩ Lee cũng so sánh phương pháp trừng phạt của Trung Cộng đối với Úc, nó rất khác với các biện pháp trừng phạt và cưỡng chế trước đây đối với các nền kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Canada và Anh.
Ông viết, mặc dù đều hiểu rằng, các biện pháp trừng phạt và cưỡng chế trước đây (như đánh thuế) là đòn trả đũa của Trung Cộng khi những nước này làm trái với mong muốn của Trung Cộng. Nhưng Trung Cộng thường phủ nhận rằng những chính sách mà nó đưa ra không hề liên quan gì đến các quyết định (khiến Trung Cộng không hài lòng) của chính phủ các nước. Đó thực ra là để tạo cái cớ để không có cơ hội trừng phạt lại Trung Cộng. Ví dụ, Trung Cộng tuyên bố, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm ở Trung Quốc là để bảo vệ môi trường, giảm việc chế biến và sản xuất đất hiếm ở Trung Quốc. Còn việc tẩy chay các công ty Hàn Quốc lại bị đùn đẩy do sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc, chứ không hề do chính quyền gây nên.
“Chính những phép ngụy tạo này giúp chính quyền Trung Cộng có thể trốn tránh trách nhiệm. Mặc dù Trung Cộng đưa ra ngụy biện không mấy thuyết phục nhưng ít nhất cũng có thể ngăn các nước bị Trung Cộng trừng phạt có cơ hội trở mình, chống lại Trung Cộng. Trung Cộng còn “bất thình lình” đưa ra các lệnh trừng phạt hoặc gây áp lực lên các tổ chức phi chính phủ, các công ty, doanh nghiệp, điều này khiến chính phủ các nước này càng thêm e dè Trung Cộng.”
Bài báo còn viết, các biện pháp trừng phạt và uy hiếp của Trung Công được những người ủng hộ Trung Cộng biện bạch rằng, không thể chứng minh là nó đang nhắm vào chính phủ quốc gia nào. Ngoài ra, những nhóm vận động hành lang ủng hộ Trung Cộng ở quốc gia mục tiêu còn cáo buộc chính phủ của họ đã xử lý sai mối quan hệ với chính phủ Cộng sản Trung Quốc. Nếu không có trọng tài quốc tế xác nhận rằng các biện pháp trừng phạt của Trung Cộng là bất hợp pháp, thì các quốc gia khác càng khó lên án hành động của Trung Cộng. Điều này sẽ chỉ khuyến khích các quốc gia khác tránh xa vấn đề này càng nhiều càng tốt và ít chống lại Trung Cộng hơn, vì sợ rằng họ cũng bị đối xử tương tự.
Trong bài viết của mình, Tiến sĩ Lee giải thích những điểm khác nhau khi Trung Cộng uy hiếp Úc: Bắc Kinh đã thay đổi luật chơi với các lệnh trừng phạt gần đây đối với Úc. Các quan chức cấp cao của Trung Cộng đã gửi những tín hiệu đe dọa trước khi áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra thậm chí đã có động thái bất thường vào tháng 11 năm ngoái, đưa ra tuyên bố “14 sự bất mãn” chống lại chính phủ Úc như một lý do cho các lệnh trừng phạt này, bao gồm cả sự không hài lòng với chỉ trích của chính phủ Úc về các hành động khiêu khích của Trung Cộng ở phía Nam Biển Đông và mối đe dọa vũ lực đối với Đài Loan.
Phần lớn sự không hài lòng của Trung Cộng liên quan đến các chính sách và luật pháp trong nước của Úc, chẳng hạn như quyết định hạn chế đầu tư nước ngoài và cấm Huawei tham gia xây dựng hệ thống 5G. Tiến sĩ Lee nói rằng điều này chứng minh rằng Trung Cộng đang trả đũa Úc vì chính phủ Úc từ chối trao cho Trung Cộng quyền tham gia hoặc phủ quyết các chính sách đối nội của Úc. Nó cũng loại bỏ quan niệm một loại nhận thức rằng, nếu nếu muốn khôi phục lại quan hệ với Trung Quốc, chỉ cần Úc cho phép Trung Cộng được làm những gì nó muốn trong các khu vực chiến lược xung quanh Úc.
Bắc Kinh hiện đã nhận ra mình đang rơi vào khó khăn
Bắc Kinh hiện đang rơi vào tình thế khó khăn. Tiến sĩ Lee nói rằng, một thủ đoạn quan trọng trong chiến lược quốc tế của Trung Cộng là làm suy yếu sức mạnh của liên minh Hoa Kỳ bằng cách buộc các đồng minh nhỏ hơn (của Hoa Kỳ) áp dụng chính sách khoan dung hơn đối với Trung Cộng. Sự nham hiểm của Trung Cộng đã được phơi bày trước thế giới, điều đó đã củng cố thêm quyến tâm của các chính trị gia, giới doanh nhân, giới tinh anh cũng như người dân Úc trong việc chống lại Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là Úc đã sẵn sàng cả về tâm lý lẫn chính trị đối mặt với những khó khăn có thể xảy ra khi chống lại Trung Cộng. Vậy là, Trung Cộng đã chọn sai mục tiêu uy hiếp.
Tô Tử Vân, Giám đốc Chiến lược và Công nghiệp Quân sự của Viện Nghiên cứu Quốc phòng An ninh Đài Loan, cho rằng tác động của việc Trung Cộng phát động chiến tranh thương mại với Úc lại khiến cho các nước dân chủ nhận ra cần hỗ trợ lẫn nhau, và tăng cường mua sắm từ Úc. Tác động này hoàn toàn trái ngược lại so với những cuộc chiến trong quan hệ quốc tế và trật tự thương mại quốc tế quá khứ.
Sau nhiều tháng đàm phán, Thủ tướng Úc Morrison và Thủ tướng Anh Johnson đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước sau hội nghị thượng đỉnh G7.
Theo báo mạng Channel 9 của Úc đưa tin, đây là thỏa thuận thương mại quan trọng đầu tiên hậu Brexit (sau khi Anh rời khỏi EU), các nhà xuất khẩu Úc cũng có thể tìm được nhiều đường xuất khẩu hơn thông qua thỏa thuận này và thoát khỏi thị trường Trung Quốc bất ổn. Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại cho Úc 1,3 tỷ USD Úc lợi ích kinh tế mỗi năm.
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) vào tháng 2 năm nay đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1032 người đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN bao gồm các học giả, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, nhà lãnh đạo xã hội dân sự, truyền thông, các tổ chức khu vực và quốc tế. Họ phát hiện, các nước đồng minh càng ngày càng dè chừng Trung Quốc (Trung Cộng). Tổng dân số của các quốc gia này là 655.5 triệu người
Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy nếu cần chọn bến đỗ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hơn 60% số người được hỏi sẽ chọn Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc. So với cuộc khảo sát năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng gần 10%. Những người được hỏi từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Philippines đều có tỷ lệ ủng hộ Hoa Kỳ tăng.
Cuối bài báo, Tiến sĩ Lee nhấn mạnh rằng, đây là lý do tại sao Hoa Kỳ không những cần đứng về phía Úc, mà còn cho thấy rằng nếu các đồng minh khác cũng bị bắt nạt, Hoa Kỳ cũng nên giúp đỡ họ. Điều này sẽ gây sức ép càng lớn cho Bắc Kinh và Trung Cộng rơi vào chiếc hố do mình tạo ra càng ngày càng sâu.
Do Lâm Nghiên, Ngô Uý thực hiện
Minh Phương biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: