Chuyên gia: Trung Cộng đã thẩm thấu vào 3 khu vực quyền lực nhất của Hoa Kỳ
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, Mỹ-Trung chia rẽ đã trở thành một trong những chủ đề được mọi tầng lớp xã hội và giới truyền thông thảo luận. Thuận theo quan hệ Mỹ-Trung đang tiếp tục căng thẳng, cùng với việc Tập Cận Bình tăng cường củng cố quyền lực và trấn áp các doanh nghiệp tư nhân lớn của Trung Quốc, đã khiến cho hội đồng quản trị của các công ty buộc phải giải quyết vấn đề phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ phía Trung Quốc của công ty mình.
Ông Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ (CSPC), gần đây đã đăng một bài báo trên trang The Hill với tựa đề, “Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát đối với các công ty Mỹ từ đầu đến đuôi”, thảo luận về cách chính phủ và các công ty Hoa Kỳ ứng phó với sự cạnh tranh và đối kháng của Trung Cộng.
Trung Cộng tập trung vào ba khu vực lớn của Hoa Kỳ
Đầu tiên, ông Mahaffee nói về Phố Wall, Hollywood và Thung lũng Silicon như những khu doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh nhất, là sức sống, quyền lực mềm và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế của Hoa Kỳ. Ba khu vực này cũng là mục tiêu thâm nhập của Trung Cộng.
Ông viết: “Từ những ví dụ thực tế, chúng tôi thấy rằng Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể trong ba khu vực này. Tại Phố Wall, các ngân hàng đầu tư nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Trung Quốc, Trung Cộng liền coi đây là một con đường để ảnh hưởng đến chính trị ở Hoa Kỳ, ngăn cản chính quyền Biden thực hiện các biện pháp cứng rắn. Ở Hollywood, từ sự khom lưng khuỵu gối của John Cena trong bộ phim Top Gun, khi Trung Cộng kiểm duyệt áo khoác da của Tom Cruise (vì nó được in hình cờ Đài Loan), cho đến Disney cảm ơn sự hỗ trợ của cơ quan đã diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ (trong đoạn cuối của phim Hoa Mộc Lan, Disney đã cảm ơn Cục Công an Tân Cương và 4 cơ quan tuyên truyền khác), những ví dụ như vậy có rất nhiều. Cuối cùng, ở Thung lũng Silicon, các quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ Trung Cộng kiểm soát đang tìm cách thu hút sự đầu tư từ các công ty mới khởi nghiệp của chúng ta, những công ty khổng lồ như Apple đều biết rõ rằng hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào tâm trạng của Trung Cộng”.
Ông Mahaffee nói rằng, với rất nhiều công ty, những lời quanh co lấy lòng Trung Cộng đã được coi là một phần trong việc làm ăn ở Trung Quốc. Với những công ty này mà nói, việc thâm nhập vào thị trường 1.4 tỷ dân và tiếp cận chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đại lục chính là một phần của xu thế Toàn cầu hóa 101. Trong vài thập kỷ qua, các chính trị gia ở Washington luôn cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy Trung Cộng tiến hành cải cách chính trị, trong khi Bắc Kinh lại tin chắc các mối quan hệ thương mại cuối cùng sẽ làm giảm bớt áp lực chính trị của cộng đồng quốc tế đối với việc đàn áp nhân quyền, hoặc các hành động tàn bạo như thảm sát Thiên An Môn.
“Tuy nhiên, ngay cả khi những công ty đó có thể cố gắng duy trì điểm mấu chốt của đạo đức kinh doanh, thì ván cờ chính trị giữa hai bờ Thái Bình Dương đang buộc họ phải nhanh chóng đưa ra những lựa chọn khó khăn của mình”, ông viết.
Ông Tập Cận Bình đang siết chặt kiểm soát đối với các công ty tư nhân ở Trung Quốc
Chuyên gia Mahaffee đã miêu tả chi tiết về việc Trung Cộng trấn áp những người giàu ở Trung Quốc, và sự kiểm soát của nó đối với lĩnh vực tài chính và công nghệ. Ông cho biết, ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang đẩy mạnh việc củng cố quyền lực bằng cách tích cực trấn áp các doanh nhân tư nhân nổi tiếng, đồng thời phá hủy quyền tự do báo chí và nền tư pháp độc lập ở trung tâm thương mại Hồng Kông. Ông Jack Ma, người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba, đã bị trấn áp ngay sau khi bày tỏ những ngôn từ phê phán Trung Cộng. Các công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng bị Trung Cộng nhắm tới.
Ông nói rằng chính phủ Trung Cộng đã tăng cường giám sát đồng tiền kỹ thuật số và công nghệ tài chính, đồng thời cũng đang cố gắng khôi phục quyền kiểm soát của nhà nước đối với các ngành công nghiệp chủ chốt. Điều này không chỉ báo trước sẽ có Hồng bảo thư xuất hiện như thời Cách mạng Văn hóa, mà sẽ còn có nhiều “bài ca tụng công đức” hơn.
Vào ngày 15/4 năm nay, Miles Yu, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Hudson, cho biết trong buổi điều trần về “Tham vọng kinh tế của Trung Cộng” do Uỷ ban Đánh giá An Ninh và Kinh Tế Mỹ – Trung tổ chức rằng, Trung Cộng đã lạm dụng quyền lực để áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ đối với các nguồn lực tài chính, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, cũng như hạn chế quyền tự do chuyển khoản của người Trung Quốc.
Ông Miles Yu cũng nhắc đến trong 15 năm qua, đã có ít nhất 27 tỷ phú Trung Quốc bị bắt, những lời buộc tội mà họ phải chịu là kỳ quái và vô lý. Ông cũng nêu lên trường hợp của Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba.
Ông Miles Yu nói rằng ở Mỹ, người ta ngưỡng mộ những người có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes, nhưng ở Trung Quốc, việc trở thành thành viên trong danh sách người giàu của Hurun có thể sẽ là mục tiêu tấn công của nhà cầm quyền.
Ông Mahaffee kết luận rằng Hoa Kỳ bắt buộc phải hiểu rõ cách Trung Cộng nhìn nhận về tình hình kinh tế của Trung Quốc và vai trò của các công ty công nghệ quy mô lớn ở trong đó.
Mặt khác, ông Mahaffee nhắc đến kế hoạch thông qua luật của Quốc hội Hoa Kỳ để chống lại Trung Cộng trên mọi phương diện. Ông đề cập đến Dự luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ đã được Thượng viện thông qua, dự luật này không chỉ cho thấy lưỡng Đảng đã ủng hộ việc đầu tư nhiều hơn và sẵn sàng cạnh tranh lâu dài với Trung Cộng, mà còn thừa nhận sự mong manh của chuỗi cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như thừa nhận lực ảnh hưởng của Trung Cộng đối với các công ty ở Mỹ. Trong khi đầu tư vào nghiên cứu phát triển và cung cấp các ưu đãi khác, dự luật cũng tập trung vào sự thâm nhập và ảnh hưởng của Trung Cộng đối với các công ty ở Hoa Kỳ, bao gồm việc yêu cầu Quốc hội xem xét thêm về sự thâm nhập của Trung Cộng vào các lĩnh vực từ học thuật, giải trí cho đến nông nghiệp và tài chính. Dự luật cũng yêu cầu chế định một bộ “quy tắc ứng xử” đối với công ty Hoa Kỳ khi giao dịch với các công ty Trung Quốc.
Chính phủ và các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần ứng phó với các xung đột từ phía Trung Cộng
Ông Mahaffee cho biết, các doanh nghiệp cùng nền kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ đang ngày càng lún sâu vào ván cờ địa chính trị. Do tầm quan trọng của các công nghệ kỹ thuật cao như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử v.v, các lĩnh vực công nghệ tiên tiến này đã nghiễm nhiên trở thành đối tượng cạnh tranh chủ yếu và quan trọng nhất giữa hai bên.
Ông nhắc nhở chính phủ Hoa Kỳ lưu ý đến khát khao tìm kiếm lợi nhuận của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ và thói quen trả đũa của Trung Cộng. Ông viết trong bài báo rằng: Những nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ muốn thực sự hiểu được những thách thức và khả năng cạnh tranh lâu dài mà Bắc Kinh có thể mang lại, thì cần phải nhận thức được hai trở ngại chính. Một là: Bởi vì chúng ta đã áp dụng các chính sách cứng rắn đối với Trung Cộng, một số cử tri Hoa Kỳ sẽ phản đối vì họ xem Trung Cộng là một đối tác kinh doanh có lợi. Hai là, Bắc Kinh có thể vì điều này mà trả đũa các công ty tư nhân của Hoa Kỳ, chúng ta bắt buộc phải có chuẩn bị. Đã có những bài học quá khứ về vấn đề này, trước đây Trung Cộng đã từng bắt và giam giữ công dân của Hoa Kỳ, vậy nên chúng ta không nên nghi ngờ về việc Trung Cộng có sẵn sàng thách thức và đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh của nó hay không.
Ông Mahaffee cho biết, tất nhiên không có công ty nào muốn dừng hoạt động kinh doanh của mình, nhưng đồng thời họ cũng không thể làm ngơ trước mối quan hệ Mỹ – Trung đang ngày càng xấu đi. Các điều kiện giả định về hoạt động kinh doanh chính thường của chúng ta sẽ phải phát sinh thay đổi, bởi vì Trung Cộng coi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều là một phần của nó, vậy nên nó cũng sẽ đối xử với các doanh nghiệp tư nhân và chính phủ Hoa Kỳ đồng dạng như vậy.
“Trong khi cạnh tranh và đối đầu với Trung Cộng, chúng ta không chỉ phải củng cố chính phủ Hoa Kỳ mà còn phải cân đối cho tốt các doanh nghiệp tư nhân, nhất là về mặt công nghệ và địa chính trị, để đảm bảo rằng Hoa Kỳ có thể được chuẩn bị đầy đủ cho các cuộc cạnh tranh và đối đầu trong tương lai”, ông Mahaffee kết luận.
Do Ngô Úy, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: