Chuyên gia thuế: Đề xuất ngân sách quân sự sẽ tốn thêm 1.2 ngàn tỷ USD trong 10 năm
Ông Albert Einstein được cho là đã gọi lãi suất kép là “thứ lực mạnh nhất trong vũ trụ”. Một phân tích ngân sách gần đây cho thấy lực lượng hùng hậu đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách tài khóa của Mỹ nếu Quốc hội tuân theo các khuyến nghị tăng chi tiêu quân sự hàng năm lên 5% mỗi năm trong thập kỷ tới.
Sau khi Ủy ban Quân vụ Hạ viện (HASC) thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2022 hôm 01/09, thành viên cao cấp của HASC Mike Rogers (Cộng Hòa-Alaska) đã tán dương về thực tế rằng ông đã giúp bảo đảm mức tăng 5% so với Ngân sách của Bộ Quốc phòng năm ngoái.
Mức tăng 5% tuân theo các khuyến nghị của Ủy ban Chiến lược Quốc phòng của lưỡng đảng – một cơ quan giúp đặt ra các mục tiêu an ninh rộng lớn của Hoa Kỳ bốn năm một lần – đã khuyến nghị tăng ngân sách Bộ Quốc phòng (DOD) hàng năm lên 3-5% so với lạm phát.
Những người ủng hộ mức tăng hàng năm này cho rằng quân đội cần hoàn thành các mục tiêu đầy tham vọng là đại tu các hệ thống công nghệ thông tin kế thừa, đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và cải tiến chương trình vũ khí hạt nhân – tất cả các bước được coi là cần thiết để xoay trục từ Trung Đông sang xung đột giữa các cường quốc với Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà phân tích Andrew Lautz của National Taxpayers Union cho biết mức tăng hàng năm 3-5% hàng năm là không thể đạt được về lâu dài. Hôm 02/09, khi viết cho Viện Quincy ve Quản lý đất nước có Trách nhiệm, có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ông Lautz đã chỉ ra những tác động lâu dài của chiến lược này.
Năm nay, ngân sách năm 2021 của DOD tăng 5% dẫn đến chi tiêu bổ sung là 37.5 tỷ USD. Nhưng con số đó nhanh chóng tăng vọt lên hơn 100 tỷ USD chi tiêu thêm mỗi năm vào năm 2026 và 200 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Ông Lautz cho biết: “Sự khác biệt tính gộp theo thời gian, vượt quá độ chênh lệch 100 tỷ USD trong 4 năm (năm 2026) và 200 tỷ USD trong 8 năm (năm 2030),” đề cập đến “chênh lệch” (delta) là sự khác biệt giữa dự báo ngân sách DOD hiện tại cho dài hạn và những gì sẽ được chi nếu kế hoạch tăng 5% được tuân theo.
Ông nói: “Đến cuối thập kỷ này, năm tài chính 2031, sự khác biệt giữa ngân sách lý tưởng của phe quốc phòng cứng rắn và dự phóng của CBO là 253 tỷ USD – gần bằng con số được chi cho các chi phiếu kích thích tài khóa 1,200 USD hồi Tháng Ba 2020, đó chỉ là viện dẫn một so sánh.”
Ông Lautz, giám đốc chính sách liên bang của NTU, cho biết: “Cộng lại trong hơn 10 năm, và phe quốc phòng cứng rắn sẽ khiến chúng ta phải chi 1,244,600,390,000 USD – tức là hơn 1.2 ngàn tỷ USD – nhiều hơn cho quốc phòng so với những dự đoán hiện nay.”
Ông Lautz lưu ý thêm rằng các nhà lập pháp đã không đề xuất cắt giảm chi tiêu để bù đắp sự gia tăng tài trợ đầy tham vọng của họ cho quân đội. Ông cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết đối với một số dự án mà số tiền tăng lên này sẽ cung cấp tài chính cho, chẳng hạn như [dự án] F-35, mà ông mô tả là “rất rắc rối”, và việc đóng tàu chiến ở những nhà máy đóng tàu quá tải.
Tại hội thảo trên web của Viện Brookings hôm 01/09, chủ tịch HASC Adam Smith (Dân Chủ-Washington) đã hạ thấp những lời chỉ trích về việc tăng chi tiêu 25 tỷ USD.
Ông Smith cho biết: “Tôi không ủng hộ lập luận rằng ‘ôi trời, chúng ta không thể chi thêm 25 tỷ USD vì chúng ta có tất cả những ưu tiên khác.’ Chúng ta đã chi rất nhiều tiền cho những ưu tiên khác,” đề cập đến khoảng 6 ngàn tỷ USD kích thích chi tiêu đã được bơm vào nền kinh tế trong hơn một năm qua.
Ông Lautz cho biết, nhưng coi việc tăng 25 tỷ USD là vô nghĩa là một quan niệm sai lầm, với sự hỗ trợ mạnh mẽ ở Hoa Thịnh Đốn để thực hiện các đợt tăng 5% này vô thời hạn.
“Một người hoài nghi có thể tuyên bố rằng con số này ‘chỉ là 25 tỷ USD trong năm nay, một mức giảm đáng kể so với hàng ngàn tỷ USD chi tiêu trong COVID của chính phủ. Nhưng nếu nhóm quốc phòng cứng rắn đạt được những gì nhóm này muốn, tổng số sẽ lên đến 1.2 ngàn tỷ USD chỉ trong thập kỷ tới.”
“Điều đó có thể không nhận được những tiêu đề hào nhoáng như của dự luật cơ sở hạ tầng, nhưng việc tăng chi tiêu quốc phòng này sẽ có tác động lớn hơn đến túi tiền của người nộp thuế.”
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: