Chuyên gia: Sau bầu cử, chính sách thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều
Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ đã rẽ một bước ngoặt trong các mối quan hệ với chế độ cộng sản Trung Quốc, và mối quan hệ thương mại giữa hai nước được định đoạt sau cuộc bầu cử là đi theo lộ trình do chính phủ Trump đặt ra, bất kể ai là người thắng cử.
Với tư cách là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và sau đó là Phó tổng thống, ông Joe Biden ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do với Trung Quốc. Ứng cử viên Đảng Dân Chủ này đóng một vai trò quyết định trong việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Năm ngoái, ông Biden đã bác bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ, khiến cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích. Theo các chuyên gia, vì đại dịch, dư luận Hoa Kỳ đã chuyển hướng đáng kể sang chống lại chế độ Trung Quốc, điều này đã tạo ra một điểm yếu cho ông Biden.
Cách hùng biện của ông đã thay đổi đột ngột trong những tháng gần đây với nỗ lực gây khó dễ cho Tổng thống Donald Trump. Áp lực gia tăng khiến ông gọi Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh nặng ký” tại một buổi truyền hình trực tiếp tại CNN hồi tháng 9. Chính phủ Trump coi Trung Quốc là “địch thủ”.
Ông Biden đã không đưa ra các chính sách cụ thể đối với thương mại Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng bất cứ ai thắng cử, quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc có thể không thay đổi. Mặc dù các ứng cử viên thể hiện sự trái ngược hoàn toàn trong nhiều vấn đề chính sách, nhưng họ đồng ý đối đầu với Trung Quốc theo những cách tiếp cận khác nhau.
Ông Edward Alden, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều thứ tiếp tục diễn ra”.
“Trước hết, tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy thuế quan của Hoa Kỳ nhanh chóng bị dỡ bỏ”, ông nói.
Ông Alden tin rằng, trong khi thận trọng trong việc loại bỏ thuế quan, ông Biden sẽ rời bỏ “thỏa thuận giai đoạn một” vì thỏa thuận đó quá gắn liền với chính phủ Trump.
“Họ sẽ tìm cách tiếp cận của riêng mình và nghĩ ra một cái tên riêng.”
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết vào giữa tháng 1 yêu cầu Bắc Kinh trong hai năm tới mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ, bao gồm 40 tỷ USD – 50 tỷ USD hàng nông nghiệp mỗi năm.
Bộ Nông nghiệp trước đó đã bày tỏ sự thất vọng khi Bắc Kinh chậm chạp trong việc đáp ứng các cam kết của thỏa thuận thương mại.
Trung Quốc mua sản phẩm nông trại từ Hoa Kỳ chỉ ở mức 5.1 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã tăng tốc mua hàng đáng kể, họ đặt mua khối lượng kỷ lục các mặt hàng đậu nành, ngô, thịt lợn và thịt bò từ nông dân Mỹ.
“Ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ ông Biden bị khóa cứng vào một số vị thế mà chính phủ hiện tại đã tạo ra. Việc dỡ bỏ thuế quan mà không nhận được bất cứ thứ gì đổi lại từ Trung Quốc sẽ được coi là một dấu hiệu của sự yếu kém,” ông Alden nói.
Tổng thống Trump tuyên bố chiến dịch thuế quan của ông đối với các sản phẩm Trung Quốc đã có hiệu quả, buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.
“Họ muốn làm tôi vui. Bởi vì họ biết rằng tôi là một người rất dễ nổi giận khi nhắc đến họ và tôi phát ngán vì họ”, Tổng thống Trump nói với Fox Business hôm 8/10.
Ông cũng cho biết sẽ giữ nguyên các mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi đắc cử, vì nó đã giúp mang lại “hàng tỷ USD” cho nông dân Hoa Kỳ và cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ.
Trong một bài phân tích (op-ed) gần đây, ông Peter Morici, một nhà kinh tế và giáo sư kinh doanh tại Đại học Maryland, đã bảo vệ chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Ông viết: “Thành tích của Tổng thống Donald Trump và tầm nhìn phiến diện của cựu Phó Tổng thống Joe Biden khiến người đương nhiệm trở thành lựa chọn tốt hơn”.
Ông Morici nói với The Epoch Times: “‘Chủ nghĩa đa phương lỗi thời’ đã không còn tác dụng. Chúng ta cần một nhân cách Trump để đưa thế giới thoát khỏi những giả định cũ.”
Tuy nhiên, khi nói đến chính sách thương mại với Trung Quốc, ông Morici lập luận rằng “các chính sách cứng rắn hiện tại sẽ tiếp tục” sau cuộc bầu cử bất kể ai là người giành chiến thắng.
“Ông Biden sẽ thử làm theo một cách khác, nhưng kết quả sẽ giống nhau. Đó sẽ là một sự bế tắc,” ông nói.
Chính sách Trung Quốc mới của ông Biden
Tổng thống Trump vào năm 2018 đã phá vỡ chính sách lâu dài của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và tuyên bố áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng. Động thái này của ông đã đánh dấu cách tiếp cận cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ.
Tổng thống Trump đã liên tiếp sử dụng cách tiếp cận mềm mỏng đối với Trung Quốc của đối thủ Đảng Dân Chủ chống lại ông. Ông gọi việc Trung Quốc gia nhập WTO là “một trong những thảm họa địa chính trị và kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới”.
Trong cuộc tranh luận phó tổng thống hôm 7/10, ứng cử viên Đảng Dân Chủ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã không trả lời câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có phải là đối thủ cạnh tranh, địch thủ hay kẻ thù hay không. Thay vào đó, bà nói rằng chính phủ Trump đã thua trong cuộc chiến thương mại.
“Bị thua trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ư? Ông Joe Biden còn chẳng bao giờ chiến đấu với họ,” Phó Tổng thống Mike Pence trả lời.
“Ông Joe Biden còn là một người cổ vũ cho cộng sản Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua.”
Theo một bài báo của New York Times, ông Biden đã tích cực tham gia vào việc xây dựng các mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Ông Biden đã gặp ông Tập Cận Bình, khi đó là nhà lãnh đạo mới nhậm chức của Trung Quốc, ít nhất 8 lần vào năm 2011 và 2012, và thậm chí còn chơi bóng rổ với ông ta trong một chuyến thăm một trường trung học ở tỉnh Tứ Xuyên, tờ báo đưa tin.
Năm nay, ông Biden đã phải chịu áp lực chính trị để tỏ ra cứng rắn với chế độ Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, ở khắp các quốc gia phát triển việc chấp thuận Trung Quốc đã giảm mạnh, do cách Bắc Kinh xử lý đại dịch virus corona và đàn áp dân chủ ở Hồng Kông và Tân Cương.
Một cuộc khảo sát mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc tại 14 quốc gia đã đạt đến các mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Tại Hoa Kỳ, 73% số người được hỏi nói rằng họ thấy không tán thành đất nước này. Các ý kiến tiêu cực về Trung Quốc đã tăng gần 20 điểm phần trăm kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017.
Ông Alden nói: “Lập trường của Đảng Dân Chủ đối với Trung Quốc đã thay đổi về căn bản. Nếu Bắc Kinh đang hy vọng rằng chính phủ Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc, thì tôi nghĩ họ sẽ bị thất vọng sâu sắc”.
Theo tuyên bố chính sách của mình, ông Biden cam kết “thực hiện các hành động thực thi thương mại mạnh mẽ đối với Trung Quốc” để hạn chế các hành động chống cạnh tranh của nước này, bao gồm thao túng tiền tệ, bán phá giá và trợ cấp ồ ạt.
Tuy nhiên, thay vì thay đổi Trung Quốc, các chuyên gia thương mại tin rằng ông Biden sẽ tập trung nhiều hơn vào việc củng cố Hoa Kỳ bằng cách tạo ra động lực để đưa các chuỗi cung ứng trở lại và triển khai các kế hoạch “Mua hàng Mỹ” để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.
Ông Biden cũng hứa sẽ làm việc với các đồng minh để hiện đại hóa các quy tắc thương mại quốc tế và gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc.
Ông Biden đã phải đối mặt với cáo buộc đạo văn vì một số đề xuất chính sách của ông đã lặp lại các chính sách thương mại và sản xuất của Tổng thống Trump, bao gồm cả hình mẫu “Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ”.
“Nó có vẻ hơi giống đạo văn, là kỹ năng mà ông Joe Biden biết một chút,” ông Pence nói trong cuộc tranh luận.
Trong khi các chuyên gia thương mại đồng ý rằng ông Biden sẽ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, Đảng Cộng Hòa và nhiều người bảo thủ đặt câu hỏi liệu ông ấy có khả năng thực hiện các chính sách này hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Các nhà Lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ của The Epoch Times, Dân biểu Jim Banks (Cộng Hoà-Indiana) đã nêu lên những lo ngại về năng lực của ông Biden trong việc chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Ở một mặt của lá phiếu, chúng ta có Tổng thống Trump với đội ngũ lãnh đạo phi thường này, những người hiểu rõ mối đe dọa từ Trung Quốc hơn bao giờ hết, so với mặt kia là một chính trị gia, ông Joe Biden, người đã 50 năm trong đội ngũ lãnh đạo ở Hoa Kỳ, những người đã làm ngơ trước những hành động của Trung Quốc. Đó là những gì có trên lá phiếu,” ông nói.
Thỏa thuận giai đoạn hai?
Mặc dù thỏa thuận thương mại giai đoạn một là một bước đột phá quan trọng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng nó không giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay như vấn đề trợ cấp nhà nước của Trung Quốc. Vấn đề trợ cấp cùng với các vấn đề cấu trúc khác trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc đã được hoãn lại cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Ông Derek Scissors, một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, kêu gọi cả hai ứng cử viên tập trung vào việc tìm cách giải quyết vấn đề trợ cấp hàng loạt, và gọi đó là “hành vi có hại nhất của Trung Quốc”.
Trong một báo cáo mới đây, ông viết: “Trong khi vấn đề cưỡng chế chuyển giao sở hữu trí tuệ đáng nhận được sự quan tâm, thì vấn đề trợ cấp là hành động kinh tế tồi tệ nhất.”
“Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước thường được trao quyền lực độc quyền và luôn được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh, đã không cho những người khác các cơ hội ở Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới”.
Ông thúc giục chính phủ kế tiếp phải trước tiên ghi chép lại các vấn đề bao cấp của Trung Quốc và sau đó sử dụng các tài liệu này để biện minh cho một “đòn trả đũa khắc nghiệt” đối với Bắc Kinh. Theo ông Scissors, việc trả đũa có thể bao gồm việc áp dụng các loại thuế chống bán phá giá và đóng cửa một số thị trường đối với Trung Quốc.
Trong khi ký kết thỏa thuận giai đoạn một, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ duy trì một số mức thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc như một tấm bài thương lượng cho giai đoạn hai của thỏa thuận. Tuy nhiên, sau đại dịch, Tổng thống Trump đã biểu lộ sự do dự về việc đàm phán một thỏa thuận giai đoạn hai với Trung Quốc.
Vẫn chưa rõ liệu Hoa Kỳ có thể đạt được tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh sau cuộc bầu cử tháng 11 hay không, vì vẫn có cảm giác hoài nghi về khả năng Trung Quốc nhượng bộ về các cải cách cơ cấu.
“Tôi nghĩ một thỏa thuận giai đoạn hai là rất khó xảy ra. Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã biểu đạt rất rõ rằng họ không muốn chấp nhận những cải cách cơ cấu rộng rãi mà Hoa Kỳ đang thúc đẩy,” ông Alden nói.
Vì vậy, sau những nỗ lực không thành công trong việc kiềm chế vấn đề trợ cấp của Trung Quốc, ông nói: “Chúng ta hiện đang chuyển sang giai đoạn của một cuộc chiến dốc toàn lực với vấn đề trợ cấp mà trong đó Hoa Kỳ và các nước khác sẽ cố gắng đánh bại Trung Quốc để thuyết phục các công ty đặt tại quốc gia của mình.”