Chuyên gia quân sự Trung Cộng: Thời hạn cho vấn đề Đài Loan có thể sớm nhất là ngày mai, hoặc muộn nhất là năm 2050
Các quan chức Trung Cộng đang nhắc lại cam kết về cái gọi là thống nhất đất nước với Đài Loan, một hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là của riêng mình, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan.
Hôm 16/04, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) nói với hãng thông tấn AP rằng, “Sự thống nhất đất nước của Trung Quốc là một tiến trình và xu hướng lịch sử không thể tránh khỏi.”
Khi được hỏi liệu phía Trung Quốc có lộ trình đưa Đài Loan về dưới sự cai trị của Bắc Kinh hay không, ông Lạc không trả lời trực tiếp nhưng nhấn mạnh rằng, “Đây là một tiến trình mang tính lịch sử.”
Chuyên gia quân sự của Trung Cộng, ông Vương Vân Phi (Wang Yunfei), đã đưa ra kiến giải của ông về tuyên bố của ông Lạc trong một cuộc phỏng vấn với tờ Văn Hối (Wenweipo.com), kênh thông tấn dưới sự kiểm soát của Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương [Trung Quốc] tại Hồng Kông.
Ông Vương được cho là nhà nghiên cứu tại một viện chính sách quốc phòng quốc gia. Tuy nhiên, thông tin về ông này và cả cơ quan của ông đều không rõ ràng và không thể truy cập trực tuyến.
Theo giải thích của vị chuyên gia này, những gì mà ông Lạc đề nghị là Trung Quốc có một lịch trình [cho việc này], nghĩa là việc thống nhất có thể đến sớm nhất là vào ngày mai, hoặc muộn nhất là vào năm 2050.
Ông Vương nhấn mạnh: “Điều đó không thể bị trì hoãn vô thời hạn.”
Theo ông, tiến trình lịch sử thống nhất hai bờ eo biển nằm trong tay Trung Quốc. Điều đó đang đến gần chừng nào Đài Loan chạm vào bất kỳ một trong cái gọi là “ba lằn ranh đỏ” được quy định trong Luật Chống Ly khai của Trung Quốc, được thông qua vào tháng 03/2005.
Những lằn ranh đỏ đó được thể hiện trong Điều 8 của luật này, bao gồm việc Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc dưới bất kỳ tên gọi nào hoặc bằng bất kỳ hình thức nào; xảy ra những sự cố lớn dẫn đến ly khai; hoặc mất khả năng thống nhất trong hòa bình.
Luật chống ly khai cho Trung Cộng cơ sở pháp lý để hành động quân sự chống lại Đài Loan nếu đảo quốc này ly khai hoặc có biểu hiện sắp ly khai, khiến eo biển hẹp Đài Loan này trở thành điểm bùng nổ quân sự tiềm tàng.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Vương cũng cảnh báo rằng Đài Loan không cách nào được độc lập một cách hòa bình, từng bước hay hợp pháp.
Trên thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan về dưới sự kiểm soát của mình. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã tăng cường thực hiện việc điều phi cơ quân sự của họ đi vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, đặc biệt là sau khi Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng 01/2020.
Để đáp trả các mối đe dọa ngày càng tăng từ nhà cầm quyền Trung Cộng, chính phủ của bà Thái đã thể hiện quyết tâm đối đầu với Trung Quốc đồng thời theo đuổi các mối bang giao chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nền dân chủ khác.
Hôm 16/04, một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đề cập đến “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan,” đây là lần đầu tiên đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố như vậy của lãnh đạo hai nước kể từ năm 1969.
Biện pháp mới nhất của Hoa Kỳ là việc thông qua Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 hôm 21/04, nhằm bảo đảm rằng Hoa Kỳ có khả năng đối mặt với những thách thức từ Trung Cộng. Đạo luật này đề xướng việc bán vũ khí thường xuyên cho Đài Loan, để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, khuyến khích và thúc đẩy Đài Loan phát triển khả năng tác chiến phi đối xứng, chỉ ra rằng các biện pháp liên quan sẽ giúp ngăn chặn PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) khai triển sức mạnh quân sự đến các khu vực ngoài Chuỗi đảo Đầu tiên.
Do Frank Yue thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: