Chuyên gia pháp lý: Vụ kiện bầu cử của biện lý đặc biệt thiếu thuyết phục, nhưng vẫn khó khăn cho ông Trump
Các chuyên gia pháp lý nói với The Epoch Times rằng, cựu Tổng thống Donald Trump có cách bào chữa thuyết phục nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ được đối xử công bằng bởi vị thẩm phán liên bang ở Hoa Thịnh Đốn, người sẽ tiến hành phiên tòa xét xử vụ việc can thiệp bầu cử.
Thẩm phán Tanya Chutkan, người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Tòa án Địa hạt Liên bang cho Hoa Thịnh Đốn hồi năm 2014, đã ấn định phiên xét xử bắt đầu vào ngày 04/03/2024 về các cáo buộc cản trở bầu cử.
Những người chỉ trích cho rằng Thẩm phán Chutkan đã không công bằng đối với những người bị cáo buộc vi phạm an ninh và bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021, khiến Quốc hội trì hoãn việc chứng nhận cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 trong vài giờ. Bà thường áp dụng các mức án tù đối với những bị cáo này nặng hơn những gì các công tố viên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) yêu cầu.
Bản thân cựu Tổng thống Trump đã nói rằng Thẩm phán Chutkan nên được cáo tỵ khỏi vụ án này và phiên tòa nên được chuyển ra khỏi thủ đô của Mỹ quốc vì bồi thẩm đoàn được chọn sẽ là những người ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Ngày xét xử
Các luật sư của cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu ngày xét xử vào tháng 04/2026, rất lâu sau cuộc bầu cử tháng 11/2024, mặc dù vị thẩm phán cho biết bên bào chữa không cần nhiều thời gian như vậy để xem xét vụ án.
“Ông Trump sẽ phải sắp xếp ngày xét xử cho thỏa đáng, bất kể lịch trình của ông ấy như thế nào,” Thẩm phán Chutkan nói.
Ngày xét xử là một vấn đề chính trị đối với cựu Tổng thống Trump, người đang vận động tranh cử tổng thống lần thứ ba, vì ngày này rơi vào một ngày trước cuộc tranh cử sơ bộ “Siêu Thứ Ba” của Đảng Cộng Hòa ở 15 tiểu bang, trong đó có các tiểu bang thường có nhiều đại biểu như Texas, California, và North Carolina.
Cựu Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cho rằng việc thẩm phán do Đảng Dân Chủ bổ nhiệm ấn định ngày xét xử như vậy là hành vi can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024. Mặc dù nhóm pháp lý của ông có thể vẫn thành công trong việc trì hoãn ngày xét xử nếu họ nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hoặc lên Tối cao Pháp viện, nhưng bất kỳ kháng cáo nào như vậy đều không mang lại kết quả chắc chắn.
Luật sư Curt Levey, chủ tịch Ủy ban vì Tư pháp (Committee for Justice), một tổ chức bất vụ lợi vận động pháp lý có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, nói với The Epoch Times rằng, không có một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp nào vì cựu Tổng thống Trump “hiện không phải là tổng thống,” nên các phiên tòa sẽ không can thiệp vào nhiệm vụ công quyền, nhưng “trong chừng mực những cáo trạng này đang cản trở khả năng tiến hành cuộc bầu cử tổng thống, thì đúng vậy, đó là một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp.”
‘Gian lận trong việc quyết định kết quả’
Bản cáo trạng (pdf) được đại bồi thẩm đoàn thông qua hôm 01/08 nói rằng sau khi thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cựu Tổng thống Trump “đã lan truyền những lời nói dối rằng đã có gian lận trong việc quyết định kết quả trong cuộc bầu cử và rằng ông ấy đã thực sự thắng. Những lời tuyên bố này là sai sự thật và Bị cáo biết rằng là những lời tuyên bố đó là sai sự thật.”
“Nhưng Bị cáo vẫn lặp lại và phổ biến rộng rãi những tuyên bố đó — để làm cho những tuyên bố cố ý sai sự thật của ông ấy có vẻ hợp pháp, tạo ra bầu không khí nghi ngờ và phẫn nộ dữ dội trên toàn quốc, đồng thời làm xói mòn niềm tin của công chúng vào ban điều hành của cuộc bầu cử.”
Cựu Tổng thống Trump “giống như mọi người Mỹ, có quyền công khai nói về cuộc bầu cử và thậm chí tuyên bố sai sự thật rằng đã có gian lận trong việc quyết định kết quả trong cuộc bầu cử và rằng ông ấy đã thắng. Ông cũng có quyền chính thức phản đối kết quả bầu cử thông qua các biện pháp hợp pháp và thỏa đáng, chẳng hạn như bằng cách yêu cầu tái kiểm đếm hoặc kiểm toán số phiếu phổ thông ở các tiểu bang hoặc nộp đơn kiện phản đối các lá phiếu và các thủ tục.
“Thật vậy, trong nhiều trường hợp, Bị cáo đã theo đuổi các phương pháp tranh chấp kết quả bầu cử này. Những nỗ lực của ông ấy nhằm thay đổi kết quả ở bất kỳ tiểu bang nào thông qua việc tái kiểm điểm phiếu, kiểm toán, hoặc thách thức pháp lý đều không thành công.”
Nhưng sau Ngày Bầu Cử, ông ấy “còn theo đuổi các biện pháp bất hợp pháp nhằm giảm giá trị các phiếu bầu hợp pháp và phá hoại kết quả bầu cử. Khi làm như vậy, Bị cáo đã thực hiện ba âm mưu phạm tội:
“a. Một âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ bằng cách sử dụng hành vi không trung thực, gian lận, và lừa dối để làm suy yếu, cản trở, và phá hoại chức năng hợp pháp của chính phủ liên bang trong đó có kết quả của cuộc bầu cử tổng thống được chính phủ liên bang thu thập, kiểm đếm, và chứng nhận, vi phạm Đề mục 18 U.S.C. [Mục] 371;
“b. Một âm mưu cản trở một cách đồi bại và làm chậm thủ tục Quốc hội ngày 06/01, trong đó kết quả thu thập được của cuộc bầu cử tổng thống được kiểm đếm và chứng nhận (“thủ tục chứng nhận”), vi phạm Đề mục 18 U.S.C. [Mục] 1512(k); Và
“c. Một âm mưu chống lại quyền bỏ phiếu và kiểm đếm phiếu, vi phạm Đề mục 18 U.S.C. [Mục] 241.”
Mục 241 của Đề mục 18 thuộc Bộ luật Hoa Kỳ là luật có từ thời kỳ Tái Thiết. Điều khoản này là một phần của Đạo luật Thực thi năm 1870, một trong những luật được gọi là Đạo luật Ku Klux Klan được ban hành để bảo vệ quyền của người Mỹ gốc Phi Châu khỏi sự xâm phạm của các tổ chức hùng mạnh một thời như Klan. Các Tu chính án thứ 13, 14, và 15 của Hiến Pháp Hoa Kỳ vừa mới công nhận đạo luật này.
Ngoài ra, bản cáo trạng nêu rõ rằng cựu Tổng thống Trump “đã cố gắng, và đã làm, cản trở một cách đồi bại và làm chậm một thủ tục chính thức, tức là việc chứng nhận cuộc bỏ phiếu bầu cử,” trái với Đề mục 18 U.S.C. Mục 1512(c)(2).
‘Vụ kiện khó khăn’
Ông David Gelman, cựu phó biện lý và là luật sư bào chữa hình sự thuộc công ty luật Gelman Law ở Cherry Hill, New Jersey, cho rằng vụ truy tố này sẽ gặp khó khăn.
“Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một vụ rất khó để họ có thể chứng minh,” ông Gelman nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.
“Chỉ riêng về âm mưu — tôi không biết làm thế nào họ có thể chứng minh rằng vị tổng thống này … đã âm mưu hoặc đồng ý thực hiện một hành động hoặc một hành động công khai nhằm tiếp tay cho tội ác. … Tôi không biết họ sẽ làm điều đó như thế nào,” ông nói
“Tôi nghĩ phía chính phủ liên bang có nghĩa vụ chứng minh khá khó khăn, mà tôi không nghĩ là họ sẽ thành công.”
Việc xét xử cựu Tổng thống Trump ngay từ đầu tháng 03/2024 là “bất khả thi,” ông nói. “Giá nào tôi cũng cược rằng điều đó sẽ không xảy ra.”
Phía công tố đã tiết lộ gần 11 triệu tài liệu cho bên bào chữa và “không cách nào nhóm pháp lý của ông ấy có thể … xem qua tất cả những khám phá đó,” để chuẩn bị cho cựu tổng thống, và tham dự phiên xét xử trong khung thời gian đó.
“Việc đó sẽ vi phạm các quyền theo thủ tục tố tụng hợp pháp của ông ấy,” ông nói.
Ông Gelman cho rằng có thể có ba phiên tòa khác của ông Trump được ấn định sẽ diễn ra cùng lúc, cũng đang gấp rút, và bản thân điều đó sẽ dẫn đến kháng cáo. Ông cũng cho biết thêm rằng các phiên tòa khác cũng khó có thể tiến hành vào thời điểm đó.
Quyền miễn trừ
Ông Levey cho biết Thẩm phán Chutkan có “thù địch với ông Trump.”
Ông Levey cho rằng, bà ấy có thể bác bỏ mọi lập luận cho rằng cựu Tổng thống Trump được miễn truy tố vì các hoạt động của ông có liên quan đến chức vụ tổng thống của ông.
Nếu bất kỳ phán quyết bất lợi nào mà vị thẩm phán này có thể đưa ra bị kháng cáo, thì Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vốn bị “chính trị hóa” và “nghiêng về phía cánh tả,” có thể sẽ ra phán quyết chống lại cựu Tổng thống Trump, vì vậy “cuối cùng thì mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tối cao Pháp viện.”
Ông Levey cho rằng Tối cao Pháp viện đã “có quyền miễn trừ tổng thống ở khắp mọi nơi, và đó là vì quyền này không có trong Hiến Pháp,” mặc dù điều đó ngụ ý rằng cựu tổng thống “phải có mức độ miễn trừ hợp lý để thực hiện công việc của mình.”
“Pháp viện đã cố gắng đạt được sự cân bằng giữa công lý và sự thật là tổng thống phải làm việc theo chức năng,” ông Levey nói.
“Một người không muốn hạn chế tự do ngôn luận, không muốn hạn chế khả năng ra quyết định của một tổng thống, thì người đó phải định ra được rõ ràng những gì có thể nằm trong chức năng hợp pháp của tổng thống. Nếu không làm được vậy, thì sẽ làm giảm khả năng ra quyết định của vị tổng thống này và các tổng thống tương lai,” ông nói thêm.
Mặc dù Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết về các vấn đề liên quan đến việc các tổng thống và nhân viên nhánh hành pháp bị kiện hoặc điều tra hình sự, nhưng đây là lần đầu tiên có một cựu tổng thống bị truy tố.
Vấn đề phức tạp hơn nữa là thực tế cựu Tổng thống Trump đang tranh cử để lấy lại công việc cũ và có thể trở lại làm tổng thống vào tháng 01/2025. Nếu các cuộc truy tố vẫn đang được tiến hành ngay từ khi bắt đầu chính phủ Tổng thống Trump nhiệm kỳ thứ hai, thì không rõ điều gì sẽ xảy ra với họ.
Năm 1982, Tối cao Pháp viện ra phán quyết trong vụ Nixon kiện Fitzgerald rằng một tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối khỏi trách nhiệm pháp lý đối với các thiệt hại dân sự liên quan đến các hành động chính thức được thực hiện khi còn đương chức.
Nhưng vào năm 1997, Pháp viện nhận thấy Tổng thống Bill Clinton không thể tránh khỏi một vụ kiện dân sự về những sự kiện diễn ra trước khi ông trở thành tổng thống.
Vào năm 2020, Pháp viện cho rằng cựu Tổng thống Trump không thể trốn tránh trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn về hồ sơ thuế của ông trong một cuộc điều tra hình sự. Cuộc điều tra đó đã dẫn đến bản cáo trạng cấp tiểu bang hiện truy tố ông ở New York vì cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh.
Ý định phạm tội
Theo ông Levey, việc truy tố tại tòa án liên bang ở Hoa Thịnh Đốn sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh ý định phạm tội.
“Nếu quý vị nói chuyện với bất cứ ai biết ông Trump, họ đều nói rằng cho đến ngày nay ông ấy vẫn tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp,” vì vậy việc chứng minh ý định “sẽ rất khó khăn,” ông nói.
Ông Levey nói thêm rằng sự thật là ông ấy đã nhận được lời khuyên từ luật sư để “tiến tới ý định” và “ông ấy nghĩ một cách hợp lý rằng đây là một cách hợp pháp để tiến hành.”
Điều này không nhất thiết có nghĩa là ông ấy sẽ thắng, “nhưng một luật sư giỏi không chỉ mỗi đưa ra những lập luận rõ ràng — họ còn đưa ra được những lập luận áp dụng luật pháp trên phạm vi rộng đến các ranh giới bên ngoài của luật pháp.”
Ông Levey nói cho rằng, thực tế là bản cáo trạng do Biện lý Đặc biệt Jack Smith của DOJ đưa ra thảo luận về các quyền của cựu Tổng thống Trump theo Tu chính án thứ Nhất và nêu chi tiết những điều như những gì ông viết trên Twitter, nay là có tên là X, cho thấy rằng “các cáo buộc đó là thiếu thuyết phục.”
“Đó là một quá trình khó khăn,” ông nói. “Trong một tình huống không bị chính trị hóa, điều này thậm chí sẽ không bao giờ được đưa ra.”
Ông Levey nói, các công tố viên, không giống như các luật sư bào chữa, không nên đưa ra các vụ án “liên quan đến những lý thuyết pháp lý hết sức mới lạ.”
Mục tiêu của chính phủ ông Biden ở đây “căn bản không phải là để can thiệp việc kháng cáo. Ít nhất, họ muốn làm cho ông Trump mất uy tín trong cuộc bầu cử này … để cho các phiên xét xử diễn ra trong cuộc bầu cử.”
Ông cho rằng, “Đó là một cuộc truy tố rất khó khăn,” nhưng “có thể thành công” trong việc hoàn thành “mục tiêu chính trị ngắn hạn” là có được một bản án ngay cả khi bản án đó không qua được thủ tục kháng cáo.
Tối cao Pháp viện
Ông Levey nói rằng Tối cao Pháp viện có thể thông qua nhiều vấn đề được nêu ra nhưng “vấn đề miễn trừ có lẽ là vấn đề mà họ cần giải quyết.”
Chánh án John Roberts và Thẩm phán Brett Kavanaugh rất thận trọng và không muốn bị coi là mang tính chính trị và có thể “quyết định né tránh điều đó,” nhưng “đây là một vấn đề về Hiến Pháp cơ bản và quan trọng — quyền miễn trừ dành cho tổng thống — mà tôi chắc chắn nghiêng về suy nghĩ rằng Pháp viện sẽ giải quyết vấn đề đó trước khi có phán quyết cuối cùng, dù có thể khiến họ đau lòng đến mức nào, thay vì chọn cách trì hoãn trong vài năm.”
Ông Gelman cho biết việc bảo vệ quyền miễn trừ dành cho tổng thống cần phải được tiếp tục.
“Bởi vì một người nếu là tổng thống [và] công việc số 1 của vị đó là bảo đảm quốc gia được an toàn, nhưng đồng thời, vị đó là một nhân vật chính trị — vì vậy miễn là vị đó có thể phân biệt được những gì mình làm là với tư cách là một tổng thống chứ không phải với tư cách chính trị,” ông nói.
Ông cho rằng luật sư bào chữa sẽ tấn công nhiều cáo buộc âm mưu bằng cách lập luận rằng cựu Tổng thống Trump đang hành động trong thẩm quyền của ông với tư cách là tổng thống.
Vị luật sư này cho rằng, “Không có gì bất hợp pháp” khi yêu cầu các cá nhân kiểm tra máy bỏ phiếu.
“Người ta được phép thách thức và người ta được phép đặt câu hỏi về các cuộc bầu cử. Đó là những gì ông ấy sẽ tranh luận. Và đó sẽ là cách bào chữa của ông ấy, không chỉ về âm mưu, mà chỉ nói chung, bởi vì miễn là người ta thường tin rằng” có những hành vi không đúng đắn liên quan đến bầu cử đang diễn ra, “người ta có quyền thách thức việc đó,” ông ấy nói.
“Thành thật mà nói, ý tôi là, ở Mỹ, người ta nên thách thức điều đó,” ông nói thêm.
Thách thức về bầu cử
Ông Gelman cho biết, nhiều cuộc bầu cử khác đã bị thách thức mà những người thách thức không bị buộc tội.
Vào năm 2018, bà Stacey Abrams, ứng cử viên thống đốc thuộc Đảng Dân Chủ ở Georgia, đã thách thức thất bại sít sao của mình trước ông Brian Kemp của Đảng Cộng Hòa và bà ấy đã không bị buộc tội. “Bà ấy vẫn tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp,” ông nói.
Ông Al Gore, ứng cử viên Đảng Dân Chủ, không bị buộc tội sau khi ông thách thức thất bại của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 trước ông George W. Bush của Đảng Cộng Hòa.
“Thách thức về bầu cử cứ trải khắp như vậy,” ông nói.
“Đây chỉ là một ví dụ khác về một tổng thống, hoặc chỉ một cá nhân trong hoạt động chính trị. Vị này tin rằng có một số điều không chính xác, và một số điều sai ở một số chỗ, và [cựu Tổng thống Trump] đang thách thức những điều đó.”
Hồi đáp về những cáo buộc cho rằng những cáo trạng được đưa ra truy tố cựu Tổng thống Trump nhằm cản trở chiến dịch tranh cử của ông ấy, ông Gelman nói: “Tôi nghĩ chắc chắn có thể có điều gì đó ở đó. Không có lửa làm sao có khói.”
“Tất cả những cáo trạng này đã được đệ trình trong vòng vài tháng qua, khi tất cả những cáo buộc này diễn ra hơn hai năm trước.”
“Thật ngẫu nhiên khi các cáo trạng được đưa ra đúng vào thời điểm bầu cử. Và ngày xét xử của những vụ này đang được đề nghị hoặc ấn định vào khoảng mùa bầu cử sơ bộ,” ông nói.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times