Chuyên gia phân tích: Ông Tôn Lực Quân dính líu đến âm mưu tài chính, có cả một kho vũ khí
Bắc Kinh chính thức buộc tội ông Tôn Lực Quân, một cựu Thứ trưởng Bộ Công an, về tội nhận hối lộ, thao túng thị trường, và sở hữu vũ khí trái phép. Một chuyên gia giải thích những cáo buộc bất thường này là có hàm ý gì.
Ông Tôn đã bị Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan giám sát chống tham nhũng của chế độ Trung Cộng, điều tra vào hồi tháng 04/2020.
Trong khi nhận hối lộ là một cáo buộc điển hình đối với các quan chức tham nhũng, thì những cáo buộc thao túng thị trường và sở hữu vũ khí bất hợp pháp là rất hiếm thấy và thậm chí chưa từng có.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một nhà phân tích chính trị và nghiên cứu luật, người Trung Quốc, tiết lộ nội tình đằng sau những lời cáo buộc này.
Thao túng thị trường: Một cuộc đảo chính tài chính
Trước đây, rất ít quan chức tham nhũng, vốn được mệnh danh là những con hổ, bị buộc tội giao dịch nội gián hoặc làm rò rỉ bí mật thương mại, mà ở Trung Quốc được gọi là “tội phá hoại trật tự quản lý tài chính.” Cáo buộc “thao túng thị trường” là mới đối với những con hổ bị ngã ngựa.
Ông Viên tin rằng [tội danh] thao túng thị trường này ám chỉ cuộc đảo chính tài chính mà tỷ phú Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) đã thực hiện hơn sáu năm về trước.
Đầu năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng vọt và dẫn đầu thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, vào mùa hè năm đó, thị trường này giảm mạnh – hơn 90% cổ phiếu Trung Quốc giảm hơn 50% [giá trị]; hàng ngàn cổ phiếu chạm đáy – đã dẫn đến cuộc điều tra thị trường chứng khoán Trung Quốc. Giá cổ phiếu chạm đáy là mức giảm giá tối đa cho phép của một cổ phiếu hoặc hàng hóa trong một ngày giao dịch.
Năm 2017, [Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc] CCTV, cơ quan ngôn luận của nhà nước, đã công bố rằng sự lên xuống đột ngột của thị trường chứng khoán năm 2015 là một “tội thao túng tài chính”. Ông Tiêu được cho là kẻ cầm đầu trong việc thao túng thị trường này.
Sau đó, ông Tiêu đã biến mất vào đầu năm 2017. Ông Tiêu được cho là đã bị bắt cóc khỏi nơi cư trú ở Hồng Kông, và bị đưa về đại lục.
Ông Viên nói với ấn bản Hoa ngữ của tờ The Epoch Times rằng vụ sụp đổ chứng khoán năm 2015 thực sự là một cuộc đảo chính tài chính và “ông Tiêu là người đứng sau hậu trường.”
Theo ông Viên, điều đó nhằm cảnh báo ông Tập Cận Bình rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập không nên đi quá xa. Ông Tiêu muốn bảo đảm lợi ích của các ‘Thái tử Đảng’ và giới tinh hoa, đặc biệt là phe của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân.
“Khi đó tôi ở Đài Loan. Người của ông Tiêu đã đến gặp tôi. Tôi đã cảnh báo ông ấy rằng ông ấy nên ở một nơi an toàn nếu như ông ấy muốn làm điều đó. Nhưng ông Tiêu nghĩ Hồng Kông là đủ an toàn và ông có các vệ sĩ bảo vệ. Tôi đã nói với ông ấy rằng đó là một sai lầm. Nhưng ông ấy không nghe,” ông Viên cho biết, đó là trước năm 2015.
Vào năm 1986, ông Tiêu được nhận làm sinh viên trường luật tại Đại học Bắc Kinh, khi đó ông Viên đang là giảng viên, và là giám đốc của tổ chức sinh viên luật năm đó. Họ trở nên quen biết và duy trì liên lạc với nhau.
Ông Viên cho hay ông Tiêu có nhiều mối quan hệ trong Đảng và chính quyền. Ông Tiêu có mối liên hệ với ông Tôn tại Bộ Công an. Nhưng ông Tôn không phải là người đóng vai trò chính trong vụ chứng khoán sụp đổ.
Ông Tôn đã tham gia chỉ vì người ta tin rằng có công an tham gia sẽ giúp kiểm soát tốt hơn thị trường chứng khoán. Ông Viên nói, “Tôi hiểu rằng cáo buộc ‘thao túng thị trường’ là dựa trên những gì ông Tiêu đã thú nhận.”
Năm 1999, ông Tiêu đã thành lập Tập đoàn The Tomorrow Group. Trong vòng 20 năm, ông Tiêu trở thành “găng tay trắng” (kẻ rửa tiền) cho một số quan chức cộng sản cao cấp, và The Tomorrow Group đã phát triển thành một ‘kẻ săn mồi tài chính’ tầm cỡ.
Sau khi ông Tiêu mất tích, truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng ông Tiêu đã tích cực hợp tác với chính quyền để giảm nhẹ hình phạt cho “những tội lỗi” của mình.
Kho súng, đủ cho một Trung đội
Tháng 09/2021, chế độ Trung Cộng cáo buộc ông Tôn có “tham vọng chính trị” và “các hoạt động băng đảng”, “gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh chính trị”. Điều này được hiểu là ông ấy đã dính líu đến một cuộc đảo chính.
Với một quan điểm khác về những cáo buộc này, ông Viên tin rằng đó là một cuộc chiến, tranh giành quyền lực giữa ông Tôn và ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), bí thư đương nhiệm và là thứ trưởng Bộ Công an, đồng thời là người thân tín của ông Tập Cận Bình.
Ông Viên cho biết, sau khi ông Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei), cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch Interpol, bị sa thải vào năm 2018, “ông Tôn cảm thấy mình có thâm niên trong ngành công an.” Nhưng, ông Tập lại thăng chức cho ông Vương Tiểu Hồng.
“Tham vọng chính trị của ông Tôn là loại bỏ ông Vương và trở thành Bộ trưởng Bộ Công an,” ông Viên nhận định.
Một trong số các cáo buộc mà phương tiện truyền thông Trung Quốc tiết lộ vào năm 2020 là ông Tôn đã “bí mật cất giữ một lượng lớn các tài liệu mật.” Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng trong số đó có cả những [tài liệu] bí mật về nguồn gốc của đại dịch hiện nay mà vợ ông cất giữ ở Úc.
Ông Viên nói rằng thực tế thì những tài liệu đó đã được “găng tay trắng” ở ngoại quốc của ông Tôn che giấu.
Ông Viên cho hay, “Một người nào đó tự xưng là người đưa tin của ông Tôn đã đến Đài Loan để gặp tôi. Đó là một trong những găng tay trắng ở ngoại quốc của ông ấy.” Găng tay trắng của ông ấy sẽ giấu những tài liệu đó để giữ cho ông Tôn còn sống, “Nếu ông ấy qua đời, họ sẽ phơi bày những tài liệu đó,” ông Viên nói thêm.
“Ông Tôn sở hữu súng, đủ để trang bị cho một trung đội binh lính,” người đưa tin nói với ông Viên Hồng Băng.
Ông Viên Hồng Băng đã tị nạn chính trị ở Úc vào năm 2004. Mối lo lắng của ông về nền dân chủ Trung Quốc đã khiến ông thường xuyên đến thăm Đài Loan bắt đầu từ năm 2005. Trong một số bài giảng của ông ở Đài Loan, ông Viên đã cố gắng cảnh báo Đài Loan về sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo ông Viên, ông Tôn lo lắng cho sự an toàn của bản thân và đó là lý do tại sao người đưa tin đã liên hệ với ông. Ông Viên đồng ý gặp người đưa tin vì muốn thuyết phục ông Tôn nổi dậy chống lại [chính quyền].
Phải mất 17 tháng để chế độ Trung Cộng khai trừ ông Tôn ra khỏi Đảng và cách chức ông khỏi chức vụ chính thức – một hình phạt kỷ luật đối với các đảng viên – sau khi nhà chức trách công bố về cuộc điều tra đối với ông Tôn. Ông Viên coi khoảng thời gian này là hiếm thấy, cho thấy rằng Đảng này đã không thể tìm thấy các tài liệu mật mà ông Tôn lưu giữ thông qua những những người thân tín của mình ở ngoại quốc.
Tuy nhiên, những người bạn ở ngoại quốc của ông Tôn đều có gia quyến của họ ở Trung Quốc, những người mà họ sẽ phải lo lắng. “Họ hiếm khi có bất kỳ khát vọng chính trị nào,” ông Viên nói thêm, do đó, họ sẽ không nhất thiết phải tiết lộ các tài liệu đó mà từ đó gây rủi ro cho hạnh phúc của gia đình mình.
Ông Viên tin rằng vở kịch Tôn Lực Quân sẽ khơi mào một cuộc đấu tranh mở rộng và đẫm máu giữa ông Tập Cận Bình và phe của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân trong năm 2022.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Ninh Hải Chung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra nước ngoài và làm phóng viên chuyên về các vấn đề thời sự và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: