Chuyên gia: Olympic để lộ hoạt động ‘ngoại giao dollar’ của Trung Quốc
Các quốc gia thân Trung Quốc – những nước có nguyên thủ quốc gia tới dự Thế vận hội và gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình — đang được chế độ cộng sản Trung Quốc tăng cường nỗ lực ưu ái giúp đỡ về mặt tài chính. Các chuyên gia gọi nước đi mới này là một dấu hiệu của ngoại giao hối lộ.
Nội trong ba ngày đầu tiên của Thế vận hội, ông Tập đã trò chuyện với các nhà lãnh đạo từ hơn 20 quốc gia và trao cho họ các hợp đồng mua bán trị giá hàng tỷ dollar hoặc các chương trình hỗ trợ khác.
Hôm 04/02 – đúng ngày khai mạc Thế vận hội, ông Tập đã ký gần 20 hợp đồng dầu khí trị giá khoảng 117.5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vào ngày hôm sau, ông Tập đã gặp mặt năm vị tổng thống đến từ các quốc gia Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbek, Tajik, và Turkmen, cùng những quan chức khác. Mười ngày trước buổi tọa đàm này, ông Tập đã đàm phán với họ qua liên kết video và thông báo rằng Trung Quốc sẽ cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 500 triệu USD cho năm quốc gia này trong ba năm tới đối với các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật mới nhân kỷ niệm 30 năm mối bang giao của họ với Bắc Kinh.
Ngày kế tiếp, ông Tập đã hội đàm với Tổng thống Argentina Alberto Ángel Fernández và ký một biên bản ghi nhớ với ông. Với sự giúp đỡ của ông Tập, Argentina đã tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đổi lại, Argentina sẽ nhận được khoản tài trợ hơn 23 tỷ USD từ Trung Quốc.
Các hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, trong thời gian lưu trú của mình, ông Fernández đã đến thăm phòng triển lãm về lịch sử của ĐCSTQ; nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, một trong những người sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và trung tâm công nghệ của đại tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc. Ông Fernández đã trở thành nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm phòng trưng bày về lịch sử của ĐCSTQ.
Một số học giả cho biết ĐCSTQ có thể phải chịu trách nhiệm cho 60 triệu đến 80 triệu người tử vong bất thường dưới sự cai trị của họ bắt đầu từ năm 1949. Ông Mao, nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc, đã khởi xướng phong trào Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960, khiến cho quốc gia đông dân nhất thế giới này phải rơi vào cảnh hỗn loạn.
Huawei đang nằm dưới sự dò xét gắt gao ở Hoa Kỳ vì lo ngại rằng các sản phẩm của họ có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng cho mục đích gián điệp hoặc làm gián đoạn mạng lưới truyền thông.
‘Mật khẩu rút tiền’ trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc
“Trên bình diện quốc tế, bất kỳ nhà nước nào ủng hộ chế độ cộng sản Trung Quốc hoặc lập trường của họ đều sẽ dễ dàng nhận được viện trợ kinh tế từ ĐCSTQ,” chuyên gia về Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times. “Cư dân mạng cười nhạo ví von điều đó với ‘mật khẩu rút tiền’. Nói cách khác, [sự ủng hộ] đó đang đáp ứng chính xác những gì mà ĐCSTQ yêu cầu trước khi họ trao đi lợi ích tài chính.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, cho biết ông Tập đã nuôi dưỡng ấp ủ một mộng tưởng hão huyền rằng các nhà lãnh đạo ngoại quốc nên đến Bắc Kinh và tán dương đất nước của ông như một cường quốc thế giới.
“[Ông Tập] đã giao cho Tổng thống Nga rất nhiều chỉ lệnh để ưu tiên chính hình ảnh của ông ấy vì Thế vận hội này đang bị nhiều nước tẩy chay,” ông Lý nói. “Tuy nhiên, sẽ không một ai dám phản ánh về số tiền đóng thuế của người dân đã bị lãng phí vì lợi ích của sự kiện này.”
ĐCSTQ đã đồng ý cho Thủ tướng James Marape của Papua New Guinea xuất hiện tại lễ khai mạc hôm 04/02, mặc dù ông có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi đến Bắc Kinh vào một ngày trước đó.
“Trên thực tế, Bắc Kinh đang dùng tiền để mua chuộc bợ đỡ những quốc gia đó,” Tiến sĩ Lâm Tùng (Lin Song) có trụ sở ở Úc nói với The Epoch Times. “Điều này rõ ràng chẳng khác nào ngoại giao hối lộ hay ngoại giao dollar.”
Mặc dù nhiều người dân Trung Quốc còn đang sống ở các vùng núi, còn đang trong cảnh bần hàn, thế nhưng đảng cầm quyền của nước này lại thẳng tay phung phí coi tiền như cỏ rác trong chính sách ngoại giao của mình, chuyên gia này cho biết.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Ning Haizhong và Luo Ya
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: