Chuyên gia: ‘Nhiều người sẽ tử vong vì phong tỏa hơn là vì COVID-19’
Chính sách “Zero COVID” của chính quyền cộng sản Trung Quốc và các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt đã gây ra nhiều thảm kịch và [thu hút] những lời than phiền từ quần chúng. Thượng Hải đang bị phong tỏa trong hơn hai tuần và các thảm họa nhân đạo thường xuyên được đưa lên mạng xã hội.
Trong những ngày gần đây, một đoạn video đã được lan truyền trực tuyến, trong đó chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh ở Thượng Hải Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong) cho thấy rằng số người tử vong vì cuộc phong tỏa này sẽ vượt xa số người tử vong vì COVID-19, nếu việc phong tỏa vẫn tiếp diễn.
“Nếu các bệnh viện không nối lại dịch vụ, thì số ca tử vong do các bệnh khác sẽ cao hơn nhiều so với số ca tử vong do COVID-19,” ông nói trong video đăng tải hôm 13/04, được nhiều cư dân mạng hưởng ứng.
Ông Trương nói: “Toàn bộ thành phố này có thể bị tạm ngừng hoạt động trong bao lâu, và chúng ta có thể chịu nhận điều này không? Mọi người không có gì để ăn hay uống, không có nơi nào để mua rau, và nếu quý vị bị bệnh, quý vị không thể đến bệnh viện để khám bệnh. Sẽ có nhiều người thiệt mạng vì điều đó hơn là vì COVID-19.”
“Hơn nữa, nếu bệnh viện không nối lại các dịch vụ, thì các bệnh nhân ung thư không thể thực hiện hóa trị và phẫu thuật, những người bị nhiễm các bệnh khác không được điều trị, và các bệnh nhân bị chấn thương không thể được chăm sóc. Trong trường hợp này, tôi tin rằng các bệnh nhân sẽ tử vong vì các bệnh khác nhiều hơn là tử vong do COVID-19. Vì vậy, tôi nghĩ khôi phục lại hoạt động là điều hợp lý và mọi người nên trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt,” ông Trương nói trong video.
https://youtu.be/G9L5oRo-VCc
Ông Trương là trưởng nhóm chuyên gia phòng chống đại dịch của Thượng Hải. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng ở vị trí đó là trong một cuộc họp báo hôm 25/03.
Ông đã đề nghị “phòng dịch có mục tiêu” đồng thời phản đối việc phong tỏa, và Thượng Hải đã đi theo chính sách này, vốn tương tự như chiến lược “sống chung với virus” mà các nước phương Tây hiện đang thực hiện. Tuy nhiên, Thượng Hải đã thực hiện một cuộc phong tỏa toàn bộ kể từ hôm 28/03 và kênh thông tấn của chính quyền vốn ủng hộ chính sách “Zero COVID” và các đợt phong tỏa đã chỉ trích ông Trương. Khi ông Trương tái xuất trước công chúng hôm 09/04, ông chỉ được gọi là một “chuyên gia của Đội Điều trị Y tế Phòng chống và Kiểm soát Đại dịch Thượng Hải.”
Nhiều chuyên gia y tế và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã chia sẻ các quan điểm và đề nghị của ông Trương trong video này.
Luật sư Bành Vĩnh Hòa (Peng Yonghe) làm việc tại Thượng Hải nói với The Epoch Times hôm 15/04 rằng vấn đề cốt lõi mà ông Trương đề cập trong video là để bảo đảm các dịch vụ y tế có thể tiếp cận được để bệnh nhân có thể nhận được sự điều trị hiệu quả cho các bệnh khác khác ngoài COVID-19 trong thời kỳ kiểm soát đại dịch. Ông nói: “Nếu quý vị coi thường sinh mệnh, thì chính sách của quý vị không thể bảo vệ sinh mệnh. [Nếu] những người bị bệnh không thể được điều trị hoặc bị bỏ mặc cho đến chết, thì chính sách của quý vị phải được điều chỉnh.”
Chính sách “Zero COVID” hà khắc của chính quyền Trung Quốc đã gây ra phản ứng dữ dội trong dân chúng.
Ông Quý Hiếu Long (Ji Xiaolong), một cư dân ở Phố Đông Thượng Hải và là một nhà hoạt động nhân quyền, đã đăng trên mạng xã hội hôm 12/04 rằng, “Chính sách phòng chống đại dịch nên được một Nhóm Chuyên gia Y tế quyết định — Một Bức thư Ngỏ gửi Toàn Dân Thượng Hải,” kêu gọi một nhóm chuyên gia được người dân bầu chọn để quyết định chính sách phòng chống và kiểm soát đại dịch, thay cho các quan chức cộng sản.
Ông Quý nói với The Epoch Times hôm 14/04 rằng Thượng Hải có hơn 40 bệnh viện hàng đầu, và tất cả các bệnh viện này đều đã được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá và được người dân tín nhiệm. Tiến sĩ Trương Văn Hoành là một chuyên gia được tín nhiệm tại một trong những bệnh viện này. Tất cả các nhân viên y tế trong mỗi bệnh viện nên bầu chọn ẩn danh một chuyên gia y tế trong một quy trình được công chúng giám sát, và cùng nhau lập ra một nhóm chuyên gia.
Ông nói: “Các quan điểm phòng chống đại dịch do các chuyên gia trong nhóm này cùng xây dựng đã tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của người dân. Chúng tôi không tin vào chính phủ, và chúng tôi không tin vào sự chỉ huy và điều động mang tính cá nhân của lãnh đạo. Chúng tôi tin vào các chuyên gia.”
Các chuyên gia y tế Thượng Hải đã bày tỏ các quan điểm tương tự với quan điểm của ông Trương.
Bà Chu Vị Bình (Zhu Weiping), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ở Tân khu Phố Đông Thượng Hải, cho biết trong một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện với người dân rằng, các bệnh nhân COVID không có triệu chứng và các bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ tốt nhất là nên cách ly tại nhà, và đừng bao giờ nên đến nơi cách ly. Bà nói rằng các chuyên gia cũng đang “phát điên” khi bị phong tỏa và không ai lắng nghe những gì họ nói, bởi vì “bây giờ căn bệnh này đã trở thành một vấn đề chính trị.”
Hôm 11/04, ông Từ Huệ Lương (Xu Huiliang), một bác sĩ 75 tuổi đã về hưu ở Thượng Hải, công bố một bức thư ngỏ sử dụng tên thật của mình, đồng thời đưa ra một số đề nghị với chính quyền thành phố Thượng Hải về việc kiểm soát đại dịch, bao gồm bảo đảm sự vận hành thông suốt của EMSS (hệ thống dịch vụ y tế khẩn cấp) trong quá trình phòng, chống đại dịch để tránh và giảm thiểu thương vong và thảm họa nhân đạo do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây ra. Ông cũng khuyến cáo những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 được phép cách ly tại nhà của họ.
Ông Mậu Hiểu Huy (Miao Xiaohui), phó giám đốc đã về hưu của Bệnh viện Trường Chinh trực thuộc Đại học Quân Y số 2 tại Thượng Hải đăng trên mạng xã hội hôm 14/04 rằng theo dữ liệu chính thức, cho đến nay, chỉ một trong số 170,000 người bị nhiễm COVID-19 tử vong, tuy nhiên, tin tức về những ca tử vong do tình trạng phong tỏa ngày càng gia tăng. Ông đặt câu hỏi liệu các nhà chức trách có nên điều chỉnh chiến lược ngăn chặn đại dịch càng sớm càng tốt hay không.
Hôm 14/04, cuộc họp báo về phòng chống và kiểm soát đại dịch ở Thượng Hải công bố rằng hiện chỉ có 9 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng, trong số đó có 8 người già trên 70 tuổi mắc các bệnh lý nền.
Dữ liệu mà Trung Quốc công bố trong suốt thời gian xảy ra đại dịch được cho là rất không đáng tin cậy. Do áp lực chính trị, các nhà chức trách buộc phải báo cáo số ca nhiễm và ca tử vong thấp hơn con số thực tế.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Khánh ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: