Chuyên gia: Nhật Bản, Ấn Độ, Úc lên kế hoạch lập chuỗi cung ứng toàn cầu mới để chống lại Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới cung ứng toàn cầu mới và đang triển khai một sáng kiến gọi là Sáng kiến Phục hồi Chuỗi cung ứng (SCRI) nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Họ nói, sáng kiến này là kết quả của địa chính trị mới nổi trong thế giới hậu virus Vũ Hán.
“Sự hợp tác này có liên quan chặt chẽ đến chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc”, ông Satoru Nagao, một học giả hợp tác tại Viện Hudson và là chuyên gia về hợp tác an ninh Ấn Độ – Hoa Kỳ – Nhật Bản, nói với The Epoch Times trong một email.
“Washington có lợi ích trong việc ngăn cản Bắc Kinh đạt được khối tài sản mà họ cần để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội của mình”.
Trong khi các cuộc đàm phán về SCRI hiện đang ở cấp độ xây dựng, Nhật Bản sẽ tìm cách đưa nó lên cấp độ cao hơn ở một vài điểm, tờ Japan Times đưa tin. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang trợ cấp để một số công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc chuyển rời hoặc mở rộng [hoạt động] tại Nhật Bản hoặc các nước Đông Nam Á; hiện có khoảng 87 công ty tham gia.
SCRI là một “thông báo chính sách táo bạo”, nhưng cộng đồng toàn cầu vẫn cần phát triển [cái nhìn] rõ ràng về hoạt động của nó, ông Pratik Dattani, cố vấn của tổ chức tư vấn Bridge India có trụ sở tại London và là giám đốc điều hành của Economic Policy Group, nói với The Epoch Times.
Ông Dattani, từng là giám đốc phụ trách Anh Quốc của Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết, “Ấn Độ luôn tự hào về sự không liên kết của mình, nhưng bước đi táo bạo này đánh dấu một sự thay đổi khác. Mặt khác, ba nước đã phát triển các mối quan hệ chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải thông qua Bộ tứ (Quad), vì vậy đây có thể được coi là một sự phát triển tự nhiên của chính sách đối với lĩnh vực kinh tế.”
Quad là một diễn đàn chiến lược bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong khi đại dịch đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về uy tín của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp, đó không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến SCRI; các chuyên gia cho rằng mối quan hệ thương mại và ngoại giao ngày càng xấu đi của mỗi quốc gia này với Trung Quốc cũng là một sự lo ngại.
Ông Nagao cho biết ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới là do khối tài sản của nó và những khoản cho vay khiến các nước nhỏ hơn trở thành con nợ của quốc gia này.
“Các nước có vốn đầu tư (và nợ) đáng kể của Trung Quốc cũng ngần ngại chỉ trích Bắc Kinh, ngay cả khi nước này vi phạm các quy tắc quốc tế. Vì lý do này, Hoa Kỳ sẽ sử dụng chiến tranh thương mại, trừng phạt kinh tế hoặc các biện pháp khác nhằm làm suy yếu Trung Quốc về mặt kinh tế”, ông nói.
“Nhật Bản, Ấn Độ và Úc nên phản ứng như thế nào? Họ không nên phụ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế. Về lâu dài, họ phải giảm sự phụ thuộc về kinh tế để tránh trở thành những hành khách trên một con tàu chìm. Vì vậy, không thể tránh khỏi điều đó.”
Ông Dattani nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm nay đã mắc một số sai lầm về chiến lược trong cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ ở Galwan, cũng như ở Hồng Kông và các nơi khác vì những hành động gây hấn.
“Vào thời điểm mà sự khiêm tốn và hợp tác toàn cầu lẽ ra có thể giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại tốt hơn, thì nó lại khiến cho thiện cảm của một số nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng trở nên xấu đi”, ông Dattani nói.
‘Tình hình rất khó khăn”
Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã bắt đầu giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, mặc dù các chuyên gia cho rằng việc chuyển toàn bộ đơn hàng của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang nơi khác không phải là vấn đề dễ dàng.
“Đối với Nhật Bản, Trung Quốc không phải là một đối tác thương mại hàng đầu, nhưng là một đối tác lớn”, ông Nagao nói. “Hoa Kỳ chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất cảng của Nhật Bản, và đứng đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chiếm tới 19% và đứng thứ hai. Đối với Ấn Độ, tình hình cũng tương tự. Năm 2018, lần đầu tiên Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ.”
“Nhưng từ năm 2013 đến 2017, Trung Quốc đứng đầu và vẫn là một đối tác thương mại lớn. Đối với Úc, tình hình rất trầm trọng. Trung Quốc đứng đầu và áp đảo với 30% – 40% tổng kim ngạch. Nhật Bản đứng thứ hai, nhưng chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc.”
Ông Bibhu Prasad Routray, một nhà phân tích địa chính trị người Ấn Độ và là giám đốc của tổ chức Mantraya có trụ sở tại Goa, nói với The Epoch Times rằng điều đó không thể “xảy ra trong ngắn hạn”.
“Và để làm được điều đó, các quốc gia tham gia, đặc biệt là Ấn Độ, phải thu hút các nhà đầu tư. Thành tích của New Delhi, về mặt này, không hứa hẹn đặc biệt gì. Hệ thống luật thuế, thiếu vắng các dự án cải cách, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, v.v…, đã khiến các nhà đầu tư tìm đến những địa điểm khác”, ông Routray cho biết trong một văn bản.
“Tất cả những điều đó sẽ phải thay đổi mạnh mẽ để mục tiêu đó trở thành hiện thực.”
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết trong cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ – Ấn Độ vào ngày 3/9 rằng chi phí của mạng lưới cung ứng không phải là yếu tố duy nhất, khi thọc sâu gián tiếp vào những chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
“Họ cũng nên dựa trên sự tin tưởng cùng với khả năng chi trả. Các công ty hiện cũng đang tìm kiếm độ tin cậy và sự ổn định chính sách. Ấn Độ có tất cả những yếu tố này”, ông Modi nói.
“Vào tháng 4/2020, Nhật Bản đã dành 2.2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất địa phương dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và trên thực tế, nhiều công ty Nhật Bản đã bố trí lại các nhà máy Trung Quốc của họ sang Đông Nam Á hoặc Nam Á”, ông Nagao nói và cho biết thêm rằng Ấn Độ cũng đã thay đổi các quy định của mình hồi tháng 4, bắt buộc đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia mà nước này có chung một biên giới trên bộ phải xin được sự chấp thuận trước.
“Kết quả là, số lượng công dân Nhật Bản sống ở Trung Quốc đang giảm dần và đã từ 150,399 người vào năm 2012 xuống còn 120,076 người vào năm 2018. Mặt khác, số lượng người Nhật Bản sống ở Hoa Kỳ đã tăng lên, từ 410,973 người vào năm 2012 lên 446,925 người vào năm 2018.”
Đối với ông Dattani, mục tiêu của chính sách này không phải là xây dựng chuỗi cung ứng trong một sớm một chiều mà là đẩy lùi sự hiếu chiến của Trung Quốc.
“Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Chỉ đơn thuần dịch chuyển sang các nước khác là không khả thi. Thông báo lần này sẽ thúc đẩy Trung Quốc điều chỉnh lại một số quyết định về chính sách ít thiện chí trong giai đoạn gần đây, nhằm giúp khôi phục lại sự bình thường trong các quan hệ quốc tế của mình”, ông Dattani nói.
Ảnh hưởng đến Trung Quốc
Ông Dattani nói rằng thông báo lần này là một cơ chế đối phó của các quốc gia liên quan, khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi Trung Quốc và thấy ích lợi nhất là nên cùng nhau [hành động]. Trong khi đó, ông Nagao cho biết sự phát triển kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng nếu chuỗi cung ứng toàn cầu này, thay thế cho chuỗi cung ứng của Trung Quốc, không hoạt động.
“Tuy nhiên cùng lúc đó, hợp tác Nhật Bản – Ấn Độ – Úc là quan trọng nhưng chẳng qua chỉ là một trong những nỗ lực. Ngoài ra, còn có những nỗ lực khác. Và cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã dừng hoặc làm chậm lại bản thân nền kinh tế. Đây là thời điểm để xem xét lại toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế và chuỗi cung ứng”, ông Nagao nói.
Ông Routray cho rằng nỗ lực này sẽ thách thức nghiêm trọng sự độc quyền của Bắc Kinh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và đe dọa sự thống trị của nó.
“Theo logic, hành động này có thể có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của nó. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ công bố các chính sách của riêng mình để chống lại điều này”, ông Routray nói.
Ông cho biết thêm rằng Nhật Bản, Ấn Độ và Úc không thể xây dựng hợp tác chỉ dựa trên “chủ nghĩa bài Trung Quốc” và sẽ cần phải mở rộng quan hệ đối tác của họ sang các lĩnh vực khác, vốn cần có những quyết sách khó khăn.
Ông Dattani cho biết bất kỳ quan hệ đối tác thực sự nào cũng cần có trao đổi thương mại giữa các nền kinh tế một cách thực sự.
“Theo đó, chính sách và sự rõ ràng về mặt thực thi là cần thiết, đặc biệt khi môi trường chính trị Nhật Bản chuẩn bị có sự thay đổi lớn. Nếu không, nó chỉ là để trưng bày và không có thực chất”, ông nói.
Tác giả: Venus Upadhayaya