Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể chia sẻ cách phát hiện các chính trị gia đang nói dối
Khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra, một số cử tri vẫn chưa thể đưa ra quyết định lựa chọn ứng cử viên của mình.
Và khi các tuyên bố trong chiến dịch mâu thuẫn, một số người sẽ tự hỏi, vậy ai mới là người trung thực?
Các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể nói với The Epoch Times rằng đó không còn là một điều bí ẩn nữa.
Nhưng trước tiên, các cử tri đang nghĩ cách tìm ra sự thật, phải quên đi mọi thứ họ đã được nghe về cách phát hiện một lời nói dối. Những lời đồn từ các thế hệ cũ là sai lầm, chẳng hạn như một kẻ nói dối thường không có khả năng nhìn vào mắt của người mà anh ta đang cố gắng lừa dối.
Chuyên gia Susan Constantine cho biết: “Hướng nhìn của đôi mắt không phải là manh mối cho thấy sự lừa dối, và không phải việc nhìn hướng lên về phía bên phải hay bên trái — tất cả những thứ mang tính khoa học đó đã được chứng minh là sai lầm” bởi tối thiểu 22 nghiên cứu được bình duyệt.
Vậy điều gì sẽ phơi bày một lời nói dối?
Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho bất kỳ ai. Nhưng luôn có những hành vi mà tất cả những kẻ nói dối nhìn chung đều mắc phải, các chuyên gia cho biết.
Các dấu hiệu từ đường cơ sở
Bà Constantine và hai chuyên gia phát hiện nói dối hàng đầu khác cho biết, khi ai đó cố gắng lừa dối, họ sẽ vô thức bộc lộ một loạt các hành vi liên quan đến việc nói dối.
Và “một loạt” những hành vi mà các chuyên gia gọi là “điểm nóng” hoặc “lời nói” sẽ khác việt với cách hành động hoặc cách nói chuyện thông thường của người đó.
“Chúng ta có một cách chung để hành xử — đó là đường cơ sở của chúng ta,” bà Traci Brown, tác giả cuốn “How to Detect Lies, Fraud and Identity Theft.” (Tạm dịch: “Làm thế nào để Phát hiện Lời nói dối, Gian lận và Mạo danh.”)
Để phát hiện ra sự không trung thực của một chính trị gia hoặc nghi phạm đang bị điều tra, bà Brown tìm kiếm từ 2 đến 5 manh mối liên quan đến sự lừa dối “ngoài đường cơ sở của họ” chỉ khoảng trong một câu. Bà Constantine huấn luyện khách hàng của mình tìm kiếm ít nhất ba dấu hiệu trong bảy giây.
Một loạt manh mối diễn ra nhanh chóng và họ biểu thị sự căng thẳng. Các chuyên gia đồng ý rằng sự căng thẳng đi kèm với lừa dối. Đó là phản ứng của cơ thể khi sự không trung thực được hình thành trong não bộ.
Bà Constantine cho biết: “Đó là khoa học, và đã có nghiên cứu chứng thực điều này.”
Các dấu hiệu từ đường cơ sở sẽ vạch trần ngay cả một chính trị gia bóng bẩy, giỏi phóng đại và che giấu sự thật, hoặc chỉ đích danh những kẻ gian dối.
Hầu hết các chính trị gia dày dạn kinh nghiệm đã “học cách trả lời các câu hỏi và trình bày câu trả lời theo cách mà họ đang cung cấp thông tin cho quý vị,” bà Constantine nói.
“Họ đang che đậy, trốn tránh, và bỏ qua thông tin liên quan, đó là có mục đích của họ.”
Bằng cách tập dượt nhiều lần các luận điểm của mình, họ tập luyện để che giấu việc chuyển tải những mẩu tin thú vị không quá đúng sự thật.
Nhưng hầu như không thể ngụy trang sự lừa dối của họ một cách hoàn toàn, đặc biệt là khi bị đặt câu hỏi bất ngờ buộc phải đi chệch khỏi kịch bản, các chuyên gia đều đồng ý điều này.
Đó là khi cơ thể biểu thị ra. Và đó là thời điểm tốt nhất để những nhà quan sát theo dõi sát sao.
Tuy nhiên, một người không nhất thiết phải là một chuyên gia. Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Patti Wood, tác giả của cuốn “Snap: Making the Most of First Impressions, Body Language, and Charisma” (Tạm dịch: “Trong tích tắc: Tạo ra Hầu hết các Ấn tượng Đầu tiên, Ngôn ngữ Cơ thể và Sức hút”) cho biết, về bản chất mọi người là đều bồn chồn khi nói những lời nói dối nhỏ, giúp tất cả chúng ta trở thành “phát hiện kẻ nói dối” một cách hiệu quả.
Những manh mối cho đại xảo ngôn của ông Clinton
Vào tháng 01/1998, khi Tổng thống (TT) Bill Clinton phủ nhận có dính líu tới thực tập sinh Tòa Bạch Ốc Monica Lewinsky, ông ấy đã không thể đánh lừa các chuyên gia được đào tạo để đọc ngôn ngữ cơ thể. Họ đã nhìn thấy các manh mối kinh điển.
Nhiều tháng sau đó, những quan sát của họ đã được chứng minh là đúng khi ông Clinton thừa nhận “mối quan hệ thể xác không chính đáng.”
Trong một video clip từ Thư viện Tổng thống William J. Clinton, đôi mắt của cựu tổng thống dường như “chằm chằm vào một điểm và chết lặng,” đó là một manh mối lớn, bà Constantine cho biết.
Lông mày ông ấy thoáng nhướn lên là một manh mối khác. Và ông ấy đã dùng ngón tay trỏ để chỉ, nói để “để thuyết phục người nghe hơn là để truyền đạt” thông tin, bà Constantine cho biết.
“Đó là tất cả các dấu hiệu cho sự lừa dối” bởi vì các hành động này diễn ra một loạt liên tiếp và khác với cách trò chuyện thông thường, đường cơ sở của ông ấy, bà chia sẻ.
Trong khi phủ nhận [sự việc], ông Clinton nhấn mạnh vào những từ sau: “Tôi muốn nói một điều với người dân Mỹ. Tôi muốn quý vị lắng nghe tôi. Tôi sẽ lặp lại điều này. Tôi không quan hệ thể xác với người phụ nữ đó — Cô Lewinsky.”
Đập vào bục diễn thuyết để nhấn mạnh, ông ấy nói, “Tôi chưa bao giờ bảo ai nói dối. Chưa một lần nào. Chưa bao giờ. Những cáo buộc này là sai sự thật. Và tôi cần trở lại làm việc cho người dân Mỹ. Cảm ơn quý vị.”
Bà Wood cho biết ngay cả việc lựa chọn từ ngữ của ông ấy cũng giúp tiết lộ lời nói dối.
Khi ông ấy gọi cô Lewinsky là “người phụ nữ đó,” trước khi “ông ấy dừng lại” và sử dụng tên cô ấy, đó “được gọi là giải thể nhân cách,” và đó là một manh mối mà các nhân viên chấp pháp lưu ý khi phỏng vấn các nghi phạm, bà Wood cho hay.
“Khi ai đó giải thể nhân cách, đó thực sự là một tín hiệu cho thấy họ có tội về hành vi đối với người đó hoặc cùng người đó.”
Ngoài ra, ông ấy đã ngập ngừng trong một khoảng thời gian dài bất thường giữa các từ “phụ nữ” và “Cô Lewinsky.”
Bà Wood nói: “Lâu hơn mức bình thường và nằm ngoài đường cơ sở của ông ấy.”
Chìa khóa ở đây chính là một loạt hành vi
Khi tìm cách phát hiện ra những dấu hiệu, “điều thực sự quan trọng là phải hiểu cách mà bộ não hoạt động,” bà Constantine nói. “Khi một người biết rằng họ sẽ nói điều gì đó không đúng sự thật, chính là lúc những manh mối bắt đầu bộc phát.”
Đó là khi họ đi lệch khỏi đường cơ sở của mình.
“Khi họ chuẩn bị bịa chuyện, hoặc bỏ qua [câu hỏi], hoặc bênh vực và bỏ sót, hay dối trá một cách trắng trợn, bạn sẽ bắt đầu thấy một loạt [hành động] này xảy ra,” bà Constantine nói.
Tương tự ông Clinton, kẻ nói dối có thể dừng lại một cách bất thường hoặc đôi mắt trở nên đơ dại trước khán giả hoặc người thẩm vấn. Hoặc “một bên vai sẽ hơi nhô cao hơn — đó là dấu hiệu của sự lừa dối. Nhưng có rất nhiều [dấu hiệu khác],” bà Constantine nói.
Như thường lệ, chìa khóa ở đây là một loạt [các hành vi].
Có thể bao gồm việc cười khúc khích, ngáp, nhướng mày, thở dài, liếm lưỡi ngoài khóe miệng, lắp bắp, chuyển trọng tâm cơ thể, nhịp chân, đưa tay lên mặt, mím môi, cắn vào khóe miệng, chớp mắt liên tục hoặc chớp mắt ít hơn thông thường và những thay đổi đột ngột trong tông giọng, nhịp độ, âm lượng hoặc cao độ của một người.
Bà Constantine nói rằng những hành vi đó xảy ra là do “sự lo lắng trong lòng và đó là những gì chúng ta gọi là cognitive load (Cognitive load mô tả gánh nặng của con người về trí nhớ ngắn hạn khi phải làm các nhiệm vụ phức tạp), và đó là những gì xảy ra với não bộ khi bộ não biết rằng quý vị sẽ nói dối.”
Bà Constantine cho biết Phó tổng thống Kamala Harris có dấu hiệu lừa dối khi bà ấy nở một nụ cười gượng gạo hoặc cười trừ trước những điều người khác nói. Đó là một manh mối cho thấy sự lừa gạt mà các chuyên gia gọi là “niềm vui thao túng ai đó.”
“Khi một người nói điều gì đó, và sau đó họ cảm thấy như họ lừa dối quý vị, đôi khi [quý vị] sẽ nhìn thấy [họ nở] một nụ cười nhếch mép hoặc cười mỉm,” hoặc nụ cười gượng gạo không đúng lúc.
“Bà ấy đã làm vậy,” bà Constantine cho biết. “Và khuôn mặt bà ấy thể hiện sự chăm chú quá mức,” nghĩa là giữ một biểu cảm, chẳng hạn như việc mỉm cười hoặc cau mày quá lâu.
Các biểu hiện chân thực chỉ thoáng qua, lưu lại trên “khuôn mặt quý vị trong micro giây,” bà Constantine nói. “Vì vậy, khi quý vị che giấu cho dù chỉ là một nụ cười hay một cái cau mày, hoặc một biểu hiện cường điệu, đó là những biểu hiện thái quá. Đó là những thứ ngụy tạo. Là những thứ bị gượng ép.”
Và đó là một cảnh báo cho sự không trung thực, bà nói.
Thông thường, việc bà Harris “chăm chú quá mức” thực sự biểu hiện bà ấy cảm thấy rất khó chịu và bất an hơn,” bà Constantine nói. “Vì vậy, bà ấy nghĩ rằng khi mỉm cười quá mức hoặc chăm chú quá mức giúp bà ấy sẽ thuyết phục được mọi người. Điều này là phản tác dụng.”
Tuy nhiên, bà Constantine nói thêm, “Tôi sẽ không bao giờ tin tưởng bất kỳ ai nếu họ ngồi đó đối diện với tôi” với một nụ cười gượng gạo, thiếu chân thành.
“Quý vị nghĩ rằng quý vị sẽ thuyết phục được tôi, vì quý vị đang cố gắng trở nên lôi cuốn, và quý vị đang chăm chú quá mức, đối với tôi điều đó là thứ không chân thực,” bà Constantine chia sẻ. “Một sự ngụy tạo. Đối với tôi đó là bài kiểm tra cho thấy mức độ không chân thực gấp ba lần.”
Thường được yêu cầu phân tích các cuộc tranh luận, bà Wood cũng quan sát đôi môi để biết thêm manh mối.
“Khi họ mím môi, tôi gọi đó là sự che đậy thông qua đôi môi — họ đang che dấu sự thật. Vì vậy, rất có thể điều tiếp theo từ miệng họ là lời nói dối,” bà Wood cho hay.
Điều này cũng tương tự khi các ứng viên “lắng nghe một câu hỏi và mím môi. Họ biết sự thật, nhưng họ đang cố giữ để sự thật đó không lộ ra ngoài. Vì vậy, rất có thể điều tiếp theo từ miệng họ là một lời nói dối.”
Hoặc nếu đối tượng khó chịu với người phỏng vấn vì đã đặt một câu hỏi hóc búa, họ có thể lè lưỡi, chỉ vừa đủ và rất nhanh. Bà Wood điều chỉnh tốc độ phát video chậm lại để tìm các manh mối như vậy.
“Điều đó có nghĩa là họ đã bị dồn vào chân tường và bị phát hiện,” bà Wood nói. Bà thường thấy điều đó ở các nhân chứng ra làm chứng trước Quốc hội.
Trong một loạt tín hiệu họ [đưa ra], những người nói dối có thể liếm môi, thường là từ trái sang phải, bà nói, “giống như họ đang phủ nhận những gì họ vừa nói.”
Và trong khi tìm những kẻ nói dối, bà quan sát đôi mắt của họ.
Thông thường những người đang nói dối có thể nhắm mắt lâu hơn.
“Quý vị đang nhắm mắt trước những điều quý vị không thích hoặc quý vị đang cố gắng dành một phút để nghĩ về lời nói dối đó,” bà Wood cho biết. “Điều này cho phép bộ não của quý vị nghỉ ngơi trong một giây, để quý vị có thể đi đến tân vỏ não [khu vực của não bộ], nơi có những lời nói dối và nghĩ về lời nói dối đó.”
Những lời lừa phỉnh của ông Biden
Bà Brown và bà Constantine lưu ý những gì họ coi là dấu hiệu không thể nhầm lẫn khi mà TT Joe Biden đi chệch hướng khỏi sự thật.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông ấy thường nói rất trôi chảy và tự tin — [trong] đường cơ sở của ông ấy — cho đến khi ông tham gia vào một chủ đề cụ thể, bà Brown nói.
“Bất cứ khi nào ông ấy nói về chủng tộc và bình đẳng chủng tộc,” bà nói, đó là khi ông ấy bắt đầu nói lắp hoặc “gặp khó khăn khi nói một từ. Điều đó xảy ra thường xuyên trong chiến dịch tranh cử.”
Bà nói rằng lời nói khiến một diễn giả mắc lỗi có thể là trung tâm của sự dối trá.
Và khi một người nói trơn tru đột nhiên bắt đầu lắp bắp và “tỷ lệ lỗi từ là rất cao, đó là dấu hiệu của sự lừa dối,” bà Brown nói.
Ấn tượng của bà như sau: Khi ông Biden liên tục tuyên bố bất bình đẳng chủng tộc là một vấn đề phổ biến ở Hoa Kỳ, ông ấy thực sự không tin vào điều đó.
Bà cho biết: Đôi mắt ông ấy kể một câu chuyện tương tự.
“Bất cứ khi nào tốc độ chớp mắt của bất kỳ ai thay đổi, đó là sự lo lắng cao độ,” bà Brown nói. “Mức độ căng thẳng cao độ có thể liên quan đến sự lừa dối. Không phải lúc nào cũng thế. Nhưng chắc chắn là có thể.”
Bà Constantine ngờ vực sự không trung thực khi ông Biden đột nhiên bắt đầu ho hoặc hắng giọng. Những hành vi đó cho thấy “sự lo lắng tột độ đối với ông ấy, và hoàn toàn có thể liên quan đến sự lừa dối,” bà cho biết.
Quý vị sẽ thấy những hành vi tương tự ở khắp mọi nơi, ngay cả trong nhà thờ, bà Wood đồng ý.
Khi nghe một “bài giảng từ mục sư, và ông ấy nói về sự không chung thủy, hãy lắng nghe giáo dân, xem ai là người đang ho và hắng giọng,” bà Wood gợi ý. Các chuyên gia gọi đó là câu hỏi về lòng chung thủy của chính họ, bà nói.
Đó là một mẹo mà bà đã chia sẻ với bạn bè, với những kết quả hài hước.
“Tất cả chúng tôi đi xem bộ phim này cùng nhau, và các nhân vật đang nói về sự thiếu chung thủy trong bộ phim, và mọi người đột ngột ho và hắng giọng trong rạp,” bà Wood nhớ lại. “Tất cả bạn bè của tôi đều nhìn tôi và cười lớn.”
Nhưng còn nhiều hành vi khác trong cách cư xử của ông Biden khiến bà Constantine và bà Brown ngờ vực về sự trung thực [của ông].
“Việc tạm dừng, do dự, hắng giọng, nhìn xuống sau khi họ đã nhìn lên, cười nhếch mép, đảo mắt, nhướng mày, sự thích thú trong việc thao túng ai đó — ông Biden thực hiện tất cả các hành vi này,” bà Constantine nói. “Tôi đã rất chấn động khi mọi người tin tưởng ông ấy.”
“Cái nhếch mép!” bà nói. “Và tiếp theo ông ấy lắng nghe một câu hỏi và chỉ phá lên cười. Điều đó tương tự việc ông ấy đang phủ nhận một điều mà ai đó vừa đề cập, chẳng hạn như, ‘quý vị không biết mình đang nói về điều gì đâu.’
“Và đó là cách của ông ấy để ngụy trang những gì ông thực sự cảm thấy, chỉ bằng cách nở một nụ cười thích thú đầy dối trá, một hành động rất trịch thượng.”
Hoặc khi ông ấy nói, “Thôi nào, ông bạn!”
“Đó là sự khinh thường” báo hiệu sự không trung thực, bà Constantine cho biết.
Cựu TT Trump
Cựu TT Donald Trump cũng là “một trường hợp thú vị để các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể nghiên cứu,” bà Constantine nói.
“Ông ấy có cử chỉ nhỏ của riêng mình mà thậm chí không tồn tại trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào của chúng tôi,” bà nói. “Ông ấy giống như một cuốn sách giáo khoa với tất cả các cử chỉ của riêng mình — những dấu hiệu OK bằng tay hài hước, và cử chỉ kéo [tay] sang một bên.”
“Nhưng nhìn chung, tôi cho rằng ông ấy tin vào những gì mình đang nói,” bà Constantine cho biết. Những cử chỉ ‘kỳ lạ’ của ông ấy dường như phản ánh sự trung thực, kể cả cách ông ấy thường mở lòng bàn tay.
“Nhưng mức độ bất an ở ông ấy khá cao, và đó là lý do tại sao ông ấy khẳng định lại và bịa đặt,” bà nói thêm. “Tôi không nghĩ ông ấy đang cố lừa dối. Tôi cho rằng đó chỉ là một phần tính ái kỷ của ông ấy. Tính cách của ông ấy thể hiện trong cử chỉ của ông ấy. Mọi thứ về ông ấy đều ở tầm cao hơn rất nhiều.”
Việc ông Trump chỉ tay trong các cuộc tranh luận tổng thống đã gợi ý cho bà Brown rằng ông chưa được đào tạo về ngôn ngữ cơ thể.
Các ứng cử viên được huấn luyện thường tỏ ra lưu tâm đến hai hoặc ba người ở hàng ghế đầu khi họ đứng trên sân khấu, hành vi chuẩn mực đối với bà Hillary Clinton.
“Điều đó nói lên rằng, ‘Tôi rất nổi tiếng và tôi đang gặp gỡ tất cả bạn bè của mình,’” bà Brown nói. “Họ chỉ tay và mỉm cười, và hành động đó đã được huấn luyện.”
Nhưng không giống như ông Trump, “họ không chỉ bằng ngón trỏ mà đưa ngón cái về phía ngón trỏ và hạ thấp tông giọng để giảm bớt sự hung hăng.
“Khi chỉ bằng ngón trỏ của quý vị, đó là thái độ rất hung hăng. Cho đến trước ông Trump, chúng ta chỉ thấy điều đó từ các nhà độc tài Trung Đông. Nói chung, cho đến nay, người Mỹ không muốn có kiểu chính trị gia hiếu chiến đó.”
Ông Trump cũng bước ra từ phía sau bục diễn thuyết của mình, giống như “ông ấy đang theo dõi bà Hillary,” bà Brown nói. “Đó là ngôn ngữ cơ thể rất hung hăng.”
Phát hiện lời nói dối
Trong các cuộc tranh luận, bà Brown lưu ý rằng những người vịn vào một bên bục diễn thuyết, một dấu hiệu của sự khó chịu và manh mối cho thấy rằng, khi kết hợp với các “điểm nóng” khác, sự lừa dối sẽ đến.
Bà Brown nói: “Các hành vi xoa dịu” cũng báo hiệu căng thẳng xuất phát từ nỗ lực lừa dối. Bà tìm kiếm các hành vi như bẻ khớp ngón tay, tự ôm chính mình, nhịp chân, gõ gõ tay, ho, nuốt nước bọt, hắng giọng, và ngáp.
Và “bất cứ thứ gì không đối xứng đều có thể cho thấy sự lừa dối,” bà nói, chẳng hạn như một nụ cười nhếch mép hoặc cái nhún vai không tự chủ.
Bà Brown nói: “Cơ thể của quý vị hầu như không bao giờ cho phép quý vị thoát khỏi” một lời nói dối mà không tạo ra bằng chứng.
Bà Wood cho biết, cơ thể cũng có cách phản ứng với những lời nói dối trước khi chúng ta nhận ra chúng một cách có ý thức.
Vì vậy, đừng quên lắng nghe cảm giác khó chịu đó rằng “hệ thống thần kinh trung ương của quý vị, điều giúp quý vị phát hiện lời nói dối, cảm nhận được sự bất ổn,” bà Wood nói.
Nếu quý vị đang xem một ứng cử viên và “điều gì đó chỉ khiến quý vị khó chịu” và “quý vị muốn chuyển kênh”, hãy lưu ý.
“Đó là bởi vì“ hệ thống thần kinh trung ương của quý vị sẽ cảnh báo quý vị về sự lừa dối, bởi vì cơ thể của quý vị nhận thức được điều đó là nguy hiểm và nói rằng, Có gì đó không ổn! Có gì đó không đúng!”
Nhưng cả ba chuyên gia đều đồng ý rằng có một cách chắc chắn sẽ bỏ sót một kẻ nói dối.
Cách này cho phép sự thiên vị được hình thành từ trước với một tư duy mù mờ.
Mọi người “rất muốn tin tưởng vào người mà họ muốn ủng hộ hoặc bầu chọn,” bà Constantine nói. Đó là một cảm giác khó kìm nén.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times